Bí mật kho vàng 6.000 tấn Nhật chôn giấu ở Philippines
Trong Thế chiến 2, phát xít Nhật do Thiên hoàng Hirohito chỉ đạo đã vơ vét của cải tại các nước châu Á, vị trí của một số kho báu vẫn còn là điều bí mật đến tận ngày nay, trong đó có kho vàng 6.000 tấn ở Philippines.
Ảnh minh họa.
Tờ Daily Mail mới đây đưa tin, những thợ săn kho báu Philippines đã cho nổ mìn, mở đường vào một hang động ngập nước. Bên dưới lớp bùn trong hang động là các thỏi vàng mà những thợ lặn này tin rằng, đây là số vàng nằm trong kho báu Yamashita huyền thoại.
Video thợ săn kho báu Philippines phát hiện ra số vàng trong hang động ngập nước.
Theo L’Express, sau khi Thế chiến 2 kết thúc, hai nhà báo người Mỹ Sterling Seagrave và Peggy Seagrave đã mở cuộc điều tra suốt 18 năm về bí mật kho báu khổng lồ mà quân đội Nhật vơ vét trong Thế chiến 2. Thông tin về quá trình điều tra này được hai nhà báo viết trong cuốn sách “Chiến binh vàng” (Gold Warriors) xuất bản năm 2002.
Kế hoạch Kim Bách Hợp
Suốt những năm reo rắc nỗi sợ hãi ở châu Á trong Thế chiến 2, phát xít Nhật đã thực hiện kế hoạch bí mật mang tên “Kim Bách Hợp” (Golden Lily). Kế hoạch do hoàng thân Yasuhito, em trai của Nhật hoàng trực tiếp chỉ huy.
Mục đích của kế hoạch là vơ vét toàn bộ của cải tại các nước châu Á và vận chuyển về Nhật để phát triển kinh tế và nền công nghiệp phục vụ chiến tranh. Các sử gia ước tính số vàng mà quân Nhật cướp bóc có thể lên tới 100.000 đến 300.000 tấn.
Kế hoạch được triển khai một cách toàn diện trên mọi lĩnh vực. Lực lượng tình báo trinh sát được tung đi các nơi để dò xét tình hình, địa điểm cụ thể và những nơi có nhiều của cải. Nhật hoàng còn điều một lượng lớn các chuyên gia giám định vàng bạc, cổ vật sang để phân loại của cải.
Ước tính chỉ trong vài năm, phát xít Nhật được cho là đã vơ vét được vô số của cải, từ hàng nghìn tấn vàng ở Trung Quốc, tượng phật cổ quý hiếm ở Myanmar cho đến đá quý ở Indonesia và đồ gốm ở Triều Tiên.
Quân đội Nhật tại một ngôi làng ở ngoại ô Thượng Hải, Trung Quốc, năm 1937. Ảnh: L'Epress.
Theo số liệu thống kê, quân Nhật đã tịch thu được 6.000 tấn vàng chỉ riêng ở thành phố Nam Kinh (Trung Quốc), chưa kể các báu vật khác. Số vàng này được nấu chảy rồi đúc khuôn thành những thỏi vàng và vận chuyển về Nhật.
Sau trận Midway năm 1942 với chiến thắng quyết định thuộc về phe Đồng Minh, sức mạnh của Nhật trên biển đã suy giảm đáng kể. Kết quả là các tàu ngầm Đồng Minh dễ dàng làm gián đoạn tuyến đường biển vận chuyển của cải của Nhật. Phát xít Nhật chuyển sang chôn giấu kho báu tại chính các nước châu Á và dự định sẽ tìm cách vận chuyển về “chính quốc” sau.
Ở Việt Nam, có tin đồn rằng núi Tàu là nơi chôn giấu kho báu 4.000 tấn vàng của phát xít Nhật trong Thế chiến 2.
Kho báu Yamashita
Dưới sự giám sát của các thành viên hoàng gia, tướng Yamashita Tomoyuki, tư lệnh phát xít Nhật ở Philippines được giao nhiệm vụ xây dựng các hầm ngầm cất giữ của cải bí mật trong lòng đất.
Khi quân Mỹ siết chặt vòng vây ở Philippines vào tháng 6.1945, cách doanh trại quân Nhật chỉ vài chục km, công tác chôn giấu kho vàng ở ngoại ô thành phố Bambang đã hoàn tất.
Quân Nhật tổ chức bữa tiệc linh đình xung quanh những cột vàng chất đống. Đến nửa đêm, tướng Yamashita và các thành viên hoàng gia Nhật Bản bí mật rời khỏi căn hầm và kích nổ những quả mìn đặt ở lối vào. Toàn bộ, kỹ sư và công nhân làm việc suốt hàng tháng trời đều bị chôn sống. Kế hoạch thủ tiêu tương tự cũng xảy ra ở tất cả các địa điểm chôn giấu khác
Ben Valmores, nô bộc của hoàng tử Takeda Tsuneyoshi là người duy nhất may mắn thoát chết nhờ chủ nhân cho thoát ra ngoài trước khi những quả mìn phát nổ. “Hoàng tử Takeda Tsuneyoshi đã cứu và đưa tôi ra khỏi Hầm số 8 trước khi những trái mìn phát nổ”, ông Ben nói.
Tướng Yamashita Tomoyuki, tư lệnh phát xít Nhật ở Philippines.
Hoàng thân Nhật sau đó được tàu ngầm bí mật đến đón, đưa về nước. Chiến tranh kết thúc cũng là thời điểm tướng Yamashita đầu hàng quân Đồng minh. Ông bị tòa án binh Mỹ xử tử vì ngày 23.2.1946 vi phạm tội ác chiến tranh. Trong suốt khoảng thời gian bị bắt giữ, Yamashita không hề tiết lộ một lời nào về kho báu mà mình tự tay chôn giấu.
Dựa trên thông tin tình báo và những kế hoạch xây dựng quy mô của tướng Yamashita, quân đội Mỹ biết chắc rằng, phát xít Nhất chôn giấu số lượng của cải khổng lồ ở Philippines. Quá trình điều tra đến tháng 10.1945 thì đem lại một số kết quả.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Harry S Truman khi đó đã ra lệnh bí mật khai quật khu vực khả nghi, Theo thông tin mà hai nhà báo Mỹ tiết lộ, số của cải mà quân đội Mỹ tìm thấy ở hầm vàng Santa ước tính lên tới vài chục tỷ USD. Trong khi đó, tổng số của cải phát xít Nhật chôn giấu trong 145 đường hầm và hang động bí mật mà hai nhà báo thống kê, có thể lên đến hàng nghìn tỷ USD.
Chính quyền Mỹ dùng kho vàng bạc, châu báu để thiết lập quỹ bí mật phục vụ các hoạt động tình báo chống lại Liên Xô trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh. Sau này, CIA cũng từng dùng quỹ này để tài trợ cho lực lượng đối lập tấn công chính phủ Nicaragua. Vụ bê bối này bị phanh phui dưới thời Tổng thống Mỹ Ronald Reagan.
Cố Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos từng tuyên bố sở hữu khối tài sản khổng lồ nhờ kho báu Yamashita.
Bên cạnh đó, trong thời gian nắm quyền ở Philippines, cố Tổng thống Ferdinand Marcos tuyên bố sở hữu khối tài sản khổng lồ nhờ đào kho vàng Yamashita. Ông Marcos bị phế truất năm 1986 và phải chạy sang Hawaii sống lưu vong.
Năm 1992, bà góa phụ Imelda Marcos tái xác nhận chồng bà đã tìm được 4.000 tấn vàng từ kho vàng Yamashita.
Kho vàng Yamashita là chủ đề của một vụ kiện phức tạp được đệ trình lên tòa án Hawaii vào năm 1988. Vụ tranh chấp diễn ra giữa cựu Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos và thợ săn kho báu Rogelio Roxas kết thúc năm 1996 với phán quyết buộc gia đình Marcos phải bồi thường số tiền lên tới 40 tỷ USD.
Tòa án Hawaii cho đến nay là cơ quan duy nhất công nhận sự tồn tại của kho báu Yamashita, theo L’Express.