Bị Mỹ gạt khỏi thỏa thuận phút chót, Ukraine rơi vào thế bấp bênh

Tương lai của chương trình viện trợ mà Mỹ dành cho Ukraine đang treo lơ lửng, sau khi thỏa thuận đạt được vào phút chót để ngăn nguy cơ Chính phủ Mỹ đóng cửa không có phần dành cho Kiev.

Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng ngày 21/9. (Ảnh: AP)

Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng ngày 21/9. (Ảnh: AP)

Chỉ 1 tuần sau khi Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky đến Washington để vận động Mỹ hỗ trợ thêm, thỏa thuận đạt được vào phút chót tại Quốc hội Mỹ ngày 1/10 đã bỏ phần ngân sách dành cho Ukraine vì phản đối của nhóm cứng rắn trong đảng Cộng hòa.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và đảng Dân chủ nói rằng Mỹ có nghĩa vụ phải giúp Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Tuy nhiên, vấn đề này gây chia rẽ mạnh ở Washington đến mức số phận của chương trình viện trợ quân sự trở nên bấp bênh, vào thời điểm Kiev vẫn đang cố đạt được bước đột phá trong chiến dịch phản công trước khi mùa đông đến.

Ngày 1/10, ông Biden thúc giục Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy “dừng trò chơi” và nói rằng ông “hoàn toàn chờ đợi” ông McCarthy bảo đảm dự luật riêng về ngân sách dành cho Ukraine sớm được thông qua.

“Tôi muốn bảo đảm với các đồng minh của Mỹ, người dân Mỹ và người dân Ukraine rằng các bạn có thể dựa vào sự ủng hộ của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không bỏ đi”, ông Biden nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Nhà Trắng.

Ukraine hạ thấp tính nghiêm trọng của vấn đề, cho biết họ đang “tích cực làm việc với các đối tác Mỹ” để bảo đảm khoản viện trợ thời chiến mới được thông qua.

Quan chức phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell bày tỏ “ngạc nhiên” vì thỏa thuận phút chót và “lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ”.

“Tôi hy vọng rằng đây không phải quyết định cuối cùng và Ukraine sẽ tiếp tục nhận được ủng hộ từ Mỹ”, ông Borrell nói.

Theo nhà nghiên cứu Brett Bruen, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ, diễn biến này gửi đi một tín hiệu ra thế giới, rằng không chỉ đảng Cộng hòa mà cả một số người trong đảng Dân chủ cũng sẵn sàng hy sinh Ukraine vì chính trị.

“Điều đó chắc chắn khiến Kiev lo lắng, và tôi nghĩ Mátxcơva đang vui mừng vì những dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ dành cho Ukraine suy giảm”, nhà nghiên cứu Bruen nói.

Ukraine vốn đã phải lo lắng về khả năng cựu Tổng thống Donald Trump quay lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử năm 2024.

Ngày 30/9, các nghị sĩ hàng đầu của đảng Dân chủ tại Hạ viện cho biết họ hy vọng ông McCarthy đưa một dự luật riêng về viện trợ cho Ukraine ra bỏ phiếu vào tuần tới, dù không chắc có phải khoản 24 tỷ USD mà Tổng thống Biden đề xuất hay không.

Cuộc chiến sinh tồn của Ukraine trở thành trận đá bóng chính trị trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ. Đến nay, Quốc hội Mỹ đã thông qua tổng số 100 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm 43 tỷ USD vũ khí.

Matt Gaetz, một nghị sĩ cứng rắn của đảng Cộng hòa, đang nỗ lực loại bỏ ông McCarthy khỏi ghế Chủ tịch Hạ viện. Ông Gaetz là một trong những thành viên phản đối viện trợ thêm cho Ukraine.

Dù vượt qua được trở ngại này, ông McCarthy khẳng định rõ hôm 1/10 rằng ông sẽ dành ngân sách cho việc ngăn người di cư vượt biên giới trái phép vào Mỹ qua ngả Mexico. Đây là đòi hỏi chủ chốt của đảng Cộng hòa.

“Tôi sẽ bảo đảm vũ khí được cung cấp cho Ukraine, nhưng họ sẽ không nhận được gói lớn nếu biên giới của chúng ta không an toàn”, ông McCarthy nói trong chương trình “Face the Nation” của đài CBS.

Ngay cả khi ông McCarthy đồng ý tiếp tục viện trợ cho Ukraine, có thể bằng cách thỏa thuận với đảng Dân chủ để ông tiếp tục giữ được ghế chủ tịch Hạ viện, nhưng có một vấn đề lớn hơn: sự mệt mỏi vì chiến tranh.

Sự hoài nghi đang lan từ những nghị sĩ Cộng hòa cứng rắn sang những người ôn hòa hơn. Họ nói rằng sẽ không cấp “séc trắng” cho Ukraine.

Điều bất lợi với ông Biden và Kiev là cử tri Mỹ cũng có những mối bận tâm tương tự về Ukraine.

Một cuộc thăm dò do ABC/Washington Post thực hiện và công bố ngày 24/9 cho thấy 41% người trả lời nói rằng Mỹ đang làm quá nhiều để ủng hộ Ukraine, tăng mạnh so với tỷ lệ 33% trong tháng 2 và 14% hồi tháng 4/2022.

Một vấn đề khác là cuộc điều tra luận tội mà đảng Cộng hòa đang thực hiện nhằm vào các khoản giao dịch giữa con trai Tổng thống Biden với Ukraine.

Tổng thống Mỹ khẳng định sẽ không ”bỏ rơi” Ukraine

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 1/10 khẳng định, dòng viện trợ của Washington cho Kiev vẫn sẽ được duy trì, tìm cách trấn an đồng minh về sự ủng hộ khi cuộc chiến đang tiếp diễn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tú Linh - AP ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN