Bí ẩn “Hộp Đen” rộng 200 ha của Trung Quốc ở Argentina
Được bao quanh bởi hàng rao dây thép gai cao 2,4 m, nằm giữa khu vực cằn cỗi hoang vu, trạm vũ trũ của Trung Quốc khiến nhiều người dân địa phương và chính quyền nước ngoài nghi ngại.
Ảnh chụp trạm vũ trụ của Trung Quốc đặt ở Argentina
Khi Trung Quốc xây dựng một trạm vũ trụ do quân đội nước này vận hành ở khu vực Pat Patonia của Argentina, họ hứa sẽ xây một trung tâm khách tham quan để giải thích mục đích của tòa nhà 16 tầng này.
Hiện, trung tâm dành cho khách đã được xây dựng nhưng là ở phía sau hàng rào dây thép gai cao 2,4 m bao quanh trạm vũ trụ. Khách chỉ được vào thăm nếu đặt lịch trước.
Với vẻ kín đáo bí ẩn, trạm vũ trụ làm dấy lên nhiều lo ngại trong cộng đồng người dân địa phương. Nhiều giả thuyết được đưa ra và chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang lo ngại về mục đích thực sự của trạm, theo Reuters.
Mục đích của trạm vũ trụ là quan sát và thăm dò không gian, theo truyền thông Trung Quốc. Theo đó, trạm đóng vai trò quan trọng trong việc tàu vũ trụ Trung Quốc đáp xuống phía tối của Mặt Trăng vào tháng 1 vừa rồi.
Trạm vũ trụ được bao quanh bởi hàng rào dây thép gai
Nhưng khu phức hợp rộng 200 héc ta hoạt động dưới sự giám sát lỏng lẻo của chính quyền Argentina, theo hàng trăm trang tài liệu của chính phủ nước này do Reuters thu thập được.
Chương trình không gian của Trung Quốc được điều hành bởi quân đội nước này. Bắc Kinh khẳng định chương trình không gian của họ phục vụ cho mục đích hòa bình. Bộ Ngoại giao nước này nhấn mạnh trạm vũ trụ ở Argentina chỉ có mục đích dân sự và đã mở cửa cho công chúng và báo chí.
“Những nghi ngờ của một số cá nhân xuất phát từ động cơ thầm kín”, bộ này nói.
Lo ngại gián điệp
Một số chuyên gia về thiên văn vô tuyến cho biết Mỹ đang lo ngại thái quá. Tuy nhiên, anten chảo có đường kính 35 mét của trạm vũ trụ có thể nghe lén các vệ tinh nước ngoài.
Tony Beasley, giám đốc Đài quan sát thiên văn vô tuyến quốc gia Mỹ, cho biết về mặt lý thuyết, trạm có thể nghe lén vệ tinh của các chính phủ khác và thu thập dữ liệu nhạy cảm. Nhưng kiểu nghe lén này có thể được thực hiện với các thiết bị kém tinh vi hơn nhiều.
Ảnh chụp trạm vũ trụ từ trên cao
“Bất cứ ai cũng có thể làm điều đó. Về cơ bản, tôi có thể làm điều đó với một cái chảo ở sân sau nhà mình”, Beasley nói. “Tôi không thấy có bất kỳ thứ gì đó đặc biệt nham hiểm hoặc gây rắc rối của trạm vũ trụ Trung Quốc đặt ở Argentina”.
Các quan chức Argentina cũng bảo vệ trạm vũ trụ Trung Quốc, nói rằng thỏa thuận với Trung Quốc tương tự với thỏa thuận với Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA). Cơ quan này đã xây một trạm vũ trụ ở tỉnh lân cận. Cả hai đều có hợp đồng thuê 50 năm và miễn thuế. Các nhà khoa học Argentina có thể truy cập tới 10% thời gian sử dụng anten ở cả hai trạm.
Nhưng các chuyên gia luật cho biết có một sự khác biệt đáng chú ý: ESA là một cơ quan dân sự.
“Tất cả các bộ phận của ESA đều tuân theo quy định của dân chủ”, luật sư người Argentina, Juan Uriburu, nói. Ông nhấn mạnh Trung Quốc là một trường hợp khác, khi trạm vũ trụ được quản lý bởi chính quân đội nước này.
Hộp Đen
Las Lajas là một thị trấn có 7.000 người, nằm cách trạm vũ trụ khoảng 40 phút lái xe. Tại đây, anten chảo khổng lồ khiến người dân hoang mang và nghi ngờ.
“Những người này không cho phép bạn vào trong, họ không cho bạn nhìn”, người dân địa phương Alfredo Garrido, 51 tuổi, nói. “Ý kiến của tôi là đó không phải là một cơ sở nghiên cứu khoa học mà là một căn cứ quân sự của Trung Quốc”.
Trong thị trấn, rất nhiều giả thuyết được đưa ra về trạm vũ trụ. Có người nói căn cứ được sử dụng để chế tạo bom hạt nhân.
Trạm vũ trụ được ví như "Hộp Đen"
Con đường nối Las Lajas đến trạm vũ trụ là con đường cằn cỗi và bụi bặm. Không có dấu hiệu nào cho thấy sự tồn tại của trạm. Chiếc anten chảo bất ngờ xuất hiện sau một đoạn đường cong ngoài đường chính. Cái chảo khổng lồ là dấu hiệu duy nhất của sự sống con người trong bán kính nhiều km xung quanh.
Vì những lý do này, Reuters gọi trạm vũ trụ như một chiếc hộp màu đen bí ẩn nằm giữa khu vực đồng không mông quạnh.
Trạm vũ trụ đi vào hoạt động từ tháng 4 năm ngoái. 30 nhân viên người Trung Quốc làm việc và sống tại trạm, không có người dân địa phương, theo nữ thị trưởng Las Lajas, Maria Espinosa.
Thị trưởng thêm rằng trạm vũ trụ mang lại điều tốt cho nền kinh tế địa phương.
Espinosa cho biết cô đã cho các nhân viên trạm vũ trụ thuê nhà của mình trước khi họ chuyển vào ở trong trạm. Bản thân cô cũng đã đến thăm trạm vũ trụ ít nhất 8 lần.
Nhưng những người khác ở Las Lajas nói họ hiếm khi nhìn thấy bất cứ ai trong trạm vào thị trấn, ngoại trừ lúc đi siêu thị mua đồ.
Một con đập khổng lồ được kỳ vọng sẽ giúp Ecuador thoát khỏi sự nghèo đói, nhưng nó lại tạo thành một bê bối quốc...