Bỉ: Hàng nghìn người biểu tình phản đối giá năng lượng tăng cao
Hàng nghìn người đã tụ tập tại thủ đô Brussels (Bỉ) để phản đối việc giá điện, khí đốt tự nhiên và thực phẩm tăng vọt và kéo theo giá sinh hoạt phí tăng cao.
Ngày 21-9, hàng nghìn người dân đã tụ tập tại thủ đô Brussels (Bỉ) để phản đối việc giá điện, khí đốt tự nhiên và giá thực phẩm tăng vọt kéo theo sinh hoạt phí tăng cao, theo hãng tin AP.
Các liên đoàn lao động và cảnh sát thành phố Brussels cho biết có khoảng 10.000 người đã tham gia biểu tình.
Cuộc biểu tình ở trung tâm thủ đô Brussels (Bỉ) ngày 21-9. Ảnh: AP
Người dân từ khắp đất nước tụ tập, tuần hành trên các con đường với các biểu ngữ có nội dung như: “Cuộc sống quá đắt đỏ, cần phải có giải pháp ngay bây giờ”, “Mọi thứ đang tăng lên ngoại trừ tiền lương của chúng tôi”, “Hãy đóng băng giá cả, đừng đóng băng con người”,...
Những cuộc biểu tình làm gián đoạn hoạt động giao thông trong thành phố.
Những người biểu tình cầm biểu ngữ và bóng bay trong cuộc biểu tình ở trung tâm thủ đô Brussels (Bỉ) ngày 21-9. Ảnh: AP
Cuộc biểu tình ở trung tâm thủ đô Brussels (Bỉ) ngày 21-9. Ảnh: AP
Theo một cuộc thăm dò trên phương tiện truyền thông Bỉ tuần này, 64% người được hỏi lo ngại rằng họ có thể không đủ khả năng chi trả hóa đơn điện và khí đốt, vốn đã tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái, trong khi 80% cho biết họ đang cố gắng tiết kiệm năng lượng và nước.
Ông Pascal Kraeso - một người biểu tình đến từ Brussels cho biết: “Đồ tạp hóa giờ đây đắt hơn 20 đến 30 euro so với lúc trước, một số cửa hàng thậm chí còn bán với giá cao hơn”.
Những người biểu tình mang theo những con gà nhựa trụi lông ám chỉ việc tăng giá khiến cuộc sống của người dân vô cùng khốn đốn. Ảnh: AP
Các liên đoàn lao động mang theo bóng bay trong biểu tình ở trung tâm thủ đô Brussels (Bỉ) ngày 21-9. Ảnh: AP
Tháng trước, Thủ tướng Bỉ - ông Alexander de Croo đã cảnh báo rằng 5 đến 10 mùa đông tới vẫn sẽ khó khăn vì giá điện và khí đốt tăng cao do chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Ngày 26-7, tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cam kết cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt bắt đầu từ tháng 8-2022 đến hết tháng 3-2023.
Các bộ trưởng năng lượng của EU sẽ nhóm họp vào tuần tới để thảo luận về cuộc khủng hoảng năng lượng.
Chưa giải quyết xong bài toán năng lượng với Nga, Liên minh châu Âu phải đối mặt với nhiều thách thức bên trong khối, như biểu tình và nguy cơ chia rẽ nội bộ.
Nguồn: [Link nguồn]