Biển Đông: 4 lý do Mỹ gửi công hàm chống yêu sách Trung Quốc
Đây là lần đầu tiên Washington gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc phản đối những yêu sách sai trái của Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông.
Tàu USS Theodore Roosevelt. Ảnh: US Navy
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 2-6 (giờ Mỹ) viết trên trang Twitter cá nhân rằng: “Hôm nay, Mỹ lên tiếng phản đối các yêu sách hàng hải bất hợp pháp của Trung Quốc (TQ) ở Biển Đông tại Liên Hợp Quốc (LHQ). Chúng tôi xem những yêu sách (của chính quyền Bắc Kinh - PV) là vi phạm pháp luật và nguy hiểm. Các nước thành viên phải đoàn kết để cùng nhau duy trì luật pháp quốc tế và tự do hàng hải”.
Ông Pompeo nhắc tới công hàm của phía Mỹ do Đại sứ Mỹ tại LHQ Kelly Craft đệ trình lên Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres. Thông qua công hàm nói trên, Washington bày tỏ sự phản đối yêu sách của TQ được đề cập trong công hàm số CML/14/2019 mà Bắc Kinh đệ trình lên LHQ ngày 12-12-2019 để phản đối các quan điểm mà phía Malaysia đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) vào cùng ngày.
Nhận định về động thái của Mỹ, PGS-TS Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, nhận định có bốn nguyên nhân thúc đẩy Mỹ tiến hành động thái “trước nay chưa từng có”.
Bốn lý do Mỹ đệ trình công hàm
. Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về động cơ của Mỹ liên quan đến việc Mỹ gửi công hàm lên LHQ phản đối yêu sách của TQ ở Biển Đông?
+ PGS-TS Vũ Thanh Ca: Mặc dù chưa phê duyệt Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) nhưng Mỹ là một trong những nước tôn trọng và luôn khuyến cáo các nước tuân thủ luật pháp quốc tế trên biển, đặc biệt là UNCLOS. Là một cường quốc biển hùng mạnh nhất thế giới cả về kinh tế và quân sự, đảm bảo việc tuân thủ luật pháp quốc tế trên biển là quyền lợi quốc gia của Mỹ.
Với tầm quan trọng của Biển Đông trong hàng hải quốc tế, đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, hòa bình và ổn định trên Biển Đông là yếu tố then chốt để giúp nền kinh tế của Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong khu vực phát triển bền vững. Do vậy, Mỹ đã nhiều lần lên án những hành động của TQ vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là những hành động bóp méo luật pháp quốc tế, xâm phạm vùng biển, bắt nạt, cưỡng ép Việt Nam và các nước xung quanh Biển Đông.
Tuy nhiên, thông thường Mỹ chỉ ra các tuyên bố đơn phương phản đối TQ. Lần này, Mỹ đã gửi công hàm lên tổng thư ký LHQ để chính thức bác bỏ yêu sách Biển Đông dựa trên “tứ sa” của TQ. Có thể thấy có bốn lý do chính cho điều này.
Thứ nhất là trong thời gian vừa qua TQ đã leo thang, không ngừng xâm phạm vào vùng biển và gia tăng các hành động bắt nạt, cưỡng ép các nước xung quanh Biển Đông. Thứ hai là có nguy cơ TQ sẽ dùng các yêu sách biển sai trái của họ để tuyên bố về vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông.
Thứ ba là Mỹ muốn nhân cơ hội này củng cố lòng tin với các đồng minh của Mỹ ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Thứ tư là quan hệ với Mỹ và TQ đã xấu đi tới mức Mỹ có thể có những phản ứng mạnh về mặt ngoại giao mà không sợ những thiệt hại do TQ gây ra.
Mỹ một mặt gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông, mặt khác cũng gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc (ảnh nhỏ) để phản đối yêu sách của Trung Quốc. Ảnh: GETTY
Ý nghĩa của công hàm Mỹ
. Việc phản đối chính thức này có ý nghĩa như thế nào đối với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do của Mỹ tại khu vực nói chung và chống lại sự bành trướng của TQ tại Biển Đông nói riêng?
+ Biển Đông và biển Hoa Đông là hai phần quan trọng nhất để thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Mỹ. Phản đối chính thức của Mỹ là một động thái rất quan trọng để tạo dựng, củng cố lòng tin, sự đoàn kết, cùng hành động giữa Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ cũng như các nước có quyền lợi trong việc ngăn chặn sự bành trướng, quân sự hóa Biển Đông trái luật pháp của TQ.
Động thái này của Mỹ cũng làm phơi bày hơn nữa với thế giới về tính phi chính nghĩa, trái luật pháp quốc tế của các hành động bành trướng, quân sự hóa Biển Đông trái luật pháp của TQ trên Biển Đông và do vậy góp phần làm thất bại những âm mưu của TQ.
. Mỹ không phải thành viên UNCLOS, vậy việc Mỹ đệ trình công hàm phản đối TQ vi phạm UNCLOS có thực sự mang lại những giá trị như ông đã nêu?
