Bị thúc giục, Đức cấp luôn cho Ukraine hơn tỷ USD sắm vũ khí
Chính phủ Đức quyết định phân bổ thêm hơn một tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine, trong bối cảnh Berlin liên tiếp bị các nước đồng minh và Kiev thúc giục tăng cường trợ giúp.
Hãng tin DW của Đức ngày 16/4 dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner xác nhận nước này sẽ tăng ngân sách chi tiêu cho các mục đích "hỗ trợ quân sự" trong năm 2022 thêm 2 tỷ Euro, tương đương 2,16 tỷ USD, trong đó phần lớn dành cho việc trợ giúp Ukraine.
Xe tăng Leopard 2 của Đức tham gia hoạt động huấn luyện. Ảnh: Getty Images
"Các khoản tiền đó chủ yếu để hỗ trợ Ukraine", ông Christian Lindner viết trên Twitter, xác nhận Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã "yêu cầu điều đó ngay từ đầu".
Theo AFP, trong khoản tiền kể trên, hơn 1 tỷ Euro, tương đương 1,1 tỷ USD, sẽ được phân bổ để hỗ trợ trực tiếp cho Kiev. Số tiền này dường như sẽ được Ukraine sử dụng để mua thiết bị quân sự.
Đức đến nay đã cung cấp cho Ukraine các vật tư quân sự bao gồm đạn pháo, tên lửa phòng không vác vai, súng máy và đạn dược, nhưng không cung cấp vũ khí hạng nặng như xe tăng, trực thăng và máy bay chiến đấu.
Quyết định tăng cường viện trợ Ukraine được đưa ra sau khi Berlin bị Kiev và một số quốc gia châu Âu, nổi bật là Ba Lan, nhiều lần thúc giục, thậm chí nặng lời chỉ trích vì chưa hết mình hỗ trợ vũ khí cho Ukraine khi chiến sự với Nga đang diễn ra.
Ukraine hồi đầu tuần từ chối chuyến thăm của Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói ông muốn Thủ tướng Đức Scholz tới thăm Kiev. Tuy nhiên, ông Scholz tỏ ra khó chịu với động thái của Ukraine và khẳng định chưa có kế hoạch thăm nước này.
Ngoài vấn đề vũ khí, Đức còn chịu áp lực từ đồng minh về việc ban bố các chính sách quyết liệt hơn nhắm vào ngành năng lượng Nga, bởi nền kinh tế hàng đầu châu Âu này là bên nhập khẩu lớn nhất khí đốt, cũng như lượng lớn dầu mỏ của Moscow.
Trong bước đi nhằm giảm bớt phụ thuộc năng lượng hóa thạch Nga, Bộ Tài chính Đức xác nhận đã bố trí hơn 3 tỷ USD để mua sắm các thiết bị phục vụ nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Berlin đang tăng cường nhập LNG từ Qatar, Mỹ và Australia, dù giá cao hơn khí đốt Nga.
Nguồn: [Link nguồn]
Đức tỏ rõ sự không hài lòng khi lãnh đạo các nước Ba Lan, Estonia, Latvia và Lithuania có thể tới thăm thủ đô Kiev của Ukraine hôm 13.4 còn Tổng thống nước này – ông Frank Walter...