Biển Đông: Phải răn đe Trung Quốc
Chỉ trích chỉ có hiệu quả nếu nó đi kèm sự răn đe, chế tài nếu Trung Quốc tiếp tục tái diễn các hành vi phạm pháp ở biển Đông.
Tàu hải cảnh Trung Quốc xuất hiện tại khu vực bãi cạn Scarborough vào năm 2017. Nơi này đã bị Trung Quốc chiếm từ tay Philippines vào năm 2012 sau khi Manila sơ hở. Ảnh: REUTERS
Trước thông tin chính quyền Trung Quốc (TQ) thông báo lập hai quận mới, có trụ sở chính quyền ở hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa (thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam), GS Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia quan hệ quốc tế tại ĐH George Mason (Mỹ), nhận định Bắc Kinh ỷ thế lấn tới ở biển Đông, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức về dịch bệnh và an ninh.
Bước tiến mới của Trung Quốc
. Phóng viên: Chính phủ TQ thông báo phê chuẩn, cho phép cái gọi là TP Tam Sa lập hai quận, gồm Tây Sa (đặt chính quyền ở Phú Lâm) và Nam Sa (chính quyền đặt ở đá Chữ Thập), quản lý quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Mục tiêu của TQ là gì, thưa ông?
+ GS Nguyễn Mạnh Hùng: Việc TQ lập hai quận mới là một bước tiến mới trong việc TQ muốn áp đặt chủ quyền trên vùng biển, đảo mà nước này cho rằng có tranh chấp với các nước ở biển Đông dù rằng yêu sách đường lưỡi bò của TQ bị Tòa Trọng tài bác bỏ tính pháp lý vào năm 2016.
Trước hết, sự kiện lập quận đảo cho thấy sự quan trọng biểu tượng của danh xưng. Nói cách khác là TQ muốn tạo tính chính danh ở biển Đông, đó là: Họ vẫn liên tục đòi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, mà TQ gọi là Tây Sa và quần đảo Trường Sa, mà TQ gọi là Nam Sa. Nay chính quyền TQ ngang ngược cho lập ra hai quận mới có đúng tên như vậy để muốn dư luận quốc tế và nhân dân TQ hiểu rằng quận Tây Sa quản lý quần đảo Tây Sa và quận Nam Sa quản lý vùng quần đảo Nam Sa là điều tự nhiên.
Thứ hai, sự kiện lập quận đảo cho thấy sự trắng trợn của TQ trong việc thay đổi thực trạng biển Đông: Đá Chữ Thập trước kia chỉ là một thực thể (bãi đá) chìm. Năm 2014, nơi này bị TQ bồi lấp, cải tạo thành một đảo nhân tạo nổi với sân bay, đài radar, bến tàu và bây giờ, TQ ngang nhiên biến nó thành nơi đặt trung tâm hành chính của một quận.
Rõ ràng mục tiêu dài hạn và tối hậu của TQ là độc chiếm biển Đông, đẩy dần Mỹ ra khỏi vùng biển quan trọng này. Bắc Kinh tham vọng trở thành một thế lực áp đảo trong một vùng biển chiến lược.
TQ đã từng bước thực hiện mục tiêu ấy, từ việc chiếm phần đảo Hoàng Sa (năm 1974) và đá Gạc Ma (năm 1988) của Việt Nam, bãi cạn Scarborough của Philippines (năm 2012) đến việc vẽ đường lưỡi bò có diện tích bao trùm gần hết biển Đông, bồi lấp và cải tạo các thực thể chìm thành đảo nhân tạo, đồng thời quân sự hóa những đảo phi pháp ấy. Việc lập quận đảo lần này là bước tiến mới trong tiến trình này.
. Ông có nhận xét gì về chiến thuật của TQ trong tiến trình độc chiếm biển Đông?
+ Để thực hiện mục tiêu của mình, TQ áp dụng chiến thuật mềm dẻo, “mềm nắn rắn buông” và tranh thủ cơ hội. Việc thế giới và các nước trong khu vực đang lúng túng đối phó với đại dịch COVID-19 khiến nhận thức về mối đe dọa từ TQ giảm đi.
Cũng trong giai đoạn này, tàu sân bay của Mỹ Theodore Roosevelt cũng bị tê liệt vì đại dịch. Liên quan vụ việc, tôi thấy hạm trưởng tàu này là ông Brett Crozier đã bị cách chức một cách khá vụng về, vội vã (do ông viết một bức thư, sau đó bị rò rỉ trên truyền thông, mô tả tình hình khó khăn trên tàu và cáo buộc Lầu Năm Góc không có sự chú ý thích hợp). Sự việc trên đã gây bất mãn trong nội bộ lực lượng hải quân Mỹ. Điều đó cũng góp phần tạo ra cơ hội để TQ thực hiện mục tiêu bắt nạt, đe dọa, lấn chiếm ở biển Đông.
. Có vẻ như TQ không lo ngại các chỉ trích của dư luận quốc tế, trong đó có cả các nước lớn như Mỹ, về hành xử gây hấn ở biển Đông?
