Bị Nga truy nã, nữ Thủ tướng quốc gia châu Âu lên tiếng

Nữ Thủ tướng quốc gia vùng Baltic cho rằng mình hiểu rõ mục đích Nga đưa bà vào danh sách truy nã, gọi đây là "đòn chiến thuật của Moscow".

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas. Ảnh: EPA

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas. Ảnh: EPA

Theo Reuters, bà Kaja Kallas, nữ Thủ tướng Estonia, ngày 18/2 đã bác bỏ lệnh bắt giữ do Nga đưa ra, nói rằng đó chỉ là nỗ lực của Moscow nhằm cảnh cáo bà trong bối cảnh có nhiều đồn đoán cho rằng nữ Thủ tướng Estonia có thể đảm nhiệm chức vụ cấp cao trong Liên minh châu Âu (EU).

"Việc đưa tôi vào danh sách truy nã là nhằm cảnh cáo và khiến tôi phải kiềm chế khi đưa ra quyết định", bà Kallas nói với phóng viên của Reuters bên lề Hội nghị An ninh Munich (Đức). "Đó là đòn chiến thuật của Moscow. Tôi không bất ngờ và cũng không e sợ".

Vai trò nổi bật của Thủ tướng Estonia trong việc thúc đẩy EU hành động nhiều hơn để hỗ trợ Ukraine đã dẫn đến một số suy đoán ở châu Âu rằng bà Kallas có thể sẽ đảm nhận một vị trí cấp cao nào đó sau cuộc bầu cử ở nghị viện châu Âu vào tháng 6 năm nay.

Bà Kallas cho rằng, suy đoán đó góp phần khiến Moscow chú ý đến bà.

"Người Nga đã biết về suy đoán đó. Và đó là lí do họ đưa ra lệnh truy nã với tôi", Thủ tướng Estonia nói.

Khi được hỏi, liệu có quan tâm tới bất kỳ vị trí nào ở EU trong tương lai hay không, bà Kallas trả lời: "Chúng ta chưa ở thời điểm phù hợp để nói về điều đó. Tôi vẫn là Thủ tướng của Estonia".

Cảnh sát Nga đưa nữ Thủ tướng Estonia và một số chính trị gia vùng Baltic khác vào danh sách truy nã ngày 13/2 vì tội phá hủy các di tích có từ thời Liên Xô. Theo Reuters, bà Kallas chỉ có nguy cơ bị bắt nếu đi vào lãnh thổ Nga.

Estonia, thành viên của NATO và EU, là một trong những nước ủng hộ Kiev nhiệt tình nhất kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022.

Năm ngoái, Estonia đã bắt đầu các cuộc thảo luận để tăng cường cung cấp đạn dược ở châu Âu cho Ukraine, tác động lớn đến việc EU đồng ý gửi cho Kiev 1 triệu viên đạn pháo vào tháng 3 năm nay.

Nguồn: [Link nguồn]

Quyết định mới từ Liên minh châu Âu (EU) có thể giúp Ukraine nhận được khoảng 15 tỷ euro/năm (16,17 tỷ USD) từ tài sản bị phong tỏa của Nga.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tâm Hoa - Reuters ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN