Bước vào tòa nhà chính phủ, vị Thủ tướng quốc gia châu Âu bị đạn bắn xuyên tim
Vụ ám sát Thủ tướng Serbia Zoran Djindjic từng khiến người dân Serbia cũng như toàn thế giới bị sốc. Ông Djindjic bị một xạ thủ bắn chết khi đang bước vào tòa nhà chính phủ ở Belgrade vào 12 giờ 23 phút ngày 12.3.2003.
Zoran Djindjic vẫy chào những người ủng hộ năm 1997.
Sau cái chết của ông Djindjic, Serbia đối diện với một tương lai u ám với nhiều bất ổn. Djindjic được đánh giá là một nhà lãnh đạo năng động, tràn đầy năng lượng và thể hiện sự quyết tâm. Cái chết của ông để lại khoảng trống quyền lực lớn ở quốc gia Đông Nam Âu.
Theo tác giả Dejan Djokic, đa số người Serbia, biết điều đó dù là người không thích hay chưa từng bầu cho ông Djindjic.
Thủ tướng Serbia Djindjic là người đề ra kế hoạch táo bạo như cải cách kinh tế và chính trị, đưa cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic ra tòa án quốc tế xét xử vì tội ác chiến tranh.
Vị trí sát thủ mai phục sẵn (tòa nhà màu nâu) ngắm bắn Thủ tướng Serbia đang bước vào tòa nhà chính phủ (màu tím).
Ai đứng sau vụ ám sát Thủ tướng Serbia? Gần như ngay sau khi sự kiện chấn động xảy ra, tất cả các nhà phân tích đều cho rằng băng đảng mafia quyền lực trong thế giới ngầm Serbia phải chịu trách nhiệm.
Tháng 12.2002, chính phủ của ông Djindjic ban hành quy định bảo vệ chặt chẽ hơn các nhân chứng và những người cung cấp tin, trong một nỗ lực để thực hiện cuộc đấu tranh chống tội phạm có tổ chức một cách hiệu quả hơn.
Vài tuần trước khi ông Djindjic bị ám sát, cảnh sát Serbia đóng cửa hai nhà máy gần Belgrade vì bí mật sản xuất ma túy. Các biện pháp cứng rắn cũng nhằm vào mạng lưới buôn lậu thuốc lá và buôn người.
Nói cách khác, ông Djindjic đã công khai tuyên chiến chống lại những hoạt động thu lời kếch xù của các băng đảng mafia.
Ngày 21.2.2003, Thủ tướng Djindjic từng bị Dejan Milenkovic, thành viên băng đảng Zemund ám sát hụt. Milenkovic lái xe tải với mục đích đâm vào xe Thủ tướng Serbia để gây thương vong. May mắn là ông Djindjic không bị thương do lực lượng an ninh phản ứng kịp thời.
Kể từ sau vụ ám sát hụt này, những tin đồn ở Belgrade về việc các băng đảng mafia tập hợp để trừ khử ông Djindjic ngày càng lan rộng.
Sau thời cựu Tổng thống Milosevic, các băng đảng mafia Serbia ngày càng trỗi dậy, nổi bật trong số này là băng đảng Zemund.
Thủ tướng Serbia Zoran Djindjic bị ám sát gây ra cú sốc lớn.
Băng đảng có địa bàn hoạt động ở thành phố Belgrade, đạt đến đỉnh cao quyền lực và tầm ảnh hưởng trong giai đoạn năm 1999 – 2003.
Thủ lĩnh băng đảng khi đó là Milorad Lukovic (hay còn được gọi là Legija), là một cựu tư lệnh lực lượng đặc nhiệm dưới thời ông Milosevic.
Băng đảng Zemund tham gia vào các hoạt đông buôn lậu vũ khí, hối lộ, trộm cắp, buôn bán ma túy, tống tiền, bắt cóc, rửa tiền ở Serbia.
