Bí ẩn kho báu 750 tấn vàng của đế chế Inca
Huyền thoại 750 tấn vàng của đế chế Inca xuất hiện từ thời người Tây Ban Nha xâm chiếm Nam Mỹ, dẫn đến hàng loạt các cuộc thám hiểm trong suốt hơn 500 năm.
Kho báu 750 tấn vàng của đế chế Inca là một trong những bí ẩn lớn nhất được lưu truyền ở phương Tây.
Trong lịch sử thế giới, có những kho báu khổng lồ được nhân loại tìm thấy, nhưng cũng có những kho báu được coi là bí ẩn chưa có lời giải, dẫn đến những cuộc tìm kiếm li kì, có thể mất nhiều mạng người. Loạt bài này sẽ điểm lại những kho báu bí ẩn nhất và câu chuyện ly kỳ xung quanh. |
Năm 1532, sau một thời gian dài nội chiến, hoàng đế Inca Atahualpa bị nhà chinh phục Tây Ban Nha Francisco Pizarro bắt sống. Pizarro đã nhân cơ hội đế chế Inca bất ổn để kiểm soát các vùng đất rộng lớn ở Nam Mỹ.
Khi bị giam giữ tại cung điện ở Cajamarca (nay thuộc Peru), Atahualpatiết lộ với Pizarro về số vàng khổng lồ trên toàn lãnh thổ đế chế, theo Ancient Origins. Ở thời điểm cực thịnh, đế chế Inca kiểm soát vùng lãnh thổ rộng 2 triệu km2 ở Nam Mỹ.
Kho báu khiến hoàng đế cuối cùng mất mạng
Theo lời truyền miệng từ những người Tây ban Nha đến Nam Mỹ khai phá, tướng Ruminahui của đế chế Inca là người được giao trọng trách vận chuyển 750 tấn vàng tới Cajamarca. Nhưng trước khi cuộc giao dịch diễn ra, Pizarro sinh nghi, nghĩ rằng Ruminahui đã huy động một đội quân tới giải cứu hoàng đế Atahualpa.
Hoàng đế cuối cùng của đế chế Inca, Atahualpa.
Theo trang Ancient Origins, lời kể do người Tây Ban Nha truyền lại cho biết, hoàng đế Inca Atahualpa bị đem xử tử ngay lập tức bằng cách siết cổ chết và thi thể bị đem đi thiêu. Biết tin, Ruminahui đã ra lệnh cất giấu kho vàng 750 tấn tại một nơi không có người sinh sống ở khu vực nay là dãy núi Llanganates, phía bắc Ecuador. Quân đội Tây Ban Nha về sau bắt giữ Ruminahui nhưng vị tướng này thà chết chứ không khai địa điểm chôn giấu kho báu.
Llanganates là một dãy núi hẻo lánh nằm ở độ cao 2.500 đến 4.500m, nơi hiếm khi có người lui tới. Đây là nơi có những đồng cỏ lạnh lẽo, mưa nhiều, hồ, sông và đầm lầy nguy hiểm, sương mù dày đặc và ẩm ướt quanh năm. Bất chấp điều kiện nguy hiểm, trong 500 năm qua, vô số thợ săn kho báu đã tới khu vực để tìm vận may.
Những cuộc tìm kiếm li kì, chết chóc
Bí ẩn về kho báu Llanganatis được nhắc đến sau 50 năm kể từ khi Atahualpa bị xử tử. Jose Valverde, giám mục Tây Ban Nha thường trú ở Nam Mỹ kết hôn với một cô gái bản địa. Để làm quà cưới, cha cô gái đã dẫn giám mục này đến một địa điểm trên núi Llanganates để chia kho báu của Atahualpa, giúp Valverde trở nên giàu có chỉ sau một đêm.
Khi gần qua đời, Valverde được cho là hé lộ vị trí kho báu cho nhà vua Tây Ban Nha trong trong một cuốn sách hướng dẫn có tên "Derrotero de Valverde". Nhà vua Tây Ban Nha cử một đội tìm kiếm tới Llanganates nhưng cuộc thám hiểm kết thúc không thành công và có một người chết đuối trong vùng đầm lầy chết chóc của Llanganates.
Gần 300 năm sau, huyền thoại kho báu Atahualpa tái xuất. Năm 1850, nhà thực vật học người Anh Richard Spruce tới Eucador để tìm cây cinchona, loại cây có hạt và là thành phần chính trong thuốc chống sốt rét.
Khu vực vùng núi Llanganates.
Trong quãng thời gian ở Ecuador từ năm 1849 - 1864, Spruce đã ghi chép nhiều loài thực vật mới ở vùng Amazon, cũng như ngôn ngữ của 21 bộ lạc bản địa
Tại thị trấn Banos, Spruce được cho là đã lần theo manh mối mà giám mục Valverde để lại và vẽ ra một tấm bản đồ kho báu. Bản đồ được xuất bản trên tạp chí của Hiệp hội Địa lý Hoàng gia London năm 1861.
36 năm sau, một thợ săn kho báu tên Barth Blake và cộng sự George Edwin Chapman đi tìm kho vàng 750 tấn theo manh mối của nhà thực vật Spruce.
Trong cuộc thám hiểu đầy rủi ro, Chapman không may thiệt mạng. Blake loan tin rằng đã phát hiện kho báu trên núi Llanganatis trong một loạt bức thư gửi cho bạn bè.
"Tôi nhìn thấy hàng ngàn món đồ thủ công bằng vàng bạc của người Inca và tiền vàng Inca. Ngoài ra, kho báu còn có những tác phẩm kim hoàn đẹp nhất chưa từng thấy", Blake viết.
Blake kể về những bức tượng người có kích thước như thật và những chiếc bình vàng chứa đầy những viên ngọc lục bảo tinh xảo.
Do kho báu quá đồ sộ, Blake chỉ mang về một phần để chứng minh và dự định sẽ quay lại trong chuyến thám hiểm thứ hai. Nhưng khi Blake lên thuyền ở Ecuador để tới New York, người ta không bao giờ nghe tin về thợ săn kho báu này nữa. Có tin đồn rằng, Blake bị cướp vàng bạc và cuối cùng bị ném xuống biển.
Những cuộc thám hiểm thời hiện đại
Bản đồ vùng núi Llanganates do Anastacio Guzman, một nhà thực vật học Tây ban Nha xây dựng.
Gần 100 năm sau, trong giai đoạn cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, nhà leo núi người Anh Joe Brown và bạn đồng hành Scotland Hamish MacInnes đã cố gắng tìm kiếm kho báu Atahualpatrong một loạt các cuộc thám hiểm vào các năm 1979, 1980 và 1981.
Brown cùng MacInnes và những khác trong nhóm thám hiểm vượt muôn trùng khó khăn khi khám phá dãy núi Llanganates nhưng chỉ tìm thấy một khu mỏ bị bỏ hoang từ thời Inca. Họ trở về nhà tay trắng nhưng đem theo vô số những câu chuyện li kì.
Đầu những năm 2000, sử gia người Anh Mark Honigsbaum phát hiện không quân Ecuador từng huy động lính dù tới một khu vực miệng núi lửa ở phía đông bắc dãy núi Llanganates để tìm kho báu.
Honigsbaum và hai nhà thám hiểm khác tới khu vực này nhưng không tìm thấy dấu vết kho báu. Honigsbaum nghĩ rằng kho vàng Inca đã bị lãng quên vĩnh viễn, bị ném xuống hồ hoặc bị chôn giấu ở nơi không thể tiếp cận do kết quả của những trận động đất.
Nhà sử học Ecuador Tamara Estupinan nhận định, không có bằng chứng lịch sử hoặc khảo cổ nào chứng minh kho báu 750 tấn vàng thực sự tồn tại những câu chuyện xoay quanh chỉ đơn thuần là truyền miệng. Tài liệu duy nhất là tấm bản đồ của giám mục Varvede được cho là không đáng tin cậy vì nó không rõ ràng. Điều quan trọng nhất là chưa từng có ai đem một phần kho báu trở về an toàn và công khai trước công chúng.
Bất chấp thực tế còn nhiều nghi vấn, những năm qua vẫn có vô số những người ưa mạo hiểm tới Ecuador để tìm kho vàng Inca với hi vọng làm nên điều kỳ tích.
__________________
Các nhân chứng từng kể về việc nhìn thấy phát xít Đức chôn giấu kho báu khổng lồ bên dưới một hồ nước ở châu Âu. Thực hư câu chuyện này ra sao? Mời độc giả đón đọc bài kỳ 2 xuất bản 10h ngày 12/2.
Nguồn: [Link nguồn]
Người dân ở thành phố Cám Châu, tỉnh Giang Tây (đông nam Trung Quốc) đang đổ xô đi đào cổ vật sau khi nắng nóng kỷ lục khiến 2 con sông khô cạn, lộ ra...