Biển Đông: 2 nước Đông Nam Á bị tàu Trung Quốc đến “sát cửa nhà” quấy nhiễu
Trung Quốc đang ngày càng lấn tới và 2 quốc gia Đông Nam Á này không thể ngồi yên, theo chuyên gia.
Tàu chiến lớp Kedah của Malaysia (ảnh: CNN)
Tháng 4 năm nay, tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc đã bám theo tàu thăm dò dầu khí West Capella của Malaysia đang hoạt động ở Biển Đông. Tàu Hải Dương 8 Trung Quốc thậm chí chỉ hoạt động cách bờ biển Malaysia khoảng hơn 300 km.
Bắc Kinh tuyên bố, họ chỉ đang “tiến hàng các hoạt động bình thường trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc”. Tuy nhiên, vài năm gần đây, Trung Quốc liên tục bị các nước cùng khu vực cáo buộc có nhiều hành vi phi pháp nhằm củng cố yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc đang ngày càng có nhiều hành động trái pháp luật quốc tế ở Biển Đông, đặc biệt là tiềm ẩn nhiều nguy cơ đụng độ với Malaysia và Indonesia.
Greg Poling - Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, Mỹ - cho rằng, Trung Quốc sẽ không dừng lại và tiếp tục việc xây dựng các đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông.
“Các đảo nhân tạo sẽ được dùng như căn cứ giúp Trung Quốc mở rộng những yêu sách (phi lý) về chủ quyền ở Biển Đông. Điều này nhiều khả năng biến Malaysia và Indonesia trở thành tiền tuyến, giáp mặt trực tiếp với lực lượng Trung Quốc. Mỗi ngày, Malaysia và Indonesia có thể chứng kiến khoảng 100 tàu cá Trung Quốc hoạt động cùng tàu hải cảnh”, ông Greg Poling nhận định.
Hải quân Indonesia chuẩn bị làm nhiệm vụ (ảnh: SCMP)
Yêu sách “đường lưỡi bò” do Trung Quốc tự vẽ tuyên bố chủ quyền tới 80% diện tích Biển Đông – vùng biển giàu tài nguyên và là tuyến đường hàng hải quan trọng đối với thế giới. Các nước trong khu vực và quốc tế liên tục phản đối hành động đơn phương, dùng sức mạnh quân sự để “bắt nạt” láng giềng ở Biển Đông của Trung Quốc.
Năm 2016, yêu sách của Trung Quốc bị bác bỏ bởi phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế.
Từ năm 2015, Trung Quốc đã đẩy mạnh việc xây dựng các đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông và quân sự hóa chúng.
“Những đảo nhân tạo được Trung Quốc trang bị hệ thống radar giám sát. Họ nhìn thấy mọi thứ đang diễn ra ở Biển Đông. Trước đây, Trung Quốc không biết bạn đang khai thác dầu mỏ ở đâu nhưng bây giờ họ chắc chắn làm được”, ông Polling nhận xét.
Bắc Kinh thậm chí còn thành lập một đội tàu hải cảnh để bảo vệ những tàu cá ở Biển Đông. Tuy nhiên, những tàu cá của Trung Quốc không chỉ đánh cá, chúng còn quấy rối ngư dân của các nước cùng khu vực.
Đầu năm nay, sau những vụ gây rối của tàu cá Trung Quốc gần quần đảo Natuna, quân đội Indonesia đã điều máy bay chiến đấu và tàu chiến tới tuần tra. Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng bay tới khu vực này, tuyên bố “không thương lượng chủ quyền” với Trung Quốc.
Trung Quốc sẽ gia tăng các hành động phi pháp tại Biển Đông trong thời gian tới, theo chuyên gia. Ảnh trên chụp tại Đá Chữ Thập của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm giữ và cải tạo trái phép thành đảo nhân tạo (ảnh: RFI)
Các chuyên gia cho rằng, sau dịch Covid-19, chính sách ngoại giao “chiến binh sói” của Trung Quốc đang lên ngôi. Vì vậy, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh nhiều hơn nữa các hành động phi pháp ở Biển Đông.
