Bên trong nhà tù tàn khốc nhất nước Mỹ

Ngày 15/6/2023, thẩm phán Shelly Dick, Tòa án tối cao bang Louisiana đã ra lệnh chậm nhất là giữa tháng 9, tất cả các phạm nhân vị thành niên phải được đưa ra khỏi nhà tù Angola, bang Louisiana bởi những điều kiện giam giữ mà bà Shelly Dick cho rằng “không thể chấp nhận được”. Theo những tù nhân vị thành niên đã hoặc đang bị giam giữ ở nhà tù này thì đó là nơi “tàn khốc nhất nước Mỹ”....

1. Đúng vào ngày sinh nhật lần thứ 16 của mình, Charles “Chuck” Daniel bị bắt với cáo buộc “cướp có vũ trang và cố ý giết người”. Ra tòa, cậu lĩnh án 149 năm! 6 tháng sau, Charles chuyển đến nhà tù Angola, bang Lousiana, nơi được mệnh danh là “Alcatraz của miền Nam”. Charles kể: “Ngay khi cánh cửa buồng giam vừa đóng lại, 5 người tù trong phòng đã đồng loạt ném phân vào tôi, mặc cho sĩ quan quản giáo vẫn còn đứng ở hành lang. Ông ấy nhìn thấy hết nhưng chẳng phản ứng gì”.

Vẫn theo Charles, khi thấy mặt mũi, quần áo cậu dính đầy phân, 5 tù nhân cho phép cậu đi tắm nhưng phải tắm bằng nước múc ra từ... bồn cầu! Một gã tù có biệt danh “Top Gun” mà về sau Charles mới biết hắn tự phong là trưởng buồng, đưa tay chỉ lên chiếc giường tầng nằm sát góc: “Chỗ ngủ của mày đấy. Tắm cho sạch rồi mới được leo lên. Tao mà còn ngửi thấy mùi hôi thì mày ốm đòn, oắt con ạ!”

Bên trong nhà tù tàn khốc nhất nước Mỹ - 1

Buồng giam của trẻ vị thành niên trong nhà tù Angola.

Được xây dựng từ những năm 1830, khi ấy Angola dùng làm nơi giam giữ nô lệ da đen nổi loạn. Trải qua thời gian, nó trở thành nhà tù chính của bang Lousiana với khuôn viên rộng 7.300 hecta. Tính đến thời điểm thẩm phán Shelly Dick, Tòa án tối cao bang Louisiana ra lệnh chuyển tất cả các phạm nhân vị thành niên sang một nhà tù khác thì Angola có 6.300 tù nhân, 20% trong số đó dưới 16 tuổi, chia thành 2 khu nam, nữ. Cai quản nhà tù gồm 1.800 nhân viên quản giáo, an ninh, bảo vệ. Angola cũng có 1 phòng thi hành án tử hình bằng cách tiêm thuốc độc và 1 đường băng để di chuyển những tù nhân đặc biệt nguy hiểm bằng máy bay. Paul Stone, 51 tuổi, bị đưa đến Angola ngay sau sinh nhật thứ 17 vì tội giết người cho biết: “Từ đó đến năm 47 tuổi, tôi ở trong nhà tù này. Lúc đầu tôi giam chung với trẻ vị thành niên rồi lần lượt kẻ này ra, người khác vào, còn tôi thì dậm chân tại chỗ cho đến ngày được thả”.

Công bằng mà nói, tất cả tù nhân khi vào Angola đều không bị quản giáo, an ninh đánh đập nhưng họ lại làm ngơ cho tù nhân trừng trị lẫn nhau, nhất là với trẻ vị thành niên. Paul Stone nói: “Nếu quản giáo hoặc nhân viên an ninh gai mắt với một đứa trẻ nào đó, họ sẽ ngầm ra hiệu cho các tù nhân ở chung phòng dạy cho trẻ đó một bài học. Cũng có khi họ gọi 1 hoặc 2 tù nhân ở buồng giam khác vào buồng giam đứa trẻ này để ra tay!”. Luật sư David Utter thuộc Liên minh tự do dân sự Mỹ (ACLU) cho biết khi tiếp xúc với một số trẻ vị thành niên ở nhà tù Angola, tất cả đều kể rằng ngay khi bước chân vào, chúng bị giam trong buồng dành cho tù có án tử hình trong nhiều tháng. Mỗi khi được cho ra ngoài để tắm nắng, chúng đều bị còng tay. Luật sư David Utter nói: “Ngay cả lúc tôi lấy lời khai của một tù nhân mới 15 tuổi và khi tôi đưa bản khai cho cậu bé ký, hai tay cậu cũng vẫn bị còng…”.

Với thẩm phán Shelly Dick, lúc đến thăm nhà tù Angola, bà thấy “nhiều thiếu niên bị còng tay khi được cho ra sân phơi nắng, vài người khác bị còng ngay khi đang ăn, thậm chí có người còn bị còng lúc viết thư cho gia đình…”. Bà nói: “Thật không thể tưởng tượng được rằng trẻ vị thành niên ở nhà tù Angola phải chịu đựng thời gian biệt giam kéo dài, không được tiếp cận với nước sạch, việc ăn uống chỉ ở mức tối thiểu. Đã vậy, họ còn phải chịu đựng nạn bạo hành, chủ xướng bởi những người tù lớn tuổi mà không hề có sự can thiệp của nhân viên an ninh, quản giáo, chưa kể những luật lệ rất khó hiểu như tù nhân không được mặc quần short, không được mặc áo sát nách, không được mặc áo pyjama - loại áo mặc trong nhà…”.

Tồn tại trong môi trường  tàn bạo như thế, nhà tù Angola đã xảy ra nhiều vụ phản kháng của tù nhân dưới nhiều hình thức, chẳng hạn như vượt ngục, trả thù lẫn nhau bằng dao, búa, gậy gộc, kéo bè kết nhóm để tự vệ. Dwayne, 16 tuổi, đi tù vì tội tấn công bằng dao, gây thương tích cho một trẻ khác để cướp chiếc xe đạp nói với Luật sư David Utter: “Cháu nhìn nhận là cháu có tội và cháu chấp nhận hình phạt của luật pháp. Nhưng cháu không chấp nhận việc bị đưa vào buồng giam của người bị án tử hình. Cháu đã ở trong đó 14 ngày đêm và nhiều lúc, cháu mong mình được chết đi còn hơn là sống”. Paul Morris, 30 tuổi, đi tù từ năm 15 tuổi kể thêm: “Ngày 31/8/2008, thị trưởng thành phố New Orlean là ông Ray Nagin tuyên bố trên loa phóng thanh: “Trong quá trình sơ tán thành phố do cơn bão Gustav, bất cứ ai bị bắt quả tang cướp bóc ở New Orleans sẽ đến thẳng Angola. Sẽ không bao giờ có chuyện tạm giam ở một đồn cảnh sát nào đó. Tôi hy vọng những kẻ xấu xa sẽ sẽ hiểu: Đi thẳng đến nhà tù Angola”.

Vẫn theo Paul Morris, ngày khi cơn bão vừa ngớt, cậu cùng đám bạn đồng trang lứa đổ ra đường để tìm vài loại thức ăn trôi nổi trong dòng nước, phần lớn là những gói bánh snack hoặc khoai tây chiên có xuất từ vài siêu thị hoặc cửa hàng bán lẻ nào đó. Paul nói: “Cháu không lấy trộm, không cướp của ai nhưng cháu vẫn bị bắt. 2 hộp khoai tây chiên, 4 gói snack được xem là tang vật. Họ đưa cháu vào thẳng Angola rồi sau đó, tòa kết án cháu 15 năm với tội danh lợi dụng thiên tai để cướp. Tháng 8 này cháu sẽ mãn án. Nếu cháu chết, cháu tin mình sẽ lên thẳng thiên đường vì khi sống, cháu đã có 15 năm sống dưới địa ngục”. Nhiều nhân chứng khác cho biết thêm họ bị ném hơi cay vào phòng, không cho phép gặp gia đình thăm viếng là chuyện thường xuyên xảy ra và được giải thích bằng ba chữ “vô kỷ luật”.  Luật sư David Utter nói nếu không có vụ trốn thoát khỏi nhà tù Angola của 6 trẻ vị thành niên hồi mùa hè năm ngoái thì có lẽ công luận vẫn không thể biết những gì đang xảy ra ở nơi này.

