Bỉ chế bia thành công từ… nước tiểu
Tham vọng lớn lao của dự án là đặt máy công suất lớn ở những khu vực đông người sử dụng toilet như nhà ga, sân bay.
Bia được chế từ nước tiểu an toàn với người sử dụng.
Một nhóm các nhà khoa học Bỉ đã chế tạo thành công một thiết bị chạy bằng năng lượng mặt trời có thể biến nước tiểu thành nước uống được, thậm chí là bia. Đây là quy trình họ gọi tên “nước thải thành bia”, một nỗ lực nhằm cách mạng hóa quy trình xử lý chất thải ở những quốc gia đang phát triển và vùng hẻo lánh.
Các nhà khoa học từ đại học Ghent đã thử nghiệm thiết bị này tại một festival âm nhạc 10 ngày ở trung tâm thành phố Ghent với khẩu hiệu “Đi tè vì khoa học”. Sau khi thu được 1.000 lít nước tiểu, các nhà khoa học sử dụng chính nguồn nước này để chế thành bia.
“Chúng tôi biến nước tiểu thành nước uống được hoặc thành bia chỉ bằng quy trình hết sức đơn giản”, nhà nghiên cứu Sebastian Derese trả lời Reuters.
Có rất nhiều cách khác nhau để xử lý nước thải, tuy nhiên cách thức của các nhà khoa học Bỉ được khẳng định là tiết kiệm nhiên liệu và ứng dụng được ở những vùng không có điện.
Theo đó, nước tiểu được thu vào các bình chứa lớn rồi đun sôi trong lò chứa chạy bằng năng lượng mặt trời. Qua tấm màng lọc đặc biệt, các chất cặn và độc hại được tách ra khỏi nước.
Theo Derese, mục đích sâu xa của dự án là lắp đặt một máy lọc nước công suất lớn phục vụ những nơi như nhà ga, sân bay. Nhóm phát triển hy vọng có thể áp dụng ý tưởng này tại vùng hẻo lánh ở các nước đang phát triển để người dân có thể sử dụng nguồn nước an toàn hơn.