Bí mật về các vụ ám sát có chủ đích của Tình báo Israel
Cuốn sách của nhà báo Ronen Bergman “Đứng dậy và bắn đầu tiên. Câu chuyện bí mật về các vụ ám sát có chủ đích của Israel” ghi lại những vụ ám sát có chủ đích do tình báo Israel thực hiện trước khi thành lập nhà nước và suốt 70 năm tồn tại của nó.
Theo tác giả, để viết cuốn sách dày 630 trang với những phát hiện gây sửng sốt và những tuyên bố táo bạo này ông đã thực hiện 1.000 cuộc phỏng vấn, đọc và nghiên cứu vô số tài liệu chưa được công bố trước đây.
Mossad đã theo dõi Mengele năm 1962, nhưng "quyết định để yên"
Ngày 23/7/1962, các điệp viên của Mossad là Rafi Eitan và Zvi Aharoni nhìn thấy Josef Mengele, “bác sĩ tử thần” tại trại tập trung “Auschwitz” rời trang trại của y ở Sao Paulo, Brazil, cùng với các vệ sĩ. Họ định bắt cóc y và giải về Israel để xét xử như tên tội phạm chiến tranh Eichmann. Nhưng thời kỳ đó, Tổng thống Ai Cập Nasser đang tiến hành thử các tên lửa mà ông ta bí mật chế tạo, nên họ được triệu hồi về Trung Đông.
Một năm sau, người đứng đầu của Mossad, Isser Harel, từ chức, và từ đó đến năm 1977, tất cả những người đứng đầu Mossad và tất cả các thủ tướng của Israel đều ít quan tâm đến bọn tội phạm Đức Quốc xã. Vì vậy, ý kiến cho rằng trong những năm này, Mossad vẫn tiếp tục truy lùng tội phạm chiến tranh của Đức Quốc xã là hoàn toàn sai sự thật.
Bác sĩ quân y Đức Josef Mengele.
Chỉ có một ngoại lệ: Herberts Cukurs, tên tội phạm chiến tranh người Latvia bị ám sát ở Paraguay, nhưng ở đây có những lý do riêng: Herberts Cukurs đã sát hại những người thân của Aharel Yariv (người đứng đầu tình báo quân đội Israel), còn Meir Amit (người thay thế Harel) là bạn thân của Yariv... Vì vậy, có thể coi đây là một nghĩa cử đối với bạn bè.
Mọi thứ chỉ thay đổi vào năm 1977, khi Menachem Begin trở thành Thủ tướng Israel. Theo Bergman, Begin đã bí mật bắt buộc Mossad tìm bằng được Martin Bormann (chết năm 1945) và Mengele, nhưng đã quá muộn. Vào thời điểm họ bắt đầu làm việc này, Mengele đã qua đời. Cuộc săn lùng hồn ma tiếp tục thêm 10 năm nữa.
Bergman khẳng định rằng Israel có thể lặp lại với Mengele những gì họ đã làm với Eichmann trong những năm 1960. Họ truy lùng y ít nhất hai lần, nhưng rồi cuối cùng để yên… Meir Amit trực tiếp nói với Bergman: “Tôi thích đối phó với những hiểm họa hiện hữu hơn là với những bóng ma của quá khứ. Rõ ràng, lúc bấy giờ, những tên Đức Quốc xã này không gây ra bất kỳ hiểm họa nào".
Amil al Hindi, một trong những kẻ tổ chức khủng bố ở Munich.
Chuyện bịa ở Munich
Bergman khẳng định rằng những tuyên bố về việc Israel đã truy lùng và tiêu diệt tất cả những tên khủng bố Palestine đã sát hại các vận động viên Israel tại Thế vận hội Munich 1972 là “chuyện bịa”.
“Bạn có biết bộ phim của Spielberg về Munich không? Tuồng như Golda Meir (Thủ tướng Israel) gọi ai đó ở Mossad lên và nói: "Hãy giết tất cả bọn chúng". Và tuồng như đã diễn ra một phiên toàn bí mật thực sự. Không, không hề có điều đó. Đây là tin giả 100%”.
“Vụ khủng bố tại Thế vận hội Munich đã thay đổi nhiều thứ, nhưng không phải như những gì chúng ta nghĩ - ông nói thêm - Không phải Golda Meir đã ra lệnh truy tìm những kẻ khủng bố ở Munich”.
Bergman khẳng định rằng những người bị giết không liên quan gì đến Munich. Ngược lại, nhiều kẻ chịu trách nhiệm trực tiếp về các sự kiện đó - kể cả Amin al Hindi và Adnan al Ghashey - cũng đã chết một cách bình thường, những cái chết tự nhiên.
Điều duy nhất Munich đã thay đổi đối với Thủ tướng Golda Meir là trước Munich, bà không cho phép Mossad ám sát những người ở châu Âu. Sau Munich, bà cho phép họ làm điều đó.
Ariel Sharon, Tổng thống Israel từ 2001-2006.
Kem đánh răng chứa độc tố
Wadie Haddad, một trong những tên khủng bố Palestine, kẻ cầm đầu vụ cướp máy bay ở Entebbe, Uganda, năm 1976, đã bị Mossad đầu độc bằng kem đánh răng.
Mossad có thể đã tiếp xúc rất gần với Haddad và thay thế kem đánh răng của y bằng một tuýp kem đánh răng giống hệt có chứa độc tố chết người do Viện Nghiên cứu sinh học Israel ở Ness Ziona sản xuất. Bergman viết: “Mỗi lần Haddad đánh răng, một lượng nhỏ độc tố sẽ thấm vào máu qua màng nhầy của miệng và dần dần đạt đến khối lượng nguy hiểm”.
Haddad qua đời tại một bệnh viện ở Đông Đức năm 1978. Người ta kể lại rằng có những tiếng la hét phát ra từ bệnh viện do cơ quan tình báo Đông Đức (Stasi) bảo vệ, - Bergman nói.
Sau đó, “Stasi” đã thông báo cho các nhân viên tình báo Iraq và khuyên họ để mắt đến kem đánh răng của các nhà khoa học, vì có nghi ngờ rằng kem đánh răng bị nhiễm độc. Từ đó, tình báo Iraq đã ra lệnh cho các nhà khoa học đang nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử phải luôn mang theo kem đánh răng và bàn chải mỗi lần rời Iraq, tuy nhiên, vẫn có hai người bị đầu độc.
Yasser Arafat, cựu Tổng thống Palestine.
Những nghi vấn về cái chết của Yasser Arafat
Trong một lần trả lời phỏng vấn, Bergman nói: “Trong sách tôi không viết về điều này, nhưng Ehud Barak (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel) nói với tôi rằng tháng 9 năm 1981, khi trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Israel, Ariel Sharon đã triệu tập Bộ Tổng tham mưu và yêu cầu Tổng tham mưu trưởng Raful Eitan: “Hãy cho tôi biết tại sao Arafat vẫn còn sống?”.
Barak, người bấy giờ là vụ trưởng Vụ Kế hoạch của Bộ Quốc phòng Israel, nói rằng 10 năm trước, ông đã đề xuất kế hoạch ám sát Yasser Arafat, nhưng không được ủng hộ vì Arafat được coi là một chính khách. “Thì đã sao, bây giờ tôi đang thay đổi mệnh lệnh và đưa Arafat trở lại vị trí đầu tiên trong danh sách những kẻ cần loại bỏ” - Sharon trả lời gay gắt.
Chiến dịch “Dag Maluach” (Cá trích) bắt đầu, lúc đầu người ta định ám sát nhà lãnh đạo của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) trong một cuộc vây hãm Beirut. Nhưng kế hoạch này đã bị Uzi Dayan, sĩ quan kiểm tra chiến dịch “Cá trích” bác bỏ, ông ta sợ rằng một cuộc tấn công như vậy sẽ làm nhiều dân thường thiệt mạng.
Một tay súng bắn tỉa của Israel nhìn thấy Arafat và chụp một số bức ảnh trong thời gian sơ tán nhà lãnh đạo của PLO khỏi Beirut vào tháng 8/1982, nhưng Begin hứa với người Mỹ sẽ không giết ông ta. Bergman nói: “Những bức ảnh này được trao cho Đại sứ Mỹ Philip Habib để chứng minh rằng Begin đã giữ lời hứa của mình”.
Sau đó, theo Bergman, Sharon đã ra lệnh tiêu diệt Arafat trên máy bay - đôi khi ông ấy bay máy bay riêng, đôi khi bay trên các chuyến bay thương mại. Thậm chí còn có kế hoạch thực hiện một cuộc tấn công như vậy “trên biển Địa Trung Hải để không ai có thể trốn thoát và không thể tìm thấy hộp đen”, - Bergman nói.
Họ theo dõi các chuyến bay dân sự lẫn các chuyến bay tư nhân - Bergman nói. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho rằng Sharon không quan tâm chuyến bay dân sự hay tư nhân.
Bergman tin chắc rằng vụ ám sát Arafat đã không xảy ra chỉ vì có một số sĩ quan dũng cảm đã ngăn chặn nó. Họ đã phá vỡ kế hoạch và không có chuyện gì xảy ra.
Rốt cuộc, liệu có phải Sharon đã giết Arafat, người qua đời năm 2004 vì căn bệnh lạ? Trong cuốn sách, Bergman viết rằng ngay cả khi biết câu trả lời, ông cũng không thể viết về điều đó. Cơ quan kiểm duyệt quân sự cấm tôi bàn về vấn đề này. Nhưng Bergman dẫn câu nói của Sharon: “Hãy để tôi làm những gì tôi thấy cần thiết”. Ông lưu ý rằng "Cái chết của Arafat vào tháng 11/2004 diễn ra một cách kỳ lạ không lâu sau khi Israel tiêu diệt lãnh đạo tinh thần của HAMAS Sheikh Ahmed Yassin (tháng 3 cùng năm). Bergman không nghi ngờ rằng “có thể nói một cách tự tin rằng Sharon mơ ước loại bỏ Arafat”.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo “Times of Israel”, Bergman dẫn lời nhà lãnh đạo Mossad Meir Dagan nói đại ý rằng nếu người Do Thái bị giết và Sharon biết ai làm việc đó, ông sẽ không dễ dàng bỏ qua. Còn nhà viết tiểu sử của Sharon, Uri Dan, cho rằng Sharon sẽ đi vào lịch sử với tư cách là người “đã tiêu diệt Arafat mà không cần phải nhúng tay vào”.
Nhà báo Ronen Bergman.
Các vụ ám sát có chủ đích đã ngăn chặn Intifada thứ hai
Việc thực hiện các vụ ám sát có chủ đích của cơ quan tình báo Israel là yếu tố then chốt để đánh bại cuộc tấn công chiến lược của những kẻ đánh bom liều chết trong cuộc nổi dậy lần thứ hai (Intifada) của người Palestine chống lại Israel - Bergman viết.
Trong một cuộc phỏng vấn, Bergman nói: HAMAS khoe khoang rằng số tình nguyện viên của họ nhiều hơn cả số đai lưng của những kẻ đánh bom tự sát. Vì vậy, cảnh sát cần phải tiêu diệt những kẻ đứng đầu trong hệ thống phân cấp của các nhóm khủng bố. Ước tính, các tổ chức khủng bố như HAMAS, FaTaH, Tanzim… có khoảng 700 người. Đã có quyết định không cần thiết phải thủ tiêu tất cả; để làm tê liệt hoạt động của một tổ chức, chỉ cần giết hoặc làm bị thương 25% là đủ.
Theo Bergman, Sharon đồng ý với đề nghị của cơ quan tình báo Israel Shabak về việc bắt đầu các vụ ám sát có chủ đích. Avi Dichter, người đứng đầu Shabak từ năm 2000 đến 2005, được cử đến Mỹ để giải thích cho tình báo Mỹ những lý do của phía Israel. Cuối cùng, Sharon và Tổng thống George W. Bush đã thỏa thuận bí mật rằng Israel được phép tiếp tục đường lối chống khủng bố cực đoan của mình miễn là Sharon hứa đóng băng việc xây dựng các khu định cư.
Intifada thứ hai bị dập tắt bằng nhiều biện pháp khác nhau, kể cả việc triển khai quân đội vào các thành phố ở Bờ Tây trong khuôn khổ của chiến dịch “Bức tường bảo vệ”, nhưng yếu tố chính là các vụ ám sát có chủ đích.
Các vụ ám sát có chủ đích đã ngăn chặn những kẻ đánh bom liều chết. Sheikh Yassin bị giết vào tháng 3/2004, và ba tuần sau, người kế nhiệm của ông là Abdel Aziz Rantisi cũng bị giết. HAMAS rút ra kết luận rằng quả là không thể tiếp tục nữa và đề nghị ngừng bắn thông qua trung gian Ai Cập.
HAMAS tiếp tục là mối đe dọa chính đối với Israel. Sau khi Yassin bị ám sát, tổ chức khủng bố này đã thiết lập quan hệ với Iran, điều mà trước đây Yassin cấm thực hiện. Theo Bergman, điều này chứng tỏ rằng việc thủ tiêu kẻ cầm đầu khó có thể thay đổi lịch sử, như chúng ta thường nghĩ.
Nguồn: [Link nguồn]
Phát hiện phu nhân của Thủ tướng Israel có mặt tại một tiệm làm tóc, hàng trăm người biểu tình đã vây kín địa điểm này trong vài giờ. Bộ trưởng An ninh Quốc gia kêu gọi...