Bí ẩn "dịch bệnh ma" bao trùm khu thử hạt nhân Triều Tiên
Những người đào tẩu từng sống gần khu vực thử hạt nhân của Triều Tiên tin rằng họ đang trải qua các triệu chứng phơi nhiễm phóng xạ và gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng
Bà Lee Jeong-hwa, một phụ nữ trung niên người Triều Tiên, chia sẻ dù bà đang phải chịu những cơn đau kinh niên nhưng điều này vẫn chưa thể so sánh với những gì đang diễn ra ở quê hương.
"Có nhiều người chết đến nỗi chúng tôi bắt đầu gọi nó là "dịch bệnh ma". Chúng tôi cho rằng nguyên nhân mọi người chết dần chết mòn là vì tình trạng nghèo khó và ăn uống kham khổ. Bây giờ chúng tôi mới biết đó là do phóng xạ" - bà Lee nói.
Bà Lee từng bị bắt lại khi cố gắng đào tẩu khỏi Triều Tiên vào năm 2003. Đến năm 2010, bà mới trốn thoát thành công khỏi huyện Kilju, nơi đặt bãi thử hạt nhân Punggye-ri.
Trong 7 năm cuối cùng bà Lee sống tại Triều Tiên, lãnh đạo khi đó, ông Kim Jong-il, đã thử nghiệm 2 quả bom hạt nhân gần nơi bà sống. Kể từ khi ông Kim qua đời năm 2011, người kế nhiệm Kim Jong-un tiếp tục thử nghiệm thêm 4 quả bom hạt nhân khác.
Những đợt thử hạt nhân của Triều Tiên có phải nguyên nhân gây tổn hại sức khỏe người dân trong khu vực? Ảnh: REUTERS
Một người đào tẩu khác, bà Rhee Yeong Sil, kể lại rằng hàng xóm của bà gần bãi thử Punggye-ri từng sinh ra một đứa trẻ dị dạng. "Chúng tôi không thể xác định giới tính của đứa bé vì nó không có bộ phận sinh dục. Tại Triều Tiên, trẻ sơ sinh dị dạng thường bị giết nên bố mẹ đứa bé đã giết nó" - bà Rhee nói.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phóng xạ có thể làm giảm chức năng của các mô và cơ quan cơ thể tùy theo mức độ tiếp xúc. Ở mức độ thấp, nó có thể gây ra nguy cơ ung thư.
Bà Lee và những người đào tẩu khác đều kiên quyết cho rằng các đợt thử hạt nhân gây nguy hại đến sức khỏe của họ. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm và ý kiến của các chuyên gia chưa hoàn toàn kết luận được thông tin này.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã kiểm tra mức độ nhiễm độc phóng xa của bà Lee và 29 người đào tẩu khác từ Kiljiu. Đài NBC News dẫn lời bà Lee rằng kết quả cho thấy họ không bị phơi nhiễm. Ngoài lời kể của bà Lee và những người khác, giới chuyên gia chưa thể xác định được phóng xạ có phải là nguyên nhân gây ra những căn bệnh phổ biến tại Kilju như bệnh bạch cầu và các loại ung thư khác.
Hình minh họa. Ảnh: AP
Giáo sư Suh Kune-yull chuyên về kỹ thuật hạt nhân tại Trường ĐH Quốc gia Seoul nói các nhà nghiên cứu bị "thiếu dữ liệu" để nghiên cứu về vấn đề này. "Tôi không nghĩ là họ nói dối. Chúng tôi tin lời họ nhưng lại không có nhiều thông tin đáng tin cậy" - ông Suh nói.
Một phát ngôn viên của Viện An toàn Hạt nhân Hàn Quốc nói với đài NBC News có thể "giả định rằng" mức độ phơi nhiễm phóng xạ của người dân tại khu thử hạt nhân là quá mức nhưng rất khó để xác nhận điều này.
Một số khẳng định về tình trạng phơi nhiễm phóng xạ của bà Rhee và bà Lee có từ những năm 1990 và cả 1980, làm dấy lên câu hỏi về một nguyên nhân khác khiến môi trường bị nhiễm độc và làm người dân mắc phải nhiều loại bệnh tật. Trong khi cuộc thử nghiệm hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên diễn ra vào năm 2006, những người đào tẩu lại kể về tình trạng động, thực vật trong khu vực biến mất từ rất lâu trước đó.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chia sẻ quan điểm của ông về vụ phóng thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên.