Bí mật địa điểm Đức huấn luyện lính Ukraine sử dụng vũ khí phòng không mạnh bậc nhất
Thông tin đào tạo lính Ukraine sử dụng hệ thống phòng không IRIS-T bị Đức giữ kín, không “quảng cáo” rầm rộ như các khóa dạy điều khiển xe tăng Leopard 2.
Hệ thống IRIS-T của Đức (ảnh: DW)
Trong một khu rừng hẻo lánh ở Đức, tránh xa những con mắt tò mò, khoảng 40 binh sĩ Ukraine đang học cách sử dụng IRIS-T – hệ thống phòng không mạnh bậc nhất phương Tây do Đức sản xuất.
Được trang bị radar 360 độ, IRIS-T có khả năng bắn hạ mục tiêu ở tầm cao 20km, tầm xa khoảng 40km. Thời gian thiết lập radar của IRIS-T được rút ngắn 1/3 so với hệ thống phòng không Patriot (do Mỹ sản xuất). Đây là yếu tố quan trọng, bởi mọi hệ thống phòng không sẽ bị lộ vị trí ngay sau khi bật radar, theo Reuters.
IRIS-T là một trong những vũ khí hiện đại nhất phương Tây từng cung cấp cho Ukraine. Kiev cũng tin rằng, IRIS-T có thể ngăn chặn hiệu quả các đòn không kích của quân đội Nga.
“Nhiệm vụ chính của chúng tôi là học cách sử dụng càng nhanh càng tốt để quay lại chiến trường”, Myckhailo, binh sĩ Ukraine, nói với Reuters.
Myckhailo 45 tuổi, đã phục vụ quân đội Ukraine trong 27 năm.
“Chỉ huy của chúng tôi cho biết, IRIS-T đã bắn trúng 51/51 mục tiêu. Đây là tỷ lệ đánh chặn 100%”, Anatolii – binh sĩ Ukraine – nói, lưu ý rằng quân đội nước này cần ít nhất 12 hệ thống IRIS-T để phòng thủ các vị trí quan trọng.
Đến nay, Đức mới chỉ gửi cho Ukraine 1 hệ thống IRIS-T. Đức tuyên bố sẽ viện trợ Ukraine 4 hệ thống IRIS-T.
Theo Reuters, quân đội Đức từng tổ chức các sự kiện lớn để giới thiệu chương trình dạy điều khiển xe tăng Leopard 2 cho binh sĩ Ukraine. Tuy nhiên, Đức hạn chế việc báo giới đưa tin về các khóa đào tạo IRIS-T.
“Nga coi IRIS-T là hệ thống phòng không hiện đại và là vũ khí thay đổi cục diện chiến trường. Trong khi thông tin về Leopard 2 đã bị Nga nắm được từ lâu”, một sĩ quan Đức cho hay.
Xe chở hệ thống IRIS-T đến vị trí binh sĩ Ukraine huấn luyện bí mật (ảnh : Rreuters)
3 phóng viên Reuters tiếp cận địa điểm binh sĩ Ukraine học điều khiển IRIS-T được quân đội Đức yêu cầu không tiết lộ vị trí. Họ phải nộp điện thoại, đồng hồ để tránh bị định vị hoặc nghe lén.
Các binh sĩ Ukraine ở Đức cho hay, vận hành IRIS-T khó hơn rất nhiều so với các hệ thống phòng không cũ như S-300 hay Buk.
IRIS-T có rất nhiều nút bấm và không thể điều khiển nó bằng cách chỉ “bật và tắt công tắc”, một sĩ quan Đức cho hay.
Dmytro – binh sĩ Ukraine – chia sẻ, ở khu huấn luyện, việc nhìn thấy hay nghe thấy máy bay là “bất thường”. Nhưng ở Ukraine, nơi không phận bị quân đội Nga kiểm soát, “bất cứ thứ gì bay trên trời” cũng đều có thể gây nguy hiểm đối với lực lượng Ukraine.
Nguồn: [Link nguồn]
Một công ty Séc chuyên sản xuất vũ khí bơm hơi, bao gồm cả mô hình pháo phản lực HIMARS và xe tăng Abrams M1 do Mỹ sản xuất, tiết lộ, các đơn đặt hàng đã tăng đột biến kể...