Biển Đông sau 3 năm phán quyết của Tòa Trọng tài
Thất bại về mặt pháp lý đối với các yêu sách chủ quyền ở biển Đông thực tế chưa thể làm Trung Quốc từ bỏ hoàn toàn các động thái leo thang quân sự trong khu vực.
Chiến hạm USS Montgomery (LCS 8) của Mỹ. Ảnh: US NAVY
Ngày 12-7-2019 đánh dấu kỷ niệm ba năm ngày Tòa Trọng tài thường trực ở The Hague (Hà Lan) ra phán quyết bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc (TQ) đối với biển Đông. Dù vậy, các căng thẳng trong khu vực này vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt. Hôm 11-7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus chỉ trích Bắc Kinh bội ước lời hứa không quân sự hóa biển Đông mà Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra hồi năm 2015 trong cuộc gặp cựu tổng thống Mỹ Barack Obama.
Cuối tháng 6-2019, Bộ Quốc phòng Mỹ phát hiện hải quân TQ đã tiến hành thử tên lửa đạn đạo đối hạm ở vùng biển gần đảo Hải Nam trong cuộc tập trận kéo dài từ ngày 29-6 đến 3-7. Cơ quan này tuyên bố hành động của TQ “đáng quan ngại, gây xáo trộn” tình hình khu vực và mâu thuẫn với các cam kết hòa bình của Bắc Kinh.
Mỹ, Trung tranh giành ảnh hưởng
“Hiện tại, cuộc chiến trên mặt trận ngoại giao giữa Mỹ và TQ đang nổ ra. Trong đó, Mỹ là cường quốc có lợi ích lâu dài gắn chặt với các nguyên tắc về tự do hàng hải và di chuyển ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung và biển Đông nói riêng. Bên cạnh đó, Mỹ cũng phải tuân thủ các cam kết về an ninh đối với các đồng minh trong khu vực như Nhật Bản hay Hàn Quốc”, tờ The Economic Times dẫn lời GS Baladas Ghoshal, Giám đốc Hội Nghiên cứu Ấn Độ Dương ở thủ đô New Delhi.
Ông Ghoshal viện dẫn cuộc tranh cãi nảy lửa của phái đoàn Mỹ, TQ tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á năm 2019 tổ chức tại khách sạn Shangri-La (Singapore) hồi cuối tháng 5. Đây là lần gần nhất diễn ra những trao đổi trực tiếp và thẳng thắn giữa hai bên đối với các vấn đề an ninh trong khu vực.
Về phía Mỹ, cựu quyền bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan chỉ trích kịch liệt hành vi bồi đắp trái phép các thực thể nhân tạo ở biển Đông của Bắc Kinh. Ông cũng phản đối những động thái gây hấn của TQ ở các vùng biển tranh chấp, làm ảnh hưởng chủ quyền quốc gia của các nước xung quanh.
“Chúng ta chống lại một tầm nhìn ngắn, hạn hẹp và đơn cực về tương lai và chúng ta ủng hộ một trật tự mở và tự do vốn mang lại lợi ích cho tất cả các bên, trong đó có TQ... Họ (TQ) nói rằng (quân sự hóa biển Đông) là để phòng vệ nhưng thực chất điều đó là sự tàn phá quá mức; các tên lửa đất đối không, các đường băng dài đều là những hành động quá đáng” - cựu quyền bộ trưởng Shanahan nhấn mạnh.
Dẫn đầu phái đoàn TQ tham gia hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng TQ Ngụy Phượng Hòa đặc biệt chỉ trích mối quan hệ ngày càng thân mật giữa Mỹ và Đài Loan, đe dọa sẽ “làm mọi giá” chống lại bất kỳ âm mưu chia cắt nước này. Ông Ngụy cũng phản đối các chiến dịch tự do hàng hải mà Washington cùng đồng minh đã triển khai ở biển Đông, gọi đây là hành động “khoe cơ bắp” nhằm mục đích biểu dương lực lượng.
