Bị Nga cắt giảm nguồn cung, các nước EU đang tiết kiệm khí đốt như thế nào?
“Thắt lưng buộc bụng” đang được nhiều nước thành viên EU cho là biện pháp hiệu quả nhất khi Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt.
Một khu di tích ở Berlin (thủ đô Đức) chìm trong bóng tối do hạn chế bật đèn chiếu sáng (ảnh: CNN)
Hồi cuối tháng 7, EU đã nhất trí giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ từ tháng 8 đến tháng 3.2023 để tiết kiệm khí đốt. Giới lãnh đạo EU cho rằng, Nga sẽ sớm cắt giảm hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho khối này.
Theo Ủy ban châu Âu (EC), nếu kịch bản Nga cắt toàn bộ nguồn cung xảy ra, EU sẽ thiếu hụt khoảng 45 tỷ mét khối khí đốt dùng cho mùa đông năm nay.
1. Đức
Đức – quốc gia có nền kinh tế lớn nhất châu Âu – cũng là nước phụ thuộc vào khí đốt Nga nhiều nhất. Phần lớn nguồn khí đốt từ Nga được Đức sử dụng phục vụ nhu cầu sưởi ấm, chỉ khoảng 15% dùng để sản xuất điện.
Để đạt được mục tiêu giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ, Đức đang kêu gọi thực hiện tiết kiệm năng lượng trên phạm vi cả nước. Nhiều thành phố ở Đức đã tắt bớt đèn chiếu sáng ở các tòa nhà công cộng, ngừng hoạt động của các đài phun nước và không dùng nước nóng cho các bể bơi.
Đức cũng khuyến khích người dân mua lò sưởi đốt gỗ dùng cho mùa đông. Sản phẩm này hiện đang cháy hàng ở Đức.
Hanover là thành phố lớn đầu tiên ở Đức công bố các biện pháp mạnh tay để tiết kiệm năng lượng. Các tòa nhà ở Hanover chỉ được mở máy sưởi với nhiệt độ không quá 20 độ C. Điều hòa không mở thấp dưới 27 độ C.
Ở Berlin, khoảng 200 di tích lịch sử, bảo tàng và các tòa nhà công cộng trong thành phố phải hạn chế bật đèn đến mức tối thiểu.
“Chúng ta phải xử lý nguồn năng lượng của mình một cách cẩn thận nhất có thể”, Bettina Jarasch – nghị sĩ Đức – nói với Euro News.
Một số nước ở châu Âu đã tăng cường hoạt động của các nhà máy điện than do thiếu khí đốt (ảnh: DW)
2. Pháp
70% năng lượng Pháp đến từ các nhà máy điện hạt nhân nhưng nước này vẫn triệt để tiết kiệm năng lượng để giảm tiêu thụ khí đốt.
Hôm 24.7, Bộ Năng lượng Pháp thông báo quy định mới, cấm bật đèn ở các biển quảng cáo từ 1 giờ đến 6 giờ sáng trên phạm vi cả nước, ngoại trừ các nhà ga và sân bay. Pháp cũng cấm các cửa hàng để hở cửa khi sử dụng điều hòa hoặc máy sưởi. Các tòa nhà công cộng ở Pháp phải chỉnh nhiệt độ điều hòa cao hơn vào mùa hè và chỉnh nhiệt độ máy sưởi thấp hơn vào mùa đông.
Chính phủ Pháp cũng kêu gọi người dân tiết kiệm năng lượng tối đa, tắt đèn, TV, bộ phát wifi và các thiết bị điện khác khi không sử dụng. Pháp đặt mục tiêu cắt giảm tiêu thụ năng lượng 10% trong 2 năm tới.
3. Hy Lạp
Hy Lạp là nước phụ thuộc nhiều vào khí đốt Nga. 40% nguồn cung khí đốt của Hy Lạp đến từ Nga.
Hồi tháng 6, Hy Lạp đã công bố kế hoạch giảm tiêu thụ năng lượng 10% trong năm 2022 và 30% vào năm 2030. Cũng giống như nhiều nước châu Âu khác, Hy Lạp quy chỉnh nhiệt độ điều hòa cao hơn vào mùa hè và chỉnh nhiệt độ máy sưởi thấp hơn vào mùa đông ở các tòa nhà công cộng.
Chính phủ Hy Lạp cũng công bố kế hoạch trị giá hơn 640 triệu USD để cải tạo cửa số, hệ thống sưởi và làm mát ở các tòa nhà công cộng.
4. Tây Ban Nha
Chính phủ Tây Ban Nha đồng ý cắt giảm 7 – 8% nhu cầu tiêu thụ khí đốt để góp phần vào mục tiêu chung của EU.
Hôm 28.7, Bộ trưởng Môi trường Teresa Ribera kêu gọi người dân Tây Ban Nha sử dụng năng lượng “thông minh nhất có thể”.
“Chúng ta có thể kéo rèm để bớt nóng, sử dụng điều hòa đúng cách và nhắc nhở lũ trẻ tắt đèn”, bà Teresa Ribera khuyến khích.
Bộ Môi trường Tây Ban Nha cũng kêu gọi người dân mở điều hòa không thấp dưới mức 27 độ C, bất chấp việc nước này đang trải qua mùa hè với nhiều đợt nắng nóng kéo dài.
Giới lãnh đạo EU cảnh báo Nga sẽ tiếp tục cắt giảm nguồn cung khí đốt (ảnh: DW)
5. Italia
Chính phủ Italia cũng có kế hoạch tiết kiệm năng lượng riêng. Nước này quy định tắt đèn chiếu sáng xung quanh các tượng đài, di tích lịch sử. Các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa sớm hơn để tiết kiệm điện.
95% lượng khí đốt Italia sử dụng đến từ việc nhập khẩu, 40% trong số đó do Nga cung cấp.
Từ tháng 5, Italia đã quy định các tòa nhà công cộng, ngoại trừ bệnh viện hoặc viện dưỡng lão, phải chỉnh nhiệt độ điều hòa không dưới 19 độ C vào mùa hè và không quá 27 độ C vào mùa đông. Nếu không tuân thủ, mức phạt từ 500 – 3.000 euro sẽ được áp dụng.
Ở Hà Lan và Ireland – 2 nước không phụ thuộc nhiều vào khí đốt Nga – chính phủ cũng có kế hoạch tiết kiệm năng lượng như kêu gọi người dân sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện, hạn chế sử dụng điều hòa và máy sưởi…
Nguồn: [Link nguồn]
Gazprom cảnh báo vẫn còn nhiều sự cố với tuabin cần sửa chữa trong bối cảnh Tập đoàn năng lượng lớn nhất Nga cắt giảm mạnh nguồn khí đốt sang châu Âu.