+ Tôi không nghĩ như vậy. Nước nào cũng quan tâm đến dư luận quốc tế và không muốn bị chỉ trích. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chỉ trích mà kèm theo hành động chế tài mới có hiệu quả.
Trong tranh chấp biển Đông, thế giới đã nhiều lần lên tiếng: Khi thì chỉ trích, lúc thì khuyến cáo, thậm chí triển khai thực hiện tuần tra đảm bảo tự do hàng hải. Tuy nhiên, bấy nhiêu vẫn chưa thể cản được những bước tiến nhỏ, có tầng có lớp, tuần tự và vững chắc của TQ trong quá khứ, cho nên TQ mạnh bạo lấn tới, đặc biệt trong lúc này.
Chính vì vậy, làm thế nào để răn đe được TQ thì mới nghĩ được đến chuyện buộc TQ phải giảm thiểu cách hành xử sai trái, phi pháp. Khả năng răn đe lại phụ thuộc vào tương quan lực lượng trong vùng, sự gắn kết và hợp tác của các nước quan tâm.
Mỹ đang khó khăn, Trung Quốc lấn tới
. Ông đánh giá thế nào về quan hệ Mỹ-TQ khi Bắc Kinh leo thang biển Đông?
+ Quốc gia mà TQ e ngại nhất là Mỹ nhưng Washington đang dồn hết tâm trí vào việc đối phó đại dịch COVID-19 và chuẩn bị cho cuộc tranh cử tổng thống và Quốc hội vào cuối năm nay. Vậy nên, Mỹ ít khả năng chú tâm và phản ứng một cách hiệu quả với những gì xảy ra ở thế giới bên ngoài nếu điều đó không đe dọa trực tiếp quyền lợi và an ninh của Mỹ.
Ngoài ra, có sự khác biệt trong nhận thức về mối đe dọa đến từ TQ ở biển Đông giữa hai bên: (i) Bên thứ nhất là Bộ Quốc phòng Mỹ; những người có tầm nhìn chiến lược trong chính phủ, các cơ quan nghiên cứu và Quốc hội Mỹ; (ii) Bên còn lại là Tổng thống Mỹ Donald Trump vốn quan tâm nhiều hơn đến việc thương lượng lợi ích kinh tế, nhu cầu tranh cử và giảm thiểu sự can dự quốc tế theo khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết”. TQ hiểu rất rõ về tình trạng nêu trên của nước Mỹ. Vậy nên Bắc Kinh toan tính và hành động theo hiểu biết ấy.
Bằng chứng là Tổng thống Donald Trump (dù tỏ ra rất cứng rắn trong cuộc chiến tranh thương mại) cũng đành chấp nhận ký thỏa thuận tạm thời với Bắc Kinh hồi giữa tháng 1-2020, trong đó TQ không chịu thực hiện những nhượng bộ quan trọng. Ngoài ra, cần lưu ý rằng đại diện phía TQ đã tham gia ký (và bắt tay với ông Trump) là Phó Thủ tướng TQ Lưu Hạc, chứ không phải người đồng cấp Chủ tịch Tập Cận Bình hay chí ít là Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường.
. Xin cám ơn giáo sư.
Động thái mới nhất của Mỹ ở biển Đông Quân đội Mỹ thông báo hai tàu chiến nước này đang hoạt động ở biển Đông, hãng tin Reuters hôm 21-4 cho hay. Theo đó, người phát ngôn Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ - bà Nicole Schwegman cho biết tàu tấn công đổ bộ USS America và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill đã được điều tới biển Đông. Tàu tấn công đổ bộ USS America của hải quân Mỹ. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ Bà Schwegman tuyên bố: "Thông qua sự hiện diện liên tục của chúng tôi ở biển Đông, chúng tôi đang hành động thúc đẩy tự do hàng hải, hàng không và các nguyên tắc quốc tế làm nền tảng an ninh và thịnh vượng cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (...). Mỹ ủng hộ những nỗ lực của các đồng minh và đối tác của chúng tôi để kiểm soát lợi ích kinh tế của họ". Bà Schwegman không nói rõ vị trí hoạt động của hai tàu chiến Mỹ. Trong khi đó, một số nguồn tin an ninh Mỹ cho Reuters biết các tàu Mỹ sẽ hoạt động gần tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 (TQ) và tàu khoan West Capella của Tập đoàn dầu khí Petronas (Malaysia). Chuẩn đô đốc Fred Kacher, chỉ huy nhóm tàu viễn chinh USS America, nói với Reuters hồi đầu tuần rằng lực lượng của ông đã liên lạc với hải quân TQ ở biển Đông. Ông Kacher cho biết hải quân Mỹ sẽ tiếp tục giữ liên lạc với TQ và đảm bảo việc tương tác giữa hai bên được "an toàn và chuyên nghiệp". |
Nguồn: [Link nguồn]
Trong bối cảnh thế giới đang căng mình chống đại dịch, Trung Quốc liên tục có những hành động đơn phương ngang ngược...