Bên trong cuộc đua sản xuất vũ khí của Mỹ để bù đắp kho đạn dược thiếu hụt vì Ukraine

Các nhà máy sản xuất vũ khí tại Mỹ đang chạy hết công suất để đáp ứng nhu cầu cấp thiết không chỉ tại tiền tuyến Ukraine mà còn cho các đồng minh và chính kho đạn dược của nước Mỹ.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine sắp bước sang năm thứ hai, trong khi ở khu vực tiền tuyến, lực lượng Ukraine đang cố gắng tận dụng hiệu quả các loại vũ khí phương Tây đổ về để đối phó Nga thì ở phía sau hậu trường, đặc biệt tại Mỹ, một cuộc chạy đua sản xuất vũ khí cũng đang tăng tốc để kịp viện trợ cho Kiev.

Trong một năm qua, Mỹ và các đồng minh đã viện trợ lên tới 50 tỉ USD cho quân đội Ukraine. Điều này đã làm cạn kiệt nhiều kho dự trữ vũ khí của các nước phương Tây. Trong số đóng góp trên, Washington là nước bơm vũ khí cho Kiev nhiều nhất, chủ yếu lấy từ các kho dự trữ và thông qua các đơn đặt hàng, theo đài CNN.

Đạn pháo 155 mm được đúc bên trong nhà máy đạn dược lục quân Scranton. Ảnh: CNN

Đạn pháo 155 mm được đúc bên trong nhà máy đạn dược lục quân Scranton. Ảnh: CNN

Các xưởng vũ khí Mỹ "đỏ lửa” ngày đêm

Để duy trì tốc độ cung cấp đạn dược cho Ukraine và bù đắp vào kho dự trữ của mình, Lầu Năm Góc đang trong một cuộc chạy đua tái vũ trang, gia tăng sản lượng đạn dược lớn nhất trong nhiều thập niên qua và đặt ngành công nghiệp quốc phòng nước này vào tư thế "sẵn sàng chiến tranh", mặc dù về mặt kỹ thuật Washington không ở trong trạng thái như vậy.

Nhằm minh họa rõ nét nhất bức tranh trên, CNN đưa tin rằng từ đầu tháng 1, nhà máy đạn dược lục quân Scranton, chủ yếu sản xuất đạn pháo 155 mm, đã chạy hết công suất để tạo ra khoảng 11.000 quả đạn pháo mỗi tháng. Con số này tuy có vẻ lớn nhưng chỉ đủ cho quân đội Ukraine sử dụng chỉ trong vài ngày. Theo ước tính, kể từ khi bắt đầu chiến sự, mỗi ngày, binh lính Ukraine nã hàng ngàn quả đạn pháo do Mỹ sản xuất vào quân Nga.

Do đó, để đáp ứng nhu cầu trên, nhà máy Scranton đang khẩn trương mở rộng quy mô lớn hơn với sự hỗ trợ của gói chi tiêu quốc phòng mới trị giá hàng triệu USD của Lầu Năm Góc. Nhờ đó, nhà máy này đang đầu tư vào máy móc công nghệ cao mới, thuê thêm hàng chục nhân viên và sẽ chuyển sang lịch trình sản xuất liên tục.

Hơn nữa, Lầu Năm Góc đã phân bổ khoảng 3 tỉ USD cho nhu cầu mua sắm vũ khí từ các nước đồng minh và tăng cường năng lực sản xuất trong nước. Một phần số tiền đó sẽ được dùng để sản xuất đạn pháo 155 mm, mặt hàng chủ lực trong xung đột Nga-Ukraine.

Ngoài ra, Trợ lý bộ trưởng Lục quân Mỹ phụ trách mua sắm vũ khí Doug Bush cho biết nước này có kế hoạch tăng 500% sản lượng đạn pháo từ 15.000 quả lên 70.000 quả mỗi tháng. Hồi tháng 1, ông Bush cho hay quân đội Mỹ đang có kế hoạch xây mới nhà máy sản xuất đạn pháo ở Texas trong khi dự kiến mở rộng một nhà máy khác Iowa để lắp ráp đạn 155 mm.

Trên khắp nước Mỹ, các nhà máy sản xuất vũ khí đang gia tăng sản lượng nhanh nhất có thể. Một nhà máy của tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin ở Arkansas đang đẩy mạnh việc chế tạo hàng loạt rocket và tên lửa, bao gồm các loại dùng trong hệ thống phòng không Patriot.

CNN dẫn lời ông Bush tiết lộ rằng Lầu Năm Góc dự tính tăng gấp đôi sản lượng tên lửa chống tăng Javelin, sản xuất thêm khoảng 33% tên lửa đối đất tầm trung của hệ thống pