Bí mật “lạnh người” mới về cách Trái Đất ra đời
Thứ giúp sự sống tồn tại trên Trái Đất hóa ra có nguồn gốc từ cái chết của một loại hành tinh chưa toàn vẹn của "vùng âm u" trong hệ Mặt Trời.
Một nghiên cứu dẫn đầu bởi Đại học Heidelberg (Đức) đã đưa ra một lát cắt bất ngờ về buổi bình minh của hệ Mặt Trời, khi Trái Đất hoàn tất bước cuối cùng trong giai đoạn hình thành: Sở hữu nước - một trong những điều kiện tối quan trọng cho sự sống.
Theo SciTech Daily, một thiên thạch có tên gọi là “Flensburg” rơi xuống bề mặt Trái Đất vào ngày 12-9-2019 đã "kể chuyện".
Thiên thạch Flensburg ẩn chứa bí mật về thời kỳ Trái Đất đang hình thành - Ảnh: Carsten Jonas
Flensburg là một loại thiên thạch chondrite carbon hiếm có, chứa các khoáng chất chỉ có thể xuất hiện khi có nước.
Nó đã dẫn đường về một thiên thể mẹ đặc biệt, ra đời chỉ sau khi hệ Mặt Trời hình thành.
Đó là một loại vật thể gọi là "vi thể hành tinh", ngày nay đã không còn tồn tại.
Từ lâu, đã có lý thuyết cho rằng các vi thể hành tinh này là khởi đầu của các hành tinh ngày nay: Chúng liên tục va chạm, nát vỡ rồi kết tụ, cho đến khi thành những khối đủ lớn và ổn định, để trở thành những hành tinh thực sự.
Vào thời kỳ sơ khai của Thái Dương hệ, các vi thể hành tinh này trú ngụ ở vùng tăm tối ngoài rìa của hệ, có thể bảo tồn nước liên kết trong các tinh thể.
Các mô hình được chấp nhận rộng rãi cho thấy vào thời kỳ đó, Sao Mộc chưa thành hình hoàn toàn và di chuyển đến vị trí ngày nay, tạo ra khoảng trống không thể vượt qua giữa khu vực hệ Mặt Trời bên trong và hệ Mặt Trời bên ngoài.
Vì vậy, các vật thể nhỏ bé từ khu vực lạnh giá bên ngoài hoàn toàn có thể di chuyển sâu vào trong.
Trong quá trình kết tụ từ đĩa tiền hành tinh, Trái Đất của chúng ta đã hấp thụ những mảnh vỡ "đi lạc" từ cái chết của các vi thể hành tinh giàu nước đó.
Với vị trí thuận lợi nằm trong vùng sự sống của hệ sao, Trái Đất dễ dàng giữ lại nước ở trạng thái lỏng.
Theo bài công bố trên Scientific Reports, phát hiện này không chỉ làm rõ hơn lịch sử địa cầu mà còn đem đến những hy vọng mới về một "Trái Đất thứ hai".
Vì nguồn gốc của các vi thể hành tinh trong các hệ sao khác cũng sẽ dựa trên cùng các định luật vật lý như hệ Mặt Trời chúng ta, các nhà khoa học cho rằng cũng có thể có các hành tinh hình thành theo cách tương tự Trái Đất ở các vùng không gian khác.
Điều đó sẽ giúp chúng có thể đáp ứng các điều kiện tiên quyết cho nguồn gốc của sự sống, theo GS Mario Trieloff, đồng tác giả.
Khu vực này của Mông Cổ từng là đại dương suốt 115 triệu năm, sau khi đá sôi từ vỏ Trái Đất trỗi dậy, xé toạc một vùng rộng lớn.
Nguồn: [Link nguồn]