Biến chủng Delta sắp 'nuốt' cả thế giới

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Biến chủng Delta của virus corona sẽ trở thành biến chủng thống trị trên toàn cầu sau vài tháng nữa, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo ngày 21/7.

Theo WHO, thế giới cần 11 tỷ liều vắc-xin để ngăn chặn COVID-19. Ảnh: News

Theo WHO, thế giới cần 11 tỷ liều vắc-xin để ngăn chặn COVID-19. Ảnh: News

Chỉ sau 1 tuần, biến chủng Delta giờ đã lan ra thêm 13 quốc gia, nâng tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng lên 124, WHO cho biết. “Dự kiến nó sẽ nhanh chóng lấn át các biến chủng khác và trở nên thống trị sau vài tháng nữa”, WHO thông báo trong cuộc họp báo thường kỳ.

Một trong 3 biến chủng gây quan ngại (VOC), gồm Alpha (phát hiện lần đầu ở Anh) đã lan ra 180 quốc gia và vùng lãnh thổ; Beta (phát hiện lần đầu ở Nam Phi) có mặt ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ; và Gamma (phát hiện lần đầu ở Brazil) lan ra 78 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo trình tự gen được gửi đến sáng kiến khoa học toàn cầu GISAID trong 4 tuần tính đến ngày 20/7, sự phổ biến của biến chủng Delta đã vượt 75% ở nhiều quốc gia. “Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh hơn so với những biến chủng ngoài nhóm VOC. Tuy nhiên, cơ chế chính xác tạo ra khả năng lây lan cao hơn vẫn chưa được làm sáng tỏ”, WHO cho biết.

Tại Anh, nơi biến chủng Delta đang thống trị, khiến cả số ca mắc và tử vong gia tăng, Thủ tướng Anh Boris Johnson đang chơi ván cược lớn khi dỡ các biện pháp phong tỏa cuối cùng từ đầu tuần này, dù thừa nhận rằng điều đó có thể khiến thêm nhiều người thiệt mạng.

Tổ chức có trụ sở tại Geneva này cho biết, có khoảng 3,4 triệu ca mắc mới được phát hiện trong 1 tuần tính đến ngày 18/7, tăng 12% so với tuần trước đó. “Với tốc độ này, có thể số ca tích luỹ toàn cầu có thể vượt 200 triệu trong 3 tuần tới”, WHO dự đoán. Tổ chức này nói rằng đại dịch lây lan nhanh toàn cầu có thể do 4 nguyên nhân: biến chủng có khả năng lây nhiễm cao hơn; việc nới lỏng các biện pháp y tế cộng đồng; gia tăng hoạt động xã hội; nhiều người chưa được tiêm vắc-xin. Số ca mắc tăng 30% ở khu vực tây Thái Bình Dương và tăng 21% ở châu Âu. Số ca mắc cao nhất được ghi nhận ở Indonesia (350.273, tăng 44%), Anh (296.447, tăng 41%), và Brazil (287.610, giảm 14%).

Sau 1 năm trì hoãn vì đại dịch, Olympic Tokyo 2020 đã khai mạc hôm qua. Đại hội thể thao này có thể đánh dấu việc khôi phục cuộc sống bình thường ở mức độ nào đó. Tuy nhiên, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus vừa thúc giục mọi người chớ lãng quên thực tế. “Khi ngọn đuốc Olympic được cháy hết vào ngày 8/8, hơn 100.000 người sẽ thiệt mạng. Đại dịch là một phép thử, và thế giới đang thất bại” ông Tedros nói hôm 21/7 và cảnh báo “những ai nghĩ đại dịch đã qua đúng là đang sống trên thiên đường của kẻ ngốc”, theo Reuters.

Số ca mắc COVID-19 tăng khắp thế giới

Phát biểu được đưa ra khi số ca mắc tiếp tục tăng khắp thế giới, bao gồm Nhật Bản. Tokyo ghi nhận số ca mắc trong ngày cao nhất kể từ giữa tháng 2. Khi chỉ còn một ngày nữa là đến lễ khai mạc chính thức, vẫn chưa rõ liệu các biện pháp y tế đang được áp dụng có đủ để ngăn Thế vận hội lần này trở thành sự kiện siêu lây nhiễm toàn cầu hay không. Các cuộc thăm dò dư luận ở Nhật Bản cho thấy hầu hết người dân phản đối tổ chức sự kiện thể thao lớn trong khi vẫn đang trong khủng hoảng y tế cộng đồng. Tokyo kéo dài tình trạng khẩn cấp đến ngày 22/8, và Ủy ban Olympic quốc tế cấm người hâm mộ tham gia các sự kiện.

Mỹ cũng trở lại với tình trạng khẩn cấp y tế từ ngày 20/7, sau khi số ca mắc COVID-19 tăng gần gấp 3 lần trong 3 tuần qua, với ít nhất 44 bang ghi nhận số bệnh nhân gia tăng. Biến chủng Delta gây ra đến 83% số người mắc mới, theo số liệu của Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC).

“Đây đang là đại dịch của những người chưa tiêm vắc-xin”, TS Rochelle Walensky, Giám đốc CDC đánh giá. Bà cho biết hơn 97% người phải nhập viện hiện nay đều chưa tiêm phòng, và 99% người chết vì COVID-19 chưa tiêm. Trong khi đó, tốc độ tiêm chủng ở Mỹ đang chững lại, sau khi đạt gần 60%. TS Anthony Fauci, cố vấn y tế trưởng của Tổng thống Joe Biden, tuần này cảnh báo nếu những người chưa tiêm vắc-xin không thay đổi suy nghĩ, Mỹ sẽ phải hứng nhiều đợt bùng phát nữa trong khoảng thời gian đáng kể. Chỉ số Dow Jones đầu tuần này tụt giảm mức lớn nhất trong năm nay, mất hơn 700 điểm vì giới đầu tư lo ngại biến chủng Delta tấn công cả Phố Wall, theo AP.

Ấn Độ hôm qua báo cáo số ca tử vong cao nhất trong 1 tháng, với gần 4.000, sau khi bang giàu nhất của nước này tính lại để bổ sung những trường hợp chưa được thống kê trước đó. Cùng ngày, nước này có thêm 42.015 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc và tử vong vì COVID-19 ở Ấn Độ lên tương ứng là 31,22 triệu và 418.480. Tuy nhiên, Trung tâm phát triển toàn cầu tại Washington ước tính trong báo cáo đưa ra ngày 19/7 rằng số người tử vong vì COVID-19 thực tế ở Ấn Độ có thể lên đến 4,9 triệu người.

Hàn Quốc hôm qua cũng ghi nhận số ca mắc cao kỷ lục, với 1.784 trường hợp, phá kỷ lục của tuần trước. Giới chức nước này đang chật vật khống chế làn sóng lây lan do biến chủng Delta. Dù không phong tỏa, Hàn Quốc giữ được tốc độ lây lan ở mức tương đối thấp trên cả nước nhờ công tác xét nghiệm và truy vết. Tuy nhiên, làn sóng lần thứ tư đặc biệt khó khống chế khi những người chưa tiêm phòng nhiễm biến chủng Delta, Reuters đưa tin.

Biến thể Delta gây ra các triệu chứng khác so với chủng gốc, ”đánh lừa” người nhiễm COVID-19

Cùng với mối nguy về tốc độ lây, biến thể Delta cũng có những biểu hiện bệnh khác biệt. Đó là đau đầu, đau họng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THU LOAN ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN