Bí quyết để Trung Quốc không phải giãn cách xã hội quá chặt vì Covid-19
Việc ứng dụng mã y tế theo màu không chỉ tạo thuận lợi cho người dân mà còn giúp giải quyết những thách thức rất lớn.
Quét mã QR y tế đã trở thành luật bất thành văn ở Trung Quốc
Gần 2 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, thế giới vẫn đang quay cuồng tìm cách ngăn dịch. Nhưng tại Trung Quốc, cuộc sống của người dân nhộn nhịp gần về mức trước dịch.
Chỉ có điều, dù đi đâu, làm gì, người dân luôn phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, không cần phải hạn chế tiếp xúc nhưng bắt buộc phải làm động tác... quét mã QR y tế mỗi khi ra vào những nơi quan trọng.
Hơn 200 thành phố dùng mã QR y tế
Thay cho việc mỗi khi đến bệnh viện, lên tàu xe, công sở hay thậm chí đi ra ngoài ăn uống..., người dân phải làm tờ khai y tế rồi mới được vào và chưa biết nội dung khai có chính xác hay không, người Trung Quốc chỉ cần đưa mã QR có màu xanh ra là xong.
Việc ứng dụng mã y tế theo màu không chỉ tạo thuận lợi cho người dân mà còn giúp giải quyết những thách thức rất lớn trong quá trình kiểm soát, truy vết và dập dịch hiệu quả.
Ban đầu, khi chưa có mã QR, dù đã áp dụng rất nhiều thiết bị công nghệ cao như camera giám sát, máy cảm biến nhiệt hồng ngoại, máy bay không người lái nhưng hầu hết các hoạt động kiểm soát dịch bệnh ở nước này vẫn đòi hỏi lượng lớn nhân lực.
Theo nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ Wanshu Cong tại Viện Đại học châu Âu ở Fiesole, tại nhiều địa phương ở Trung Quốc, chính quyền từng thực hiện theo cách gọi là “quản lý mạng lưới”.
Lực lượng chức năng sẽ tới tận nhà người dân, thu thập thông tin và lập hồ sơ y tế cho từng hộ gia đình, theo từng ngày. Nhưng phương pháp này vẫn đòi hỏi phải có những tiếp xúc tương tác gần giữa người với người và không thể giám sát kè kè mọi hoạt động người dân.
Cách thức kiểm soát, truy vết đó càng bất khả thi sau Tết Nguyên đán 2020 - thời điểm mà Trung Quốc gọi là Xuân vận, người dân di chuyển nhiều.
Tình hình này buộc Ban chỉ đạo Cơ chế kiểm soát và Phối hợp phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (JPCMSC) kêu gọi tìm cách kiểm soát dịch một cách khoa học. Với sự thúc đẩy của Nhà nước, mã QR nhanh chóng được phát triển và ứng dụng vào đầu tháng 2/2020.
Mã QR đầu tiên do chính quyền Hàng Châu đặt hàng Alibaba phát triển để sớm đưa người dân trở lại làm việc. Sau đó vài ngày, tại Thâm Quyến, Tencent cũng ra mắt mã y tế đầu tiên. Các mã này là một ứng dụng nhỏ nằm trong ứng dụng lớn của Alipay (Alibaba) và WeChat (Tencent).
Sau vài tuần thử nghiệm tại 2 thành phố, hơn 200 thành phố khác đã đề nghị hợp tác với 2 tập đoàn trên và các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, truyền thông để thực hiện chương trình giám sát tương tự.
Cách mã QR y tế hoạt động
Hệ thống mã QR theo màu của Alipay
Các mã y tế này hoạt động chung theo một hình thức, đó là người dùng tìm kiếm ứng dụng tạo mã y tế theo nơi mình sinh sống trong ứng dụng lớn của Alipay hoặc WeChat. Khi đăng ký, người dùng phải cung cấp thông tin cá nhân, tên, số chứng minh thư, địa chỉ nhà, hồ sơ y tế và lịch sử đi lại trong 14 ngày trước.
Dựa trên thông tin do người dùng cung cấp, đối chiếu với dữ liệu từ các cơ quan dịch vụ công như hệ thống giao thông công cộng, các nhà cung cấp dịch vụ thông tin truyền thông, bệnh viện..., hệ thống quản lý QR sẽ sử dụng thuật toán tính mức độ lây nhiễm virus và cấp mã QR theo màu cho mỗi cá nhân.
Nếu được cấp màu xanh tức là người dùng không bị lây nhiễm virus và được phép đi lại thoải mái. Màu vàng được cấp cho người có nguy cơ lây nhiễm, phải cách ly 1 tuần và đỏ dành cho người phải cách ly 2 tuần.
Những người đang trong tình trạng cách ly sẽ phải cập nhật thông tin hàng ngày lên ứng dụng. Một người có mã vàng sẽ được chuyển sang màu xanh nếu trong 7 ngày liên tiếp được đánh giá bình thường.
Người bị cấp mã đỏ sẽ mất thời gian gấp đôi người có mã vàng. Mã QR y tế có thời hạn, nếu người có mã xanh nhưng không liên tục cập nhật thông tin thì mã cũng tự động bị vô hiệu hóa.
Người dân không bắt buộc phải cài ứng dụng nhưng nếu không cài và thực hiện đúng yêu cầu cập nhật của ứng dụng, vô hình trung họ tự “trói chân mình”. Bởi, tất cả mọi nơi từ cơ quan công sở, văn phòng đến các phương tiện công cộng, tàu cao tốc, máy bay... đều bắt buộc phải quét mã QR.
Chẳng hạn, khi đến một nhà hàng, người dân sẽ phải quét mã QR ở trước cửa từ đó xác nhận mã QR của mình là xanh để được vào trong. Qua động tác này, hệ thống sẽ tự động cập nhật lịch trình đi lại của người dùng.
Từ đây, các đơn vị, cơ quan chức năng cũng dễ dàng truy vết, can thiệp dập dịch ngay từ sớm. Cách thức quản lý này cũng áp dụng với người nước ngoài đến Trung Quốc như một quy định bất thành văn.
Yếu tố thành công
Sở dĩ, một đất nước tỷ dân như Trung Quốc đồng loạt thực hiện phổ cập mã QR gần như tự nguyện như vậy, trước hết là bởi người dân nơi đây đã quá quen với việc áp dụng mã QR trong mọi sinh hoạt đời sống. Từ lâu, người dân Trung Quốc không phải sử dụng tiền mặt mà chỉ thao tác quẹt điện thoại thanh toán.
Hơn nữa, để hệ thống QR đánh giá chính xác tình trạng của từng cá nhân, đòi hỏi từng người phải chấp nhận chia sẻ toàn bộ thông tin, lịch trình đi lại của mình. Thậm chí, trên tờ New York Times (Mỹ), nhà nghiên cứu Trung Quốc của Tổ chức Quan sát nhân quyền Maya Wang đánh giá: “Dịch bệnh Covid-19 sẽ là một trong những dấu mốc trong lịch sử mở rộng giám sát toàn dân tại Trung Quốc”.
Đây là điều người dân ở các nước như Mỹ hoặc Liên minh châu Âu... chắc chắn hoài nghi và khó chấp nhận vì e ngại bị vi phạm quyền riêng tư, rò rỉ thông tin cá nhân.
Yếu tố thứ 3 đó là nhờ sự quản lý tập trung, phối hợp liên ngành và kết hợp công - tư. Để có thể xác định được rủi ro, mức độ lây nhiễm của từng cá nhân, thuật toán của hệ thống mã QR cần sử dụng và đối chiếu với nguồn dữ liệu quản lý công. Nếu không có sự hỗ trợ và quản lý tập trung của Nhà nước, hệ thống mã QR khó có cơ sở để đánh giá thông tin người nhập có đúng hay không.
Tập đoàn Ant Financial (đơn vị phát triển mã y tế của Alipay) không cho biết cụ thể hệ thống của công ty này vận hành như thế nào nhưng tiết lộ, các cơ quan chính phủ đặt ra quy định và kiểm soát dữ liệu.
Bất cập vẫn chấp nhận
Dù vậy, khi áp dụng trên thực tế, mã QR vẫn còn tồn tại không ít bất cập và sai sót. Điển hình như trường hợp của cô Vanessa Wong, 25 tuổi, đang làm việc tại Hàng Châu. Cô đã không thể rời quê nhà ở tỉnh Hồ Bắc suốt nhiều tuần liền vì bị nhận mã QR màu đỏ dù không hề có triệu chứng nhiễm Covid-19.
Cơ quan và nơi ở tại Hàng Châu của cô Wong đều yêu cầu phải có mã xanh mới cho phép quay trở lại. Giới chức tại Hàng Châu cũng biết những vấn đề này và đã kêu gọi người dân phản hồi những sai sót, bất cập của hệ thống lên cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.
Nhưng như trường hợp của cô Wong, dù chờ đợi nhiều tuần, mã y tế vẫn không thay đổi, đẩy cô rơi vào cảnh bất lực. Hay như sự cố trớ trêu khác của cô Doo Wang, 26 tuổi. Ban đầu, cô nhận được mã xanh nhưng chỉ một ngày trước khi chuẩn bị ra khỏi thành phố, mã y tế của cô lại chuyển đỏ. Wang đã gọi lên đường dây nóng để làm rõ nhưng không có ai trả lời.
Thừa nhận những ứng dụng này còn nhiều bất cập, sai sót có lúc đến “phát điên” nhưng không ít người như cô Wang khẳng định, vì đại dịch, cách thức này vẫn là hợp lý nhất.
Chia sẻ về vấn đề riêng tư, cô Wang cho biết: “Chẳng cần phải đến lúc này, Alipay đã có toàn bộ dữ liệu của chúng tôi từ lâu rồi. Nên giờ sao phải sợ nữa?”.
Hiện, chưa có số liệu tổng thể toàn Trung Quốc nhưng theo giới chức tỉnh Chiết Giang, ngay trong tháng đầu tiên áp dụng đã có hơn 50 triệu người đăng ký mã y tế trên toàn tỉnh, tương đương 90% dân số. Trong số đó, có 98,2% người đăng ký được nhận mã xanh và gần 1 triệu người phải nhận mã đỏ hoặc vàng. |
Ổ dịch ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, liên quan đến biến chủng Covid-19 nguy hiểm, có dấu hiệu...
Nguồn: [Link nguồn]