Bên trong nhà tù tàn khốc nhất nước Mỹ - 2

Tù nhân Cronkite đứng trước một huyệt mộ mới đào trong nghĩa trang nhà tù Angola, nơi có hơn 100 trẻ vị thành niên đã chết vì “bị bệnh”

2. Đầu tháng 9/2022, dưới sự hỗ trợ của Liên minh tự do dân sự Mỹ (ACLU) và các luật sư về các quyền dân sự khác, một số tù nhân là trẻ vị thành niên, đã từng bị giam hoặc đang bị giam ở Angola gửi đơn kiện lên Tòa án liên bang Mỹ, nội dung mô tả những ngược đãi cả về thể xác lẫn tinh thần mà họ phải gánh chịu trong suốt thời gian thụ án. Vụ kiện đã gây chấn động trong ngành tư pháp Mỹ trong bối cảnh các quan chức bang Louisana tuyên bố sẽ nộp đơn kháng cáo khẩn cấp chống lại vụ kiện này.Theo lập luận của các quan chức, nhiều trẻ vị thành niên đã tham gia các băng nhóm tội phạm, thực hiện những hành vi bạo lực, gây ra mối đe dọa cho cộng đồng, nhất là sau khi Thống đốc John Bel Edwards tuyên bố bang Louisana sẽ tiếp tục gửi trẻ em đến Angola sau vụ 6 trẻ vị thành niên trốn thoát.

Ngày 21/7, Tòa tối cao bang Louisana mở phiên điều trần đầu tiên. Trước tòa, William Clack, 16 tuổi khai: “Phòng giam tôi nhỏ đến mức chỉ đi 4 bước là đụng vách tường. Nước uống được cung cấp từ vòi nhưng nó có màu vàng, mùi rất tanh nên tôi chỉ dám nhấp môi cho qua cơn khát…”. Sam, 16 tuổi khai: “Ngày đầu tiên bị đưa vào Angola, tôi đã nhận một trận đòn thừa sống thiếu chết, gây ra bởi các tay anh chị. Khi tôi kêu cứu, quản giáo giam tôi vào một buồng riêng mà sau này tôi mới biết nó là buồng dành cho những người lĩnh án tử hình. Tôi phải ở trong đó suốt 30 ngày dưới cái nóng 38 độ và chỉ được phép ra ngoài đi tắm 1 lần duy nhất…”.

Sau 5 phiên điều trần với lời khai của các nhân chứng là tù nhân vị thành niên, thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra phán quyết, yêu cầu “các quan chức nhà tù Angola chấm dứt ngay việc đưa trẻ vị thành niên vào buồng giam án tử hình và trong 1 tuần, tất cả những trẻ vẫn còn bị giam ở đó phải được chuyển sang những khu khác nhưng không ở chung với những tù nhân lớn tuổi…”. Người phát ngôn của Liên minh tự do dân sự Mỹ (ACLU) cho biết khi trả lời báo chí, Thống đốc bang Louisana là ông John Bel Edwards đã nói việc chuyển tù vị thành niên đến Angola “chỉ là tạm thời trong khi chờ đợi sự cải tạo, chỉnh trang một cơ sở cải huấn khác”. Nhưng theo luật sư David Utter: “Đến tháng 6/2023, nửa tháng trước ngày bà thẩm phán Shelly Dick ra lệnh chậm nhất là giữa tháng 9, tất cả các phạm nhân vị thành niên phải được đưa ra khỏi nhà tù Angola thì những trẻ này vẫn ở Angola, không một trẻ nào được chuyển đi nên việc “cải tạo, chỉnh trang một cơ sở cải huấn khác” chỉ là cách đối phó. Antonio Travis, đại diện cho tổ chức “Gia đình và bạn bè của trẻ em bị giam giữ ở Angola” trong một tuyên bố đã nói: “Thật đáng xấu hổ khi khởi kiện để buộc các quan chức nhà tù phải đưa trẻ vị thành niên ra khỏi Angola nhưng đó là công lý dành cho trẻ vị thành niên theo luật tiểu bang đã được phê duyệt hai thập kỷ trước. Phán quyết của bà thẩm phán Shelly Dick là một bước đi đúng hướng nhưng nó không thực sự thay đổi theo chiều hướng tiến bộ. Nó chỉ đơn giản là lấy lại những gì chúng ta đã mất hồi năm ngoái khi Thống đốc John Bel Edwards quyết định gửi trẻ em đến Angola”.

3. Cuối cùng, gần cuối tháng 9/2023, tất cả các tù nhân vị thành niên ở Angola đã được chuyển đến nhà tù West Feliciana, cũng nằm trong bang Louisana dưới sự giám sát chặt chẽ của Văn phòng Tư pháp vị thành niên (OJJ) Louisana. Bà thẩm phán Shelly Dick nói: “Trẻ vị thành niên không phải là người lớn thu nhỏ. Hệ thống tư pháp dành cho trẻ vị thành niên phải khác với hệ thống tư pháp dành cho người lớn. Việc đưa trẻ vị thành niên vào nhà tù Angola vốn được thiết kế dành cho người lớn chẳng khác gì chúng ta gửi đi một thông điệp cho xã hội, rằng những đứa trẻ này là những đứa tồi tệ nhất trong những đứa tồi tệ”.

Với những trẻ được chuyển sang nhà tù West Feliciana, tất cả đều cho rằng “nơi này là thiên đường!” bởi chúng không bị còng, không bị giam trong buồng tử hình, được ra sân chơi mỗi ngày 2 tiếng, được điện thoại cho gia đình mỗi tuần 1 lần, được phép gặp gia đình mỗi khi họ đến thăm. Felix, 16 tuổi, án phạt 10 năm vì tội cướp có vũ trang nói: “Buồng giam cháu có 6 người. Trong buồng có máy lạnh, nước sạch. Tương lai chưa biết sẽ ra sao nhưng hiện tại, không có cảnh bạn tù ức hiếp đánh đập lẫn nhau. Quản giáo cũng thân thiện. Họ thường khuyến khích bọn cháu nên siêng năng vào thư viện đọc sách vừa để mở mang kiến thức, vừa giúp cho suy nghĩ hướng thiện hơn…”.

Theo luật sư David Utter thuộc Liên minh tự do dân sự Mỹ (ACLU), đã đến lúc các nhà lãnh đạo bang Louisiana phải cung cấp sự chăm sóc và hỗ trợ phù hợp để tất cả tù nhân trẻ em có thể phát triển và phát huy hết tiềm năng của mình: “Chúng tôi yêu cầu đầu tư vào sự thay đổi theo chiều hướng tốt chứ không phải bằng hình phạt. Các quan chức bang Loisana phải giải quyết những thất bại mang tính hệ thống, kéo dài từ lâu trong vấn đề tư pháp dành cho trẻ vị thành niên ở Louisiana để tất cả trẻ em của chúng ta - da đen, da nâu hay da trắng - đều có cơ hội cơ hội tiếp cận với nền công lý minh bạch”. Giáo sư Victor Rios, nhà xã hội học và cũng là người phụ trách quỹ MacArthur, chuyên về vấn đề trẻ em đường phố thuộc Đại học Santa Barbara, bang California đã chỉ ra những tác động bất lợi đối với trẻ vị thành niên bị giam giữ chung với tù nhân người lớn, đặc biệt là những trẻ da đen và da nâu. Ông nói: “Thường thì những cậu bé da đen và da nâu nhanh chóng bị công chúng và cảnh sát coi là tội phạm người lớn. Trong thời gian giam giữ, chúng phải đối mặt với những bất công, bạo lực, để lại dấu ấn sâu đậm khi chúng trưởng thành. Điều đó lý giải vì sao 70% trẻ vị thành niên tái phạm tội trong vòng ba năm kể từ khi được thả...”.

Bí ẩn nhà tù nổi cuối cùng của Mỹ

Neo dọc trên sông Đông, TP New York - Mỹ là một nhà tù nổi 5 tầng từng được xem là giải pháp khi “đảo tra tấn” Rikers quá tải trong những năm 1990.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vũ Cao (Inside Politics) ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN