Bị Triều Tiên 'vỗ mặt', Mỹ - Trung có thể bắt tay nhau

Một nhà nghiên cứu Trung Quốc vừa viết rằng vụ thử hạt nhân mới đây của Triều Tiên không khác gì cái tát vào mặt cả Trung Quốc và Mỹ, nhưng cũng có thể đưa hai cường quốc lại gần nhau để tìm ra giải pháp, kể cả quân sự nếu cần.

Bị Triều Tiên 'vỗ mặt', Mỹ - Trung có thể bắt tay nhau - 1

Triều Tiên có thể khiến Mỹ và Trung Quốc bắt tay nhau. Ảnh: SCMP

Triều Tiên vừa thực hiện một vụ thử hạt nhân nữa, gần một năm sau vụ thử gần đây nhất. Vụ thử lần thứ sáu mạnh hơn nhiều so với các vụ thử trước đây, cho thấy Bình Nhưỡng quyết tâm trở thành một cường quốc hạt nhân.

Vụ thử lần này vừa bất ngờ vừa không bất ngờ. Không bất ngờ là vì chúng ta biết Bình Nhưỡng cần tiến hành thêm nhiều vụ thử nữa để hoàn thiện năng lực hạt nhân, vì thế vụ thử lần thứ sáu sớm muộn cũng diễn ra. Nhưng thời gian vụ thử lại là điều gây ngạc nhiên. Những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt của Liên Hợp quốc khiến cộng đồng quốc tế cho rằng Triều Tiên sẽ phải chậm lại. Ngay cả Mỹ cũng nghĩ Bình Nhưỡng đang thể hiện sự kiềm chế.

Nhưng hóa ra cả thế giới đã sai. Hơn nữa, Triều Tiên thử hạt nhân vào ngày 3/9, đúng lúc Trung Quốc tổ chức hội nghị thượng đỉnh BRICS tại thành phố Hạ Môn. Rõ ràng hành động này của Triều Tiên là nhằm thể hiện sự thách thức đối với cả Trung Quốc và Mỹ.

Nhưng trò chơi của Bình Nhưỡng có thể phản tác dụng. Trong năm qua, kể từ vụ thử hạt nhân lần thứ năm của Triều Tiên, mỗi vụ phóng tên lửa đều dẫn đến một cuộc tranh luận rằng phải làm cách nào để gò cương chính quyền Triều Tiên. Cuộc tranh luận này khiến Mỹ - Trung chia rẽ. Nhưng sau vụ thử lần thứ sáu này của Triều Tiên, khoảng cách giữa hai cường quốc sẽ hẹp lại.

Trong bài viết vừa đăng trên báo Hong Kong South China Morning Post, nhà nghiên cứu Deng Yuwen, công tác tại Viện nghiên cứu Charhar, một cơ quan tư vấn chính sách của chính phủ Trung Quốc, cho rằng vụ thử lần này của Triều Tiên đã trực tiếp thách thức giới hạn của Trung Quốc. Vạch đỏ đã được kẻ ra: Trung Quốc sẽ không tha thứ cho vụ thử lần thứ sáu. Đó có lẽ là lý do tại sao, dù tình báo Trung Quốc nhiều lần cảnh báo về khả năng Triều Tiên thử hạt nhân trước đây, nhưng không cảnh báo nào biến thành hành động cụ thể, cho đến bây giờ.

Theo ông Deng, vụ thử lần này khiến Trung Quốc không còn lý do hợp lý nào để phản đối Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc. Bắc Kinh có thể một ngày nào đó phải đứng nhìn Hàn Quốc trở thành quốc gia hạt nhân. Đây là hậu quả của chính sách thỏa hiệp từ lâu của Trung Quốc với Triều Tiên.

Tuy nhiên, ông Deng cho rằng vụ thử hạt nhân lần này không hoàn toàn là điều tồi tệ với Trung Quốc. Nó sẽ buộc Trung Quốc phải lựa chọn quan điểm, hoặc phải siết chặt trừng phạt Triều Tiên hoặc đợi Mỹ giúp Hàn Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân hay thậm chí tấn công quân sự vào Bình Nhưỡng.

Vụ thử hạt nhân của Triều Tiên cũng là cái tát vào mặt chính quyền của Tổng thống Donald Trump. Trong 10 ngày Liên Hợp quốc thông qua các biện pháp trừng phạt mới chống lại Triều Tiên, Bình Nhưỡng vẫn khá im lặng. Kết quả là Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ca ngợi sự kiềm chế của Bình Nhưỡng, còn ông Trump còn nói đến việc bắt đầu đối thoại với Triều Tiên. Bình Nhưỡng đáp lại những “tin tưởng” đó bằng vụ phóng tên lửa qua Nhật Bản, sau đó là vụ thử hạt nhân lần thứ sáu để trả miếng chiến dịch tập trận chung của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Với những hành động này, Mỹ dường như đã học được một bài học về sự quyết liệt của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ông Deng cho rằng lựa chọn quân sự giờ phải được cân nhắc một cách nghiêm túc. Mỹ thích giải pháp hòa bình hơn, nhưng khả năng phải chọn tấn công quân sự đang ngày càng tăng.

Theo ông Deng, vụ thử hạt nhân của Triều Tiên đã đẩy Mỹ và Trung Quốc đến gần khả năng hợp tác với nhau hơn. Nếu cả hai bên đền không muốn thấy Triều Tiên trở thành một cường quốc hạt nhân thì buộc phải gạt nghi kỵ sang một bên để bắt tay nhau.

Ông Deng cho rằng Trung Quốc phải chủ động cắt nguồn cung cấp dầu và lương thực cho Triều Tiên. Điều này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến quan hệ Trung – Triều trong khi không ngăn được Triều Tiên tiếp tục con đường hiện nay, nhưng đó là cách duy nhất để gửi tín hiệu cứng rắn đến Triều Tiên rằng việc sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ không được tha thứ, nhà nghiên cứu Trung Quốc viết.

Triều Tiên đang phá hoại kế hoạch ”lãnh đạo châu Á” của Trung Quốc?

"Sự bất trị" của Triều Tiên đang khiến Trung Quốc đau đầu, thêm vào đó là cách cư xử "thiếu hiểu biết"...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trúc Quỳnh - SCMP (Tiền Phong)
Tin tức Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN