Bí mật bên trong các viện bảo tàng của CIA và NSA
Hai trong số các cơ quan tình báo lớn nhất của Mỹ: CIA và NSA vừa cải tạo, nâng cấp toàn diện các bảo tàng gián điệp của họ, nơi trưng bày những câu chuyện đáng chú ý về các điệp viên và người cung cấp thông tin, cũng như tất cả các vật dụng cần thiết để hoạt động trong lĩnh vực tình báo. Nhưng một trong hai bảo tàng này vẫn sẽ luôn đóng chặt cửa đối với đông đảo công chúng và nó chỉ dành riêng cho các điệp viên của mình...
Một con chuột chết chứa các thông điệp bí mật
Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập, CIA đã sửa sang và tân trang lại viện bảo tàng bí ẩn của mình. Ở đây có trưng bày các phương tiện hoạt động gián điệp đã được kiểm nghiệm là rất hiệu quả (ví dụ: một con chuột chết, trong bụng chứa các thông điệp được che giấu), và những phương tiện khác có vẻ ít tác dụng hơn (máy ảnh gắn trên chim bồ câu, một máy bay không người lái mini được thiết kế để bay như một con chuồn chuồn trong hoạt động gián điệp).
Gian trưng bày về cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân ở Cuba vào năm 1962 trong Bảo tàng CIA.
Hầu hết các hiện vật được trưng bày rất hấp dẫn, dàn dựng đẹp mắt và gắn với các hoạt động tình báo quan trọng trong quá khứ. Tuy nhiên, bảo tàng CIA nằm trong khuôn viên được canh gác cẩn mật của cơ quan tại trụ sở chính ở Langley, Một địa điểm không mở cửa cho công chúng - trừ khi họ là khách được mời đến tham quan đại bản doanh của CIA.
Hầu hết các hiện vật trưng bày đều có mục đích tôn vinh những thành công của cơ quan này. Chẳng hạn Bảo tàng CIA cung cấp mô hình nơi ẩn náu của Osama bin Laden ở Pakistan và một viên gạch lấy về từ địa điểm này. Bạn cũng có thể chiêm ngưỡng các tác phẩm của tác giả truyện tranh nổi tiếng Jack Kirby, được CIA sử dụng để ngụy trang cho đoàn quay phim giả ở Iran trong chiến dịch giải phóng các nhà ngoại giao bị bắt làm con tin vào năm 1979. Và cũng có những bộ đồ dành cho những người lặn xuống vực sâu của đại dương để tìm kiếm xác tàu ngầm Liên Xô mang tên lửa hạt nhân.
Mô hình đường hầm đi ngầm ở Đông Berlin, một công trình hợp tác giữa hai cơ quan tình báo CIA và MI-6 cho phép CIA nghe lén mọi cuộc điện thoại của Liên Xô trong 18 tháng.
Đường hầm Đông Berlin
Chúng ta cũng có thể chiêm ngưỡng mô hình đường hầm đi ngầm dưới đất ở Đông Berlin, phương tiện đã cho phép Hoa Kỳ nghe lén các liên lạc của Liên Xô trong khoảng 18 tháng. Các bộ sưu tập thậm chí còn được cập nhật rất nhanh chóng: ví dụ như mô hình của tòa nhà ở Kabul, nơi Ayman Al-Zawahiri, thủ lĩnh của Al-Qaeda, bị hạ sát bởi một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ vào tháng 7/2022. Trước đó CIA đã trình mô hình này cho Tổng thống Biden để ông và Hội đồng An ninh nghiên cứu và chọn lựa phương án xử lý.
Có lẽ vì lý do công chúng không được phép tiếp cận bảo tàng nên CIA cũng không ngần ngại trưng bày ở đây những hiện vật kể về những thất bại của mình: các điệp viên bị chính phủ nước ngoài bắt giữ, những kẻ phản bội bán đứng nguồn cung cấp tin, những đánh giá sai lầm trong cuộc chiến ở Iraq, Vịnh Con lợn (ở Cuba, tháng 4/1961)… Robert Byer, Giám đốc Bảo tàng CIA, giải thích: “Bảo tàng này chủ yếu dành cho các đặc vụ của chúng tôi, để họ có thể học hỏi từ quá khứ. Vì lý do này, chúng tôi không thể chỉ nhắc lại lịch sử và làm nổi bật những thành công của mình. Chúng tôi thực sự cần đảm bảo rằng việc trình bày lịch sử của CIA là đầy đủ và toàn diên, để các điệp viên có thể hiểu được lịch sử của cơ quan họ và kết quả là hoạt động có hiệu quả hơn”.
Robert Byer, Giám đốc Bảo tàng CIA, khẳng định rằng, nhiệm vụ của ông là đem lại cho các đặc vụ CIA những bài học quý giá từ quá khứ.
Bảo tàng mật mã
Trong khi CIA chịu trách nhiệm thu thập, phân tích thông tin tình báo và tiến hành các hoạt động bí mật, Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) lại tập trung vào việc đánh chặn liên lạc điện tử, thiết kế và bẻ khóa mật mã. Những hoạt động này cũng là phần trọng tâm được trưng bày tại Bảo tàng Mật mã Quốc gia của NSA ở Annapolis Junction, Maryland.
Bảo tàng Mật mã Quốc gia đóng cửa vào năm 2020 trong bối cảnh đại dịch COVID-19, và Vince Houghton, nhà sử học và người phụ trách Bảo tàng Gián điệp Quốc tế nổi tiếng ở Washington, đã tận dụng thời gian đó để cải tạo tòa nhà và lục lọi cẩn thận kho thiết bị của NSA.
Sau khi được tân trang, bảo tàng đã mở cửa trở lại vào ngày 8/10/2022, giới thiệu một số đồ vật độc đáo từ bộ sưu tập phong phú các máy mã hóa và giải mã, chúng rất kỳ lạ và vô cùng lôi cuốn. Xuất hiện từ thời Thế chiến thứ hai, đó là cỗ máy đã phá vỡ hệ thống mã hóa của ngành ngoại giao Nhật Bản và một cỗ máy khác đã đánh bại các phương pháp mã hóa của người Đức để đọc các thông tin mã hóa được truyền đi từ tàu Kriegsmarine của Đức. Ngoài ra trong các tủ trưng bày hiện vật còn có cả cỗ máy Enigma đã từng được Adolf Hitler sử dụng, với những cỗ máy này và những hiện vật khác, khách tham quan luôn có thể chạm tay vào và vận hành chúng.
Giám đốc bảo tàng NSA, Vince Houghton đã chỉ ra rằng tất cả các đối tượng được trưng bày phải đáp ứng ít nhất một trong ba tiêu chí: là đối tượng cuối cùng còn tồn tại thuộc vào thể loại đó; hoặc ngược lại - là sản phẩm đầu tiên của một thể loại; trường hợp thứ 3 thì chúng phải là những công cụ đã được sử dụng bởi một nhân vật nổi tiếng nào đó. “Tôi gọi đó là bộ ba triển lãm thần thánh” - ông nói.
Khu nhà phức hợp tại Kaboul, Afghanistan, nơi Ayman al-Zawahri ẩn náu và bị giết chết trong một cuộc tấn công tên lửa tháng 7 vừa qua tại Bảo tàng CIA.
Bảo tàng NSA sau khi tân trang vẫn giữ đúng sứ mệnh của mình, đó là giải thích về mật mã học cho nhiều đối tượng. Bảo tàng cũng là nơi ghi nhận những tổn thất mà NSA đã từng phải gánh chịu: một đài tưởng niệm và các hiện vật trưng bày để kể về các nhà mật mã học đã hy sinh trong các cuộc chiến.
Nhưng ở đây không có nhiều điều kể về những kẻ phản bội. Chỉ có một chiếc tủ trưng bày các công cụ được sử dụng bởi John Walker, một sĩ quan cấp thấp của Hải quân Mỹ và là điệp viên Liên Xô, đã tìm cách đánh cắp mật mã của Mỹ để chuyển chúng cho người Nga.
Hiện vật ở đây cũng không có đề cập đến Edward Snowden, đặc vụ NSA đã làm rò rỉ nhiều bí mật của cơ quan trước khi anh ta trốn sang Nga. (vụ Snowden vẫn đang là đối tượng của một cuộc điều tra của Bộ Tư pháp, nên bảo tàng có rất ít cơ hội để thảo luận về nó).
“Điệp viên trị giá 3 tỷ USD”
Tại Bảo tàng CIA, người ta đã trưng bày rất nhiều hiện vật liên quan tới những “điệp vụ” đã kết thúc trong thất bại bi thảm của CIA. Chẳng hạn như những câu chuyện về các nhân viên CIA bị buộc tội nhầm là gián điệp, những tổn thất do các con “chuột chũi” Liên Xô nằm vùng trong CIA và các cơ quan tình báo khác của Mỹ gây ra.
Các điệp viên CIA đã nhận ra rằng, xác những con chuột chết làm nơi cất giấu các thông điệp bí mật rất thuận tiện.
Trường hợp nổi bật là Adolf Tolkatchev, một kỹ sư hàng không chuyên về thiết bị điện tử trên tàu. Tức giận vì cha mẹ vợ ông ta từng là nạn nhân của những cuộc đàn áp vào thời Stalin, Tolkatchev đã nhiều lần chủ động liên lạc với CIA để cung cấp tin tức bí mật cho họ. Năm 1978, ông ta đã kết nối thành công với người Mỹ và bằng cách sử dụng loại máy ảnh trang bị cho điệp viên, Tolkatchev đã chuyển cho Mỹ nhiều bí mật của Nga, những thông tin tình báo vô giá và đã giúp nâng cao hiểu biết của Washington về tên lửa và máy bay chiến đấu của Liên Xô. Do đó người Mỹ đã gọi Tolkatchev là "điệp viên 3 tỷ USD".
Câu chuyện của Adolf Tolkatchev đã kết thúc một cách tồi tệ. Các “con chuột chũi” Aldrich Ames và Edward Lee Howard, những nhân viên CIA từng làm việc cho người Nga, đã tiết lộ danh tính của ông ta. Bị bắt vào tháng 6/1985, Tolkatchev bị hành quyết vào năm 1986.
Theo Robert Byer, Giám đốc Bảo tàng CIA: “Nhiệm vụ của chúng tôi là phải đảm bảo rằng phiên bản lịch sử mà chúng tôi thể hiện phải vượt lên trên cả sự sự tôn vinh. Các viện bảo tàng cần phải thể hiện đúng sự thật”.
Nguồn: [Link nguồn]
Nằm trong khuôn viên của trụ sở chính tại Langley, bang Virginia, bảo tàng Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) không mở cửa rộng rãi cho công chúng tham quan và việc tiếp cận chỉ giới...