Bị Mỹ loại khỏi chương trình F-35, Thổ Nhĩ Kỳ tự vươn mình thành cường quốc quân sự ra sao?
Từ một nước phụ thuộc vào nhập khẩu vũ khí, Thổ Nhĩ Kỳ đã nổi lên như một nước xuất khẩu quốc phòng lớn của thế giới, trong đó nhiều vũ khí tiên tiến của nước này được sử dụng trên nhiều chiến trường với mức độ thành công cao.
Theo tờ EurAsian Times, vào đầu thế kỷ 21, Thổ Nhĩ Kỳ là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ ba thế giới. Tuy nhiên, sự phụ thuộc của Thổ Nhĩ Kỳ vào nhập khẩu quân sự nước ngoài đã giảm mạnh, từ khoảng 80% vào năm 2004 xuống còn dưới 20% hiện nay.
Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ đã nổi lên như một nước xuất khẩu quốc phòng, trong đó vũ khí tiên tiến của nước này được sử dụng trên nhiều chiến trường với mức độ thành công cao trong hoạt động.
Máy bay huấn luyện Hurjet. Ảnh: X
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là sự trỗi dậy nhanh chóng của Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách là nhà sản xuất và xuất khẩu vũ khí có liên quan trực tiếp đến những bước tiến mà ngành công nghiệp hàng không vũ trụ nội địa đạt được.
Từ việc phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm đến máy bay huấn luyện hạng nhẹ và máy bay không người lái (UAV) tàng hình, Ankara đã khẳng định vững chắc vị thế là một cường quốc hàng không vũ trụ đáng tin cậy.
Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực thúc đẩy nội địa hóa ngành quốc phòng
Gần đây, máy bay huấn luyện cánh quạt tiên tiến Hurkus-II của Tập đoàn Turkish Aerospace Industries đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 30-12-2024. Chiếc máy bay hai chỗ ngồi này đã bay trong 20 phút và đạt độ cao khoảng 2.000 m và dự định sẽ gia nhập Không quân Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo các báo cáo, máy bay Hurkus-II là phiên bản mới nhất của máy bay huấn luyện cánh quạt tua bin sau các phiên bản dân sự, huấn luyện quân sự và vũ trang của dòng Hurkus. Trong nhiệm vụ huấn luyện chính, Hurkus-B đã được Không quân Thổ Nhĩ Kỳ triển khai, thay thế cho máy bay hạng nhẹ SIAI-Marchetti SF260. Ít nhất 55 chiếc Hurkus-II sẽ tiếp tục tăng cường đội bay huấn luyện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.
Mặc dù thông tin chi tiết về máy bay Hurkus-II hiện vẫn rất ít, nhưng nhiều sự phát triển hàng không vũ trụ khác ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng đáng được chú ý. Ví dụ, Baykar của Thổ Nhĩ Kỳ - công ty đã nổi lên như bộ mặt của ngành công nghiệp hàng không vũ trụ và quốc phòng của nước này - đã mua lại một công ty hàng không khổng lồ Piaggio Aerospace của Ý có lịch sử hơn một thế kỷ.
Máy bay huấn luyện cánh quạt tiên tiến Hurkus-II. Ảnh: X
Các nhà phân tích tin rằng thương vụ mua lại này có ý nghĩa quan trọng vì nó sẽ giúp công ty Baykar tiếp cận được các thị trường châu Âu. Năm 2004, Pratt & Whitney America - một công ty Mỹ chuyên sản xuất động cơ máy bay dân sự và quân sự - đã chọn Piaggio Aerospace để sản xuất và cung cấp các bộ phận động cơ F-135 cho máy bay tàng hình F-35.
Một số phương tiện truyền thông cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể tái gia nhập chương trình cung cấp động cơ cho F-35 với việc mua lại Piaggio. Tuy nhiên, những đánh giá như vậy có thể là xa vời.
Dù vậy, những nỗ lực chung của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thúc đẩy nội địa hóa, nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực hàng không vũ trụ chắc chắn sẽ được ghi nhận. Trong một bài báo trên EurAsian Times, nhà báo kỳ cựu Prakash Nanda nhận định rằng sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ và sự chấp nhận ngày càng tăng trên toàn cầu đối với các sản phẩm quốc phòng của Ankara đã đem lại cho nước này nhiều lợi ích. Một trong các lợi ích đó là giúp “Ankara theo đuổi chính sách đối ngoại quân sự hóa ở khu vực lân cận và quản lý các liên minh địa chính trị linh hoạt".
Các cột mốc đáng chú ý
Cột mốc lớn nhất mà Thổ Nhĩ Kỳ đạt được trong thời gian gần đây là tự phát triển máy bay tàng hình thế hệ thứ năm của riêng mình—KAAN.
KAAN là một tiêm kích tàng hình hai động cơ do Turkish Aerospace Industries phát triển. Tiêm kích đa năng này đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 2-2024 và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào đầu những năm 2030, đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào nhóm nhỏ các quốc gia đã tự phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm.
Chiếc máy bay này được cho là sẽ thay thế những chiếc tiêm kích F-16 cũ kỹ của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ và cũng được lên kế hoạch xuất khẩu. Trên thực tế, Saudi Arabia và Pakistan được cho là đã bày tỏ sự quan tâm đến việc mua máy bay tàng hình KAAN.
Tiêm kích tàng hình KAAN. Ảnh: X
Ngay cả khi KAAN không vượt trội hơn khả năng của máy bay chiến đấu F-35 Lightning II của Mỹ, nó vẫn cung cấp một giải pháp thay thế giá rẻ cho các quốc gia không có khả năng mua F-35 do các điều kiện liên quan đến xuất khẩu nghiêm ngặt của Washington.
Sự phát triển của KAAN được coi là bước ngoặt đối với Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là sau khi nước này bị loại khỏi liên doanh F-35 Lightning II của Mỹ vì mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Trong nhiều năm, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải vật lộn để sở hữu một máy bay thế hệ thứ năm tiên tiến và hiện đại hóa đội bay F-16 cũ kỹ của mình.
Cột mốc lớn tiếp theo cần được chú ý đặc biệt là máy bay huấn luyện Hurjet. Máy bay phản lực siêu thanh đầu tiên do Thổ Nhĩ Kỳ tự chế tạo này đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 4-2024.
Máy bay Hurjet do Turkish Aerospace Industries phát triển vẫn đang trong giai đoạn phát triển và chưa đi vào sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, các báo cáo cho thấy rằng việc sản xuất có thể sẽ bắt đầu vào năm 2025, với những đợt giao hàng đầu tiên vào năm 2025-2026.
Chiếc máy bay này, thường được so sánh với máy bay huấn luyện T-7 Red Hawk của Mỹ, đã giành được hợp đồng xuất khẩu đầu tiên vào đầu tháng 12-2024 sau khi đấu thầu không thành công để xuất khẩu máy bay chiến đấu hạng nhẹ Hurjet sang Malaysia.
Hurjet có thể đạt tốc độ tối đa khoảng 9 km/giờ và có trần bay là 13,7 km. Máy bay này được trang bị hệ thống điện tử hàng không hiện đại và được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ trinh sát vũ trang, tấn công hạng nhẹ, bay huấn luyện và hỗ trợ trên không tầm gần.
Dẫn đầu về công nghệ UAV
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã khẳng định mình là quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ UAV. Công ty Baykar của Thổ Nhĩ Kỳ đã sản xuất một số UAV hiện đại như TB2, TB3, Akinci và Kizilelma.
Chẳng hạn, UAV TB-2 được ca ngợi là một câu chuyện thành công của Thổ Nhĩ Kỳ. UAV này đã được bán cho khoảng 20 quốc gia và đã cho thấy khả năng chiến đấu thành công đặc biệt ở một số khu vực chiến sự, bao gồm cuộc xung đột Nogorono-Karabakh diễn ra vào năm 2020 giữa Armenia và Azerbaijan.
Đáng chú ý, UAV TB2 cũng nổi lên trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Những chiếc UAV này nhanh chóng giành được một số chiến thắng ấn tượng cho Ukraine. Nhiều tuyên bố và video cho thấy Ukraine sử dụng những chiếc UAV này để tấn công tàu tuần tra, xe tăng và xe bọc thép của Nga.