“Những tuyên bố và hành động của các nhà ngoại giao Trung Quốc thời gian gần đây rất thô lỗ và không giúp ích gì cho việc giải quyết căng thẳng”, ông Polling nói.
Theo các chuyên gia, lo ngại việc có thể bị các nước cùng khu vực đánh giá là đã suy yếu sau đại dịch, Trung Quốc sẽ gia tăng những hành động củng cố yêu sách lãnh thổ, đặc biệt là ở biên giới với Ấn Độ và Biển Đông.
Ian Storey – chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á – cho rằng, Trung Quốc muốn các nước xung quanh nghĩ Mỹ thoái lui khỏi vị thế số 1 thế giới và giờ họ mới là quốc gia nắm giữ vị trí đó.
“Bằng cách gia tăng những hành động củng cố yêu sách chủ quyền, Trung Quốc đang tuyên bố với Đông Nam Á rằng, sức mạnh của Mỹ đã suy giảm, cam kết an ninh của Mỹ với một số nước đã suy yếu và tác động của dịch Covid-19 là không hề hấn gì với Bắc Kinh”, chuyên gia Storey nhận xét.
Malaysia, Indonesia đã nhiều lần tránh “va chạm” với Trung Quốc ở Biển Đông và muốn giải quyết những tranh chấp bằng ngoại giao, pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cả Malaysia và Indonesia đều không thể giữ im lặng mãi trước sự bành trướng của Trung Quốc.
Trung Quốc đang ngày càng tiến sát đến “cửa nhà”, Malaysia, Indonesia phải hợp tác để đối mặt với những những yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh, theo ông Storey.
“Tôi nghĩ trong thời gian 6 tháng cuối năm nay, chúng ta sẽ chứng kiến ngày càng nhiều hơn nữa những hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông”, ông Ian Storey nói.
Lực lượng Indonesia từng có lần nổ súng để xua đuổi những tàu cá Trung Quốc xâm phạm và hành động cứng rắn của Tổng thống Widodo hồi tháng 1 cho thấy, Jakarta sẽ không ngồi yên nếu Bắc Kinh ngày càng lấn tới. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, không dễ để răn đe Trung Quốc.
James Holmes, giáo sư tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, cho rằng, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng “quá quắt” ở Biển Đông, Malaysia và Indonesia có thể nhờ tới sự can thiệp của Mỹ.
“Tôi cho rằng Trung Quốc đang ngày càng thô bạo với những hành động hung hăng của họ ở Biển Đông. Trung Quốc đang là chất xúc tác giúp một số nước trong khu vực có mối quan hệ truyền thống với Mỹ xích lại gần nhau”, ông James Holmes nhận xét.
Mỹ ủng hộ một số nước Đông Nam Á, phản đối yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông (ảnh: SCMP)
Mới đây, Philippines đã đảo ngược quyết định chấm dứt Hiệp ước các lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ.
Hải quân Mỹ đang tăng cường những hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, thách thức các yêu sách phi pháp của Trung Quốc.
Trong tháng 5, Mỹ đã gửi cho hải quân Malaysia lô máy bay tuần tra không người lái đầu tiên. Mỹ cũng điều tàu chiến hỗ trợ tàu thăm dò của Malaysia khi bị nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc quấy rối.
“Mỹ luôn ủng hộ những nỗ lực của các đồng minh, đối tác trong việc theo đuổi lợi ích hợp pháp của của họ ở Biển Đông”, Bill Merz – chỉ huy Hạm đội 7 của Mỹ - tuyên bố.
Hôm 2.6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ đã gửi công hàm phản đối những yêu sách chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc lên Liên Hợp Quốc.
Việc Philippines bất ngờ đảo ngược quyết định hủy bỏ Hiệp ước các lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ cho thấy những...
Nguồn: [Link nguồn]