Tuy nhiên, các lời biện minh của ông Hòa về việc bồi lấp và xây dựng trái phép các thực thể ở biển Đông một cách trái phép đã không thể thuyết phục được phần đông các chính trị gia cũng như giới học giả, dư luận quốc tế. Vì lẽ đó, sau hội nghị Shangri-La 2019, hàng loạt quốc gia như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả một số quốc gia châu Âu đã có những động thái dịch chuyển quân đội đến biển Đông, nhằm đảm bảo một khu vực ổn định và thịnh vượng trước sức ép ngày càng lớn của quân đội, dân quân biển TQ.
Chiến hạm cực mạnh chuyên đấu ven bờ thuộc lớp Independence của hải quân Mỹ USS Montgomery (LCS 8) đã có chuyến thăm chính thức tới Singapore hôm 9-7, đánh dấu lần đầu tiên tàu chiến lớp này có mặt tại biển Đông. |
Trông chờ nhiều hơn vào ASEAN
Khối ASEAN đang gặp những khó khăn nhất định trong cuộc đối đầu của hai cường quốc Mỹ, TQ. Thực tế, trong tương quan lực lượng giữa các quốc gia đơn lẻ khu vực Đông Nam Á với TQ, vai trò ASEAN trong tâm thế một tổ chức gắn kết khu vực trở nên rất quan trọng.
Dựa trên nội dung hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN lần thứ 13 diễn ra hôm 11-7, có thể thấy ASEAN hiện rất quan ngại về những diễn biến gần đây, nhất là trước sự lấn lướt của Bắc Kinh. Không thể phủ nhận vai trò của ASEAN trong việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền ở biển Đông. Dù vậy, giới quan sát vẫn đang trông chờ vào các đại diện của khối có thể đề ra được những giải pháp cụ thể và hiệu quả hơn trước TQ.
Về vấn đề biển Đông, các đại biểu ASEAN đã nhắc lại tầm quan trọng của việc sớm hoàn thiện Bộ quy tắc về ứng xử ở biển Đông (COC), đánh giá cao tiến bộ trong đàm phán COC thời gian qua và khẳng định cam kết của tất cả bên trong thực hiện đầy đủ và hiệu quả tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).
Các bộ trưởng của khối ASEAN cũng tái khẳng định việc tăng cường, củng cố và tối ưu hóa hợp tác quốc phòng, việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông.
Một nội dung khác cũng được nhấn mạnh, bao gồm việc tăng cường sự tin cậy lẫn nhau trong khối, kiềm chế trong các hoạt động có thể làm phức tạp tình hình, theo đuổi các giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, phù hợp luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Chia sẻ với The Economics Times, hai GS Srikanth Kondapalli và Chintamani Mahapatra thuộc ĐH Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) nhận định cách tiếp cận của TQ đối với các nước ASEAN là luôn bảo vệ quan điểm chủ quyền phi lý của họ ở biển Đông. Đồng thời, TQ luôn tìm cách yêu cầu các nước thành viên ASEAN chấm dứt các hoạt động tranh chấp và khai thác tài nguyên ở vùng biển quan trọng này. Vì vậy, việc tiếp tục đoàn kết và phối hợp nhịp nhàng trong khối và với các đối tác quan trọng ngoài khối (như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, EU) để giải quyết vấn đề biển Đông dường như đang trở thành một trọng tâm hàng đầu của ASEAN.
Philippines chưa phát huy lợi thế thắng kiện TQ Chuyên gia Paterno Esmaquel II của tờ The Rappler có ý kiến cho rằng chiến thắng về mặt pháp lý trước TQ của Philippines thực sự không mang nhiều ý nghĩa khi Tổng thống Rodrigo Duterte muốn đổi lấy mối quan hệ thân mật hơn với Bắc Kinh. Trên thực tế, ông cho biết TQ cho đến nay vẫn không có ý định tuân thủ các phán quyết của PCA. Theo đó, ông viện dẫn tuyên bố hồi 9-7 của Tổng thống Rodrigo Duterte cho phép tàu cá TQ khai thác trong vùng biển thuộc lãnh hải của nước này. Trước đó, Tổng thống Duterte cũng đã có nhiều phát ngôn có lợi cho Bắc Kinh trong vụ tàu cá Ph Gem-Ver 1 cùng 22 ngư dân gần bãi Cỏ Rong (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) hôm 9-6. |
Trước những động thái leo thang quân sự gần đây của Trung Quốc trên biển Đông, vai trò của Mỹ và hệ thống đồng minh,...