Biển Đông: Lý do ý đồ xấu của Trung Quốc thất bại
Cộng đồng quốc tế liên tục lên án Bắc Kinh khi cố tình leo thang ở biển Đông trong lúc cả thế giới đang bận rộn với việc chống đại dịch COVID-19.
Đầu tháng 4-2020, tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam. Phía Việt Nam lên tiếng phản đối, yêu cầu bồi thường.(Ảnh minh họa tàu cá Việt Nam tại cảng Lý Sơn, Quảng Ngãi). Ảnh: TẤN VIỆT
Hãng tin CNBC (Mỹ) hôm 13-4 (giờ địa phương) có bài báo phản ánh Trung Quốc (TQ) có thể đang lợi dụng đại dịch COVID-19 để tranh thủ tìm kiếm các lợi ích ở khu vực biển Đông, vốn là nơi yêu sách của Bắc Kinh vi phạm luật quốc tế và bị nhiều quốc gia phản đối. Không chỉ báo chí phương Tây lẫn châu Á, không chỉ người dân Việt Nam (VN) mà cả cộng đồng quốc tế, trong đó có các chính trị gia cao cấp phương Tây, đã không ngừng phản đối cách hành xử vô lý và nguy hiểm của TQ thời gian qua.
Trung Quốc vẫn giữ ý đồ xâm chiếm biển
Dịch COVID-19 xuất phát từ TP Vũ Hán cuối năm ngoái, đến nay đã lây nhiễm đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Lẽ ra TQ cần đẩy mạnh việc hợp tác, đưa sáng kiến tập trung nguồn lực thế giới chống đại dịch. Tuy nhiên, thực tế TQ đang tận dụng giai đoạn khó khăn để lấn chiếm biển Đông.
Điều này thể hiện qua việc TQ thông báo đưa vào hoạt động hai trạm nghiên cứu trên đá Subi và đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của VN) vào cuối tháng 3; cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá VN vào đầu tháng 4. Giới quan sát nhận thấy TQ sẽ còn tiếp tục các động thái gây sức ép trong thời gian tới, bất chấp đã vấp phải nhiều phản đối và chỉ trích. Hôm 14-4, truyền thông quốc tế lo ngại TQ sẽ tái diễn việc hoạt động trái phép của nhóm tàu khảo sát Địa chất hải dương 8 ở biển Đông.
Cần biết rằng: TQ không hành động mang tính bột phát. Nói cách khác, kế hoạch xâm chiếm biển Đông đã được vạch ra bài bản, vấn đề còn lại là TQ chọn lựa thời điểm triển khai hành động. Đại dịch là một thời cơ để TQ ra tay. Kelsey Broderick, nhà phân tích TQ tại Eurasia Group, nhận định: “Về cơ bản, TQ không để việc bùng phát đại dịch làm ảnh hưởng đến việc theo đuổi các vấn đề chính sách đối ngoại của họ”. Theo Broderick, không chỉ biển Đông, Bắc Kinh còn gây sức ép lên Đài Loan. “Có thể TQ đang kỳ vọng rằng những hành động ấy sẽ gửi đến các quốc gia biển Đông thông điệp nước này sẽ không chùn bước trong bất kỳ trường hợp nào” - Broderick nói.
Tương tự, Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) nhận xét việc gây hấn của TQ ở biển Đông là “không có gì mới” dù hầu hết mọi người đều nghĩ TQ lợi dụng đại dịch để lấn tới. “Không có gì khác (ở biển Đông) hiện nay và sáu tháng trước. Nước này tăng dần sự hiện diện và tần suất gây rối ở biển Đông. TQ không cho thấy dấu hiệu sẽ ngừng lại việc thiết lập quyền kiểm soát các vùng biển tranh chấp. Sự leo thang ấy (của TQ thực hiện) vốn đã và đang được tiếp diễn” - Gregory Poling, Giám đốc AMTI, nói. Vị chuyên gia này đưa ra ví dụ: Việc triển khai các con tàu của TQ đã diễn ra khá liên tục xung quanh đảo Thị Tứ kể từ tháng 12-2018 cho đến tháng trước.
Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Hermogenes Esperon Jr. cũng cho biết hơn 130 tàu cá TQ đã liên tục xuất hiện tại khu vực này từ đầu năm. “Chúng tôi dự đoán rằng họ (tàu TQ) sẽ tiếp tục hoạt động ở đó” - Esperon nói vào tháng trước, thời điểm dịch COVID-19 đã bùng phát được khoảng ba tháng từ TQ.
Bắc Kinh muốn chuyển lửa ra ngoài
Đại dịch COVID-19 xuất hiện tại TQ và đang khiến nước này gặp nhiều khó khăn. Sau khi tuyên bố khống chế dịch thành công vào tháng 3, TQ tiếp tục đối diện làn sóng thứ hai khi số ca nhiễm tăng dần vào nửa đầu tháng 4. Sau khi mở phong tỏa Vũ Hán, cùng với đó là làn sóng người TQ ở nước ngoài hồi hương, TQ tiếp tục dấy lên lo ngại sẽ tiếp tục bùng phát dịch. Điều đáng lo lắng là: Người đã khỏi bệnh cũng có thể tái nhiễm và 25% người nhiễm bệnh không có biểu hiện về triệu chứng (nhưng vẫn có thể lây bệnh).
Giới quan sát nhận định chính quyền Bắc Kinh đang cố gắng “chuyển lửa ra ngoài” bằng cách gây sóng gió ở biển Đông để khỏa lấp những lo lắng mà người dân TQ đang phải đối mặt vì ảnh hưởng của đại dịch. Gregory Poling, Giám đốc AMTI, nhận định Chủ tịch Tập Cận Bình có thể đang bị ràng buộc trách nhiệm trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng gây ra từ đại dịch. Vậy nên lãnh đạo chính quyền Bắc Kinh giao lại cho các cơ quan chức trách địa phương tiến hành các động thái tạo sức ép nhằm khẳng định chủ quyền trên biển. Sớm hay muộn thì việc TQ tìm cách gây hấn ở biển Đông cũng sẽ diễn ra.
Cùng quan điểm với ông Poling, chuyên gia Broderick cũng nhận định các động thái của TQ tại biển Đông hay Đài Loan đều muốn gửi thông điệp đến người dân nước họ về sự lãnh đạo mạnh mẽ của người cầm quyền.
Collin Koh, chuyên gia từ Chương trình an ninh hàng hải, ĐH Nanyang, Singapore, nhận định có những lời đồn về việc đại dịch có khả năng ảnh hưởng đến năng lực an ninh, quốc phòng của TQ. Điều đó có thể khiến người dân TQ và cộng đồng quốc tế hiểu nhầm rằng đại dịch có thể khiến TQ lơ là với vấn đề lợi ích trên biển. Đó là lý do khiến TQ tiếp tục tiến hành hoạt động gây sức ép ở biển Đông. Koh một lần nữa khẳng định: “Những gì tôi quan sát cho thấy kể từ khi đại dịch xuất hiện cho đến nay không có gì thay đổi (về ý định xâm chiếm biển Đông của TQ)”.
“Trong khi đại dịch đã gây cản trở phần lớn các hoạt động của thế giới thì TQ vẫn duy trì sự gây hấn ở biển Đông. Những hành động này, theo giới phân tích, có thể làm gia tăng sự mất niềm tin giữa Washington và Bắc Kinh” - bài viết trên CNBC bình luận. |
Thế giới mất niềm tin
TQ đang nỗ lực áp dụng “ngoại giao y tế” trong mùa dịch thông qua các chương trình hỗ trợ, viện trợ tài lực, trang thiết bị y tế lẫn các chuyên gia chống dịch cho nhiều nước trên thế giới. Động thái này nhằm thể hiện vai trò, trách nhiệm của TQ như một nước lớn chung tay vào công tác chống dịch của thế giới. Tuy nhiên, các nỗ lực này đang bị chính Bắc Kinh làm đổ vỡ, thậm chí khiến uy tín TQ càng sụt giảm so với trước khi có đại dịch.
Tạm bỏ qua các vấn đề tranh cãi về chất lượng hàng hóa, vật tư y tế có nguồn gốc TQ, hiện các hành động của TQ ở biển Đông đang khiến thế giới mất niềm tin. Một số nước Đông Nam Á, thậm chí châu Âu và Mỹ đang nhận sự giúp đỡ của TQ để chống dịch. Tuy nhiên, tất cả quốc gia, đặc biệt các nước liên đới đến biển Đông, đều ý thức rõ rằng Bắc Kinh muốn sử dụng “ngoại giao khẩu trang”, tương tự “ngoại giao nhân dân tệ” để gián tiếp gây ảnh hưởng trên biển. Đây là lý do căn bản khiến ý đồ TQ ở biển Đông sẽ thất bại.
Mỹ đã có phản ứng, bao gồm kế hoạch thực hiện các cuộc tập trận mang tính giám sát khu vực, bao gồm biển Đông lẫn biển Hoa Đông. Mỹ không ngừng chỉ trích TQ sau vụ đâm tàu cá VN. Phía Mỹ yêu cầu TQ tập trung vào việc tham gia chống dịch toàn cầu, chấm dứt việc lợi dụng sự mất tập trung hoặc khó khăn của các nước trong giai đoạn này để tiến hành yêu sách phi pháp.
Philippines cũng lên tiếng ủng hộ VN khi tàu cá bị tàu TQ đâm chìm, đồng thời phản đối TQ về việc dùng bạo lực bắt nạt các nước ở biển Đông, dù chính quyền Tổng thống Duterte được đánh giá là mềm mỏng với Bắc Kinh. Chuyên gia Gregory Poling cho rằng Manila nên kêu gọi sự tham gia của cộng đồng quốc tế nhằm tạo ra các áp lực chính trị và kinh tế, buộc chính quyền Bắc Kinh phải thay đổi cách ứng xử.
GS. Carlyle A. Thayer, Học viện Quốc phòng Australia đã có những bình luận về âm mưu đằng sau những động thái mới của Trung...
Nguồn: [Link nguồn]