Máy bay không người lái TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Ảnh: AFP
Baykar cũng đã phát triển TB3 - phiên bản UAV Bayraktar TB2 dành riêng cho tàu sân bay, lớn hơn và tốt hơn TB2. Với cánh có thể gập lại và khả năng cất cánh từ đường băng ngắn, TB3 được thiết lập để trở thành UAV chiến đấu đầu tiên trong lịch sử có khả năng cất cánh và hạ cánh trên đường băng ngắn như tàu tấn công đổ bộ TCG Anadolu.
TB3 có khả năng thực hiện các nhiệm vụ tình báo, trinh sát, giám sát và tấn công bằng các vũ khí thông minh được lắp dưới cánh. TB3 đã bước vào giai đoạn thử nghiệm bay vào năm 2023 và đã thực hiện chuyến bay ấn tượng kéo dài 32 giờ trong một cuộc thử nghiệm vào tháng 12-2024, lập kỷ lục mới cho UAV lớp Bayraktar.
Một UAV khác nổi tiếng gần đây là Bayraktar Akinci. Đây là loại UAV có tầm cao, có khả năng hoạt động lâu dài và có thể được trang bị vũ khí như tên lửa không đối không và không đối đất. Theo Baykar, Bayraktar Akinci có thể thực hiện các động tác tương tự như máy bay chiến đấu và mang theo nhiều loại tải trọng. Ngoài ra, Bayraktar Akıncı có thể tấn công các mục tiêu trên bộ và trên không, cũng như có thể bay cao hơn và ở trên không lâu hơn so với đội bay không người lái hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ.
Bayraktar Akinci gần đây đã khiến cả thế giới kinh ngạc khi thử nghiệm tên lửa siêu thanh UAV-122. Do đó, UAV này càng chứng minh được khả năng chiến đấu của mình trong bối cảnh UAV đang trở thành trụ cột của chiến tranh hiện đại. Bên cạnh đó, Bayraktar Akinci cũng hỗ trợ các nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ sau khi một chiếc trực thăng chở Tổng thống Iran khi đó là ông Ebrahim Raisi bị rơi vào tháng 5-2024.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã có bước đột phá lớn trong việc phát triển UAV tàng hình với hai sản phẩm đáng được nhắc đến đặc biệt.
Một trong số đó là Anka-3 - UAV tấn công sâu có cánh bay đầu tiên do Turkish Aerospace Industries phát triển. Anka-3 là UAV tầm trung được thiết kế cho các nhiệm vụ giám sát với thời gian hoạt động dài. Với khả năng bay ấn tượng lên đến 30 giờ, Anka-3 có thể hoạt động ở độ cao gần 2.000 m và bao phủ 250 km.
UAV tàng hình Anka-3. Ảnh: X
Anka-3 là một UAV mang tính cách mạng vì nó có kích thước gần bằng một máy bay chiến đấu hạng nhẹ và các đặc tính ít bị quan sát giúp nó đủ bền bỉ để chịu được các nhiệm vụ chiến đấu như tác chiến điện tử, tấn công, quan sát và chế áp và phá hủy hệ thống phòng không của đối phương.
Mẫu UAV còn lại đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này là Kizilelma hay Hệ thống máy bay chiến đấu không người lái quốc gia (MIUS). Kizilelma là máy bay phản lực chiến đấu không người lái, dự kiến sẽ thực hiện nhiều hoạt động quân sự, bao gồm hỗ trợ trên không tầm gần, tấn công bằng tên lửa, chế áp phòng không của đối phương và phá hủy phòng không của đối phương.
Kizilelma dự kiến sẽ bay trong năm giờ và di chuyển với tốc độ lên tới 800 km/giờ. Với trọng lượng cất cánh tối đa là 6 tấn, UAV này được lên kế hoạch có khả năng tải trọng 1.500 kg.
Một số máy bay được đề cập ở trên vẫn đang trong giai đoạn phát triển và chưa được đưa vào sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, chúng đại diện cho những bước tiến lớn của Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa Ankara trở thành một gã khổng lồ trong ngành hàng không vũ trụ.
Điện đàm với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan nhấn mạnh rằng các chiến binh người Kurd ở Syria không được phép...
Nguồn: [Link nguồn]
-13/01/2025 15:00 PM (GMT+7)