+ Cần chú ý rằng những quy định trong UNCLOS về cơ bản là dựa trên luật tập quán quốc tế, tức là những tuyên bố đơn phương, thỏa thuận song phương, đa phương về quy chế pháp lý trên biển và các quy định luật pháp về hoạt động trên biển của các quốc gia. Mặc dù Mỹ không là thành viên của UNCLOS nhưng Mỹ vẫn được hưởng những quyền lợi pháp lý của UNCLOS theo luật tập quán quốc tế.
Chính vì vậy, việc Mỹ không phải là thành viên của UNCLOS dù có ảnh hưởng tới việc Mỹ đệ trình công hàm phản đối TQ vi phạm UNCLOS nhưng những ảnh hưởng đó không đáng kể. Điều đó không làm mất ý nghĩa về việc Mỹ có quyền bày tỏ quan điểm, lập trường và đệ trình lên LHQ như họ đã làm.
Trong công hàm đệ trình lên LHQ, Washington nhận định công hàm CML/14/2019 của phía TQ đã đòi hỏi những yêu sách chủ quyền không thể chấp nhận, vi phạm luật pháp quốc tế mà cụ thể là UNCLOS. Song song đó, Mỹ cũng coi yêu sách của phía TQ là có ý đồ can thiệp bất hợp pháp vào quyền và tự do hàng hải của Mỹ cũng như các quốc gia khác. Vì lẽ đó, Mỹ phải nhắc lại lập trường chính thức nhằm phản đối các yêu sách mang tính áp đặt phi pháp mà TQ đang muốn thực thi. |
Ảnh hưởng như thế nào đến Biển Đông?
. Việc gửi công hàm phản đối chắc chắn không đủ ghè chân TQ. Mỹ nên triển khai thêm những hoạt động gì để TQ phải lo sợ mà giảm leo thang?
+ Mỹ cần tăng cường sự hiện diện quân sự; thực hiện tốt hơn các chuyến tuần tra tự do hàng hải (FONPs); tăng cường sự hỗ trợ về mặt hải quân và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển cho các nước ASEAN, đặc biệt là các nước xung quanh Biển Đông có quyền lợi bị TQ xâm phạm. Bên cạnh đó, tôi nghĩ Mỹ cần kết nối tốt hơn về mặt kinh tế với các nước ASEAN, các đồng minh Đông Á và các đồng minh khác thuộc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chỉ bằng cách tạo dựng lòng tin, tăng cường sự đoàn kết, hỗ trợ các nước trong khu vực, Mỹ mới có thể cùng các nước trong khu vực ngăn chặn sự bành trướng trái pháp luật của TQ.
. Việc Mỹ gửi công hàm, theo ông, có khả năng tạo ra hiệu ứng với các đối tác, đồng minh Mỹ tại khu vực hay không?
+ Thật ra thì các đồng minh của Mỹ như EU, Anh, Úc, Nhật Bản có quan điểm, lập trường hoàn toàn tương đồng với Mỹ về các yêu sách trái luật pháp quốc tế của TQ trên Biển Đông. Họ cũng có quyền lợi song trùng với Mỹ trong việc duy trì luật pháp quốc tế, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Chính vì vậy, tôi tin rằng việc Mỹ gửi công hàm bày tỏ lập trường của Mỹ lên LHQ sẽ giúp các đồng minh này có cơ hội tốt hơn trong việc bày tỏ quan điểm, lập trường của chính mình.
. Xin cám ơn ông.
Mỹ càng căng, TQ có dám tăng ức hiếp láng giềng? . Có ý kiến cho rằng Mỹ càng tấn công vào yêu sách của TQ thì Bắc Kinh càng hung hăng, bắt nạt và đẩy các nước láng giềng vào thế khó. Ông nghĩ sao? + Tôi không nghĩ rằng Mỹ càng căng với TQ tại Biển Đông thì các nước tại khu vực càng gặp khó khăn vì TQ gia tăng ức hiếp láng giềng. Thực tế là TQ đang thực thi âm mưu từng bước độc chiếm Biển Đông và một trong những cách thực hiện âm mưu này là nỗ lực loại trừ sự can dự của các cường quốc ngoài khu vực như Mỹ. Hiện TQ coi Biển Đông là việc “nội bộ” của các nước trong khu vực với TQ. Như vậy, rõ ràng TQ rất sợ sự hiện diện của Mỹ và các cường quốc ngoài khu vực tại Biển Đông. Việc TQ tuyên bố rằng họ quân sự hóa Biển Đông là do Mỹ và các nước ngoài khu vực là hoàn toàn sai sự thật và trái với luật pháp quốc tế. Cần chú ý rằng luật pháp quốc tế quy định rằng tất cả các nước, kể cả các nước không có biển, cũng có những quyền lợi theo luật định ở tất cả vùng biển trên thế giới và không một quốc gia nào có thẩm quyền tước đoạt các quyền đó của các quốc gia khác. |
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 2-6 thông báo trên mạng Twitter rằng Mỹ đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc (LHQ) phản đối...
Nguồn: [Link nguồn]