Năm 2001, băng đảng bắt cóc nhiều doanh nhân có ảnh hưởng nhất ở Serbia, đòi hàng triệu USD tiền chuộc. Đến cuối cùng, các con tin được trả tự do sau khi băng đảng đã nhận được đầy đủ tiền mặt, còn cảnh sát bất lực vì không thể can thiệp.
Lukovic là người quay sang hậu thuẫn để Thủ tướng Djindjic lên nắm quyền ở Serbia. Ông Djindjic từng có quãng thời gian làm thị trưởng Belgrade trong những năm 1990 và là lãnh đạo phe đối lập chống lại cựu Tổng thống Milosevic.
Vài tháng trước khi bị ám sát, ông Djindjic được cho là đã quay lưng với các đồng minh, bao gồm cả trùm băng đảng Zemund, Lukovic.
Milorad Lukovic, thủ lĩnh băng đảng Zemund, kẻ chủ mưu sát hại Thủ tướng Serbia, bị kết án tổng cộng 137 năm tù giam.
Kết quả điều tra của cảnh sát Serbia cho biết, Lukovic là người đã chỉ đạo đàn em là Zvezdan Jovanovic, cựu thành viên lực lượng đặc nhiệm, ám sát Thủ tướng Djindjic.
Jovanovic là một tay thiện xạ, quyết định sử dụng súng trường hạng nặng Heckler & Koch G3, tầm bắn tối đa 3.700 mét, làm phương tiện gây án.
Nắm được hành tung của ông Djindjic, Jovanovic chờ sẵn tại một tòa nhà cao tầng đối diện với tòa nhà chính phủ Serbia.
12 giờ 23 phút ngày ngày 12.3.2003, Jovanovic bắn phát đạn duy nhất trúng ngực ông Djindjic ở khoảng cách 180 mét.
Phát đạn chí mạng xuyên qua tim, khiến Thủ tướng Serbia gần như tử vong ngay lập tức. Ông Djindjic được đưa đến bệnh viện nhưng qua đời sau đó một giờ.
Ngay sau đó, quyền Tổng thống Serbia Natasa Micic ban hành tình trạng khẩn cấp. Lực lượng an ninh Serbia mở chiến dịch Sabre, nhằm truy quét thành viên băng đảng Zemund, dẫn tới việc bắt giữ hơn 10.000 người.
Doanh thu của các trung tâm thương mại và các địa điểm ăn chơi ở Belgrade, những nơi thường xuyên được các băng đảng xã hội đen lui tới, đã giảm mạnh hơn 20% sau chiến dịch.
Zvezdan Jovanovic là kẻ trực tiếp ra tay sát hại Thủ tướng Serbia.
Nhiều quan chức chính quyền bị bắt vì là thành viên băng đảng Zemund, trong đó có Milan Sarajlic, một phó công tố viên Serbia.
Hai thành viên sáng lập băng đảng Zemund gồm Dusan Spasojevic và Mile Lukovic bị cảnh sát Serbia tiêu diệt tại nơi ẩn náu thuộc ngôi làng Meljak, gần Belgrade vào ngày 27.3.2003.
Riêng kẻ chủ mưu Milorad Lukovic ra đầu thú cảnh sát Serbia vào tháng 5.2004, sau 14 tháng lẩn trốn.
Ngày 23.5.2007, 12 người bị đem ra xét xử trong vụ ám sát Thủ tướng Djindjic. Milorad Lukovic bị kết án 40 năm tù vì là kẻ chủ mưu lên kế hoạch ám sát và 97 năm tù cho các tội danh khác, tổng cộng hình phạt là 137 năm tù.
Kẻ trực tiêp bắn hạ ông Djindjic, Zvezdan Jovanovic bị kết án 40 năm tù giam vì tội giết người. Jovanovic nói hắn không hối hận khi ra tay sát hại Thủ tướng, nhưng sau đó lại cho rằng mình nhận tội vì bị ép cung.
Nguồn: [Link nguồn]
Tổng thống CH Dân chủ Congo Laurent Kabila mất mạng ngay tại phủ tổng thống vào đầu năm 2001, khi bị một trong những người...