Bệnh viện Hàn Quốc dùng "phương pháp cấm" để điều trị cho người nhiễm Covid-19
Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul đã cung cấp những dịch vụ điều trị bị cấm về mặt nguyên tắc tại Hàn Quốc cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19, gây ra tranh cãi lớn.
Tờ Yonhap ngày 13.3 đưa tin, Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul đã điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại thành phố Deagu và tỉnh Geongsang Bắc bằng phương pháp điều trị từ xa.
Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul đã bố trí một nhóm gồm 4 bác sĩ và 13 y tá làm nhiệm vụ điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 qua các cuộc gọi video.
Nhóm y bác sĩ còn được phép làm chẩn đoán và cấp đơn thuốc cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại trung tâm y tế thành phố Mungyeong, cách thủ đô khoảng 180 km.
Phương pháp khám và điều trị trực tuyến này được sử dụng để chăm sóc sức khỏe cho những bệnh nhân ở những vùng có hệ thống giao thông kém thuận lợi bằng cách kết nối mạng với bác sĩ.
Nhân viên y tế chuẩn bị thuốc khử trùng tại Hàn Quốc (ảnh: Yonhap)
Về nguyên tắc, việc khám và điều trị trực tuyến bị cấm tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, chính phủ Hàn Quốc đã cho phép thí điểm giới hạn việc điều trị trực tuyến cho người bệnh mặc dù điều này vấp phải sự phản đối quyết liệt từ nhiều bác sĩ liên quan đến vấn đề an toàn.
Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc và điều trị của bệnh nhân nhiễm Covid-19, Hàn Quốc đã mở thêm 16 trung tâm y tế chủ yếu tập trung tại thành phố Deagu, tỉnh Gyeongsang Bắc. Ước tính, 3.800 người nhiễm Covid-19 có thể vào điều trị tại các trung tâm mới lập này.
Ông Kim Yeon-soo, Giám đốc Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul, cho biết:
“Chúng tôi có thể thực hiện điều trị từ xa hoàn hảo tại các khu vực chịu ảnh hưởng nặng bởi Covid-19 như ở thành phố Deagu và tỉnh Gyeongsang Bắc, nơi số bệnh nhân tăng đột biến”.
Ông Kim nhấn mạnh rằng, việc điều trị trực tuyến là một phương thức mới, rất an toàn cho bệnh nhân và các y bác sĩ, giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong các bệnh viện hoặc phòng khám.
Một đội nhân viên y tế được triển khai tại Hàn Quốc (ảnh: Yonhap)
“Dù nhân sự được bổ sung thêm, nhưng cơ quan y tế địa phương vẫn phải quyết định số y bác sĩ được triển khai làm nhiệm vụ để hạn chế tối thiểu sự tiếp xúc với người bệnh.
Các y tá thực hiện chăm sóc từ xa sẽ liên lạc qua video với bệnh nhân bằng điện thoại thông minh 2 lần/ ngày, còn các bác sĩ sẽ liên tục kết nối với các bệnh nhân”, ông Kim cho biết.
Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA), đại diện cho hơn 105.000 bác sĩ nước này đã liên tục phản đối phương pháp điều trị trực tuyến cho người nhiễm Covid-19.
“Hậu quả sẽ là rất lớn nếu có sự cố xảy ra đối với bệnh nhân được điều trị trực tuyến. Hơn nữa, việc kết nối trực tuyến chỉ có thể giúp theo dõi bệnh nhân chứ không thể sử dụng để điều trị và cấp thuốc”, Park Jong-hyuk, phát ngôn viên của KMA, cho biết.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nguồn: [Link nguồn]
Italia có những đặc điểm đặc thù khiến cho Covid-19 lan rộng và ảnh hưởng nặng nề tại quốc gia này với 15.113 ca nhiễm...