Bi kịch của người sống sót trong tai nạn máy bay khiến 156 người tử vong
Đã 32 năm kể từ sau thảm họa hàng không kinh hoàng nhất trong lịch sử Mỹ, nỗi đau, cảm giác tội lỗi vẫn dày vò người sống sót duy nhất cho đến tận ngày hôm nay.
Đã 32 năm kể từ ngày xảy ra thảm kịch máy bay rơi, Cecelia luôn bị ám ảnh, dằn vặt vì mình là người sống sót duy nhất.
“Đứa trẻ kỳ diệu” của nước Mỹ
Ngày 16.8.1987, chuyến bay 255 của hãng Northwest Airlines cất cánh từ sân bay Wayne County , ở Romulus, Michigan, chuẩn bị tới Phoenix, Arizona thì phát nổ. Vụ tai nạn khiến 156 người thiệt mạng, trong đó có 2 người dưới mặt đất. Đây được xem là một trong những thảm họa hàng không kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Cecelia Cichan, 36 tuổi, được mệnh danh là "đứa trẻ kỳ diệu" sau khi được một người lính cứu hộ đưa ra khỏi đống đổ nát sau thảm kịch. Khi vụ tai nạn xảy ra, Cecelia mới chỉ là một bé gái 4 tuổi.
Người ta tin rằng cô sống sót được là nhờ người mẹ dùng cả thân mình để che cho con gái. Cả gia đình Cecelia bao gồm mẹ Paula, bố Michael và anh trai David, khi ấy mới 6 tuổi, đều đã thiệt mạng trong chuyến bay định mệnh này. Họ lên máy bay trở về nhà sau kỳ nghỉ của gia đình.
Thi thể các nạn nhân nằm rải rác trên đường cao tốc. Đây được xem là vụ rơi máy bay đáng sợ nhất lịch sử Mỹ.
Đứa trẻ 4 tuổi Cecelia được kéo ra khỏi hiện trường trong tình trạng thương tích nghiêm trọng, xương sọ bị vỡ, xương đòn và chân bị gãy, các chi bị bỏng độ 3. Cô bé đã trải qua 4 lần phẫu thuật ghép da để điều trị những vết bỏng ở cánh tay và chân.
Tại thời điểm ấy, vụ tai nạn máy bay gây chấn động toàn thế giới. Nạn nhân sống sót duy nhất xuất hiện khắp các trang bìa tạp chí và nhận được vô vàn quà tặng từ những người xa lạ. Hơn 2.000 món quà và 30.000 tấm card đã được gửi tới trung tâm Y tế của ĐH Michigan, nơi Cecelia điều trị và chúng được phân phát cho các bệnh viện nhi đồng quanh khu vực. Gia đình Cecelia cũng đã lập một quỹ ủy thác sau khi cô bé nhận được hơn 150.000 USD tiền ủng hộ.
Sau 7 tuần điều trị, cô bé được dì ruột Rita và chú Franklin Lumpkin đưa đến Birmingham, Alabama nuôi dưỡng, tránh cho bé không bị chú ý. Do đó, Cecelia lớn lên và dần lãng quên thảm kịch mình đã trải qua.
Cả gia đình Cecelia có mặt trên chuyến bay định mệnh đều qua đời, chỉ riêng cô bé sống sót.
Sống trong đau khổ, dằn vặt mỗi ngày
Trong bộ phim tài liệu có tên "Người sống sót duy nhất", Cecelia đã quyết định kể lại câu chuyện của mình bao gồm ký ức về ngày thảm họa và quãng thời gian cô phải vật lộn với cuộc sống sau này. Trước đó, cô chưa bao giờ nói chuyện công khai về vụ tai nạn, về hình xăm máy bay nhỏ trên cổ tay trái để nhắc nhở mình về thảm kịch ám ảnh cô "mỗi ngày".
Cecelia nói rằng cô quyết lên tiếng bởi bộ phim tài liệu này là một dự án nhóm và cô muốn làm điều gì đó ý nghĩa hơn để mọi người hiểu hơn về cuộc sống của những người sống sót duy nhất sau một thảm họa.
Người đàn ông kéo cô ra khỏi xác máy bay hơn 20 năm trước, lính cứu hỏa John Thiede, kể lại: "Tôi nghe thấy tiếng khóc yếu ớt như thể phát ra từ một con búp bê. Nhìn sang phải, tôi thấy một cánh tay, hơi cong gập xuống, nhô ra từ ghế".
Ban đầu người ta cho rằng Cecelia là một nạn nhân trên mặt đất cho đến khi ông của cô đến nhận cháu nhờ chiếc răng cửa bị gãy.
Bác sĩ Jai Prasad, người đứng đầu nhóm chăm sóc cho Cecelia khi ấy nói rằng: "Cô bé hiểu mình đã mất cả cha lẫn mẹ, cả anh trai nữa. Bé biết mình có liên quan tới vụ tai nạn này. Nhưng cô bé không còn nhớ nó xảy ra như thế nào nữa".
Cecelia xăm hình chiếc máy bay nhỏ ở cổ tay để nhắc nhở mình về thảm kịch.
Kể từ đó, Cecelia đã giữ liên lạc với gia đình của các nạn nhân chết trong thảm kịch 1987, kể cả trung úy Thiede, người đã cứu cô.
"Tôi nghĩ về vụ tai nạn mỗi ngày. Thật khó để không nghĩ về nó mỗi khi tôi nhìn vào gương. Tôi có rất nhiều sẹo, ở trên cánh tay, trên chân và cả trán", Cecelia nói.
Mặc dù không còn nhớ vụ tai nạn xảy ra như thế nào nhưng Cecelia biết thời điểm mình nhận thức được sự việc. "Khi tôi nhận ra mình là người duy nhất sống sót trong vụ tai nạn ấy, có lẽ tôi đang học cấp hai hoặc cấp ba. Lúc ấy đang ở tuổi thiếu niên và còn mơ hồ, điều đó chỉ khiến tôi thêm căng thẳng. Tôi nhớ cảm giác giận giữ và tội lỗi của người sống sót. Tại sao không phải là anh tôi sống, sao không phải ai khác? Tại sao lại là tôi?", Cecelia nói.
Sẽ có người cho rằng sống sót sau một vụ rơi máy bay là điều may mắn, nhưng mỗi ngày trôi đi, Cecelia luôn tự vấn “Tại sao lại là mình?”
Đối với những người sống sót sau tai nạn máy bay, họ sẽ phải trải qua một cuộc đấu tranh suốt đời để hiểu lý do tại sao mình lại sống còn những người khác bị diệt vong. Theo đạo diễn phim "Người sống sót duy nhất", Ky Dickens, được là người còn sống duy nhất sau một thảm kịch, đó vừa là phước lành, vừa là gánh nặng.
"Điều quan trọng nhất mà mọi người rút ra được từ bộ phim là những người sống sót thực sự cũng là nạn nhân. Có một nhận thức sai lầm là nếu bạn sống sót sau điều gì đó, bạn thật may mắn. Nhưng cuộc sống của họ đã bị thay đổi mãi mãi. Họ sẽ không dễ dàng để tiếp tục sống, họ không cảm thấy điều đấy là may mắn".
Cecelia hiện đã kết hôn và sống hạnh phúc bên chồng. Cô học về nghệ thuật trị liệu và vẫn thường xuyên đi máy bay. Trong cuộc đấu tranh với thảm kịch trong quá khứ, Cecelia đã kiểm soát và biến nó trở thành chiến thắng trong cuộc sống của chính mình.
Thảm kịch 255 Chuyến bay 255 của hãng hàng không Northwest Airlines phát nổ không lâu sau khi cất cánh lúc 20h46 ngày 16.8.1987. Chiếc máy bay chở 154 người, rời sân bay Wayne County ở Romulus, Michigan và đang trên đường đến sân bay quốc tế Sky Harbor ở Phoenix, Arizona. Ngay sau khi rời khỏi đường băng, chiếc máy bay bắt đầu liệng từ bên này sang bên kia và đâm vào cột đèn. Cú đâm khiến cánh trái máy bay bị gãy, nhiên liệu trong cánh bùng cháy. Sau đó, chiếc máy bay nghiêng mạnh về phía bên phải, cánh xé toạc nóc một tòa nhà để xe. Phi công hoàn toàn mất kiểm soát, con chim sắt khổng lồ đâm vào những chiếc ô tô trên đường cao tốc gần đó và vỡ tan trước khi đâm vào cầu vượt, bốc cháy ngùn ngụt. Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia xác định vụ tai nạn có khả năng là do phi hành đoàn đã không kiểm tra các bộ phận của cánh máy bay, đặc biệt là những bộ phận kiểm soát tốc độ và góc cất cánh. Đồng thời, việc bị thiếu điện cũng khiến hệ thống cảnh báo trên máy bay không được kích hoạt. |
Bị gãy tay, choáng váng nhưng cô bé 10 tuổi này đã may mắn trở thành người sống sót duy nhất trong một vụ tai nạn máy...