Bị NATO coi là "thách thức nghiêm trọng", Trung Quốc nổi giận

Trung Quốc cho rằng, với “tư duy Chiến tranh lạnh và thành kiến ý thức hệ”, chính NATO mới là bên “thách thức an ninh toàn cầu và phá hoại hòa bình thế giới”.

Zhang Jun – Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc (ảnh: Guardian)

Zhang Jun – Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc (ảnh: Guardian)

Trong Khái niệm chiến lược mới được công bố hôm 29.6, NATO cho rằng, Trung Quốc không phải đối thủ của khối nhưng là “thách thức nghiêm trọng”.

“Tham vọng và các chính sách cưỡng ép của Trung Quốc thách thức lợi ích, an ninh cùng giá trị của chúng ta. Họ cố gắng phá vỡ trật tự quốc tế được thiết lập dựa trên luật pháp, trong cả lĩnh vực không gian, không gian mạng và hàng hải”, tài liệu nêu.

Đây là lần đầu tiên NATO đưa Trung Quốc vào Khái niệm chiến lược.

Bắc Kinh tỏ ra tức giận trước động thái mới của NATO, cho rằng khối này đang cố ý “bôi nhọ” Trung Quốc.

“Ai đang thách thức an ninh toàn cầu và phá hoại hòa bình thế giới? Trong nhiều năm qua, có cuộc chiến tranh hay xung đột nào mà NATO không có mặt hay không? Cái gọi là Khái niệm chiến lược của NATO chứa đầy tư duy Chiến tranh lạnh và thành kiến ý thức hệ. Họ đang cố gắng tấn công và bôi nhọ Trung Quốc một cách ác ý”, phái đoàn ngoại giao Trung Quốc tại EU tuyên bố hôm 30.6.

“Trước những hành động ảnh hưởng đến lợi ích của Trung Quốc, chúng tôi sẽ đáp trả một cách kiên quyết và mạnh mẽ”, phái đoàn của Trung Quốc cảnh báo.

Cùng ngày, Zhang Jun – Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc – cũng phản ứng gay gắt trước việc NATO đưa Bắc Kinh vào Khái niệm chiến lược.

“Trung Quốc kiên quyết phản đối NATO can dự vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương hoặc thành lập một ‘phiên bản NATO châu Á’”, ông Zhang Jun phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tình hình Ukraine.

Tổng thư ký NATO – ông Jens Stoltenberg (ảnh: Guardian)

Tổng thư ký NATO – ông Jens Stoltenberg (ảnh: Guardian)

Theo ông Zhang, cuộc xung đột ở Ukraine một lần nữa cho thấy việc NATO mở rộng về phía đông không những không giúp bảo đảm an ninh cho châu Âu mà chỉ gieo mầm xung đột.

“Trong khi NATO coi một số nước ngoài khối là mối đe dọa, chính khối này lại là nguyên nhân gây rắc rối”, ông Zhang nói.

“Chúng tôi kêu gọi NATO rút ra các bài học. Không kích động đối đầu. Không kích động một cuộc Chiến tranh lạnh mới. Không tìm kiếm những đối thủ trong tưởng tượng ở châu Á – Thái Bình Dương để tránh gây thêm xung đột, chia rẽ”, ông Zhang nhấn mạnh.

Về tình hình xung đột ở Ukraine, ông Zhang nhận định, thực tế đã chứng minh rằng, việc NATO viện trợ vũ khí cho Kiev không thể mang lại hòa bình, cũng như trừng phạt không thể giải quyết các vấn đề an ninh.

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Trung Quốc đã nhiều lần bị phương Tây “chĩa mũi dùi” khi không đồng ý chỉ trích hoặc tham gia trừng phạt Moscow.

“Trung Quốc không phải đối thủ của NATO, nhưng chúng ta phải nhìn nhận rõ ràng về những thách thức nghiêm trọng mà Trung Quốc gây ra”, Tổng thư ký NATO Stoltenberg phát biểu hôm 29.6.

Nguồn: [Link nguồn]

Nga bất ngờ rút quân khỏi đảo Rắn

Nga thông báo binh sĩ nước này đã rút khỏi đảo Ostrov Zmeiny (đảo Rắn) ngoài khởi Biển Đen và nhấn mạnh, đây là một cử chỉ “thiện chí”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – Guardian, Hoàn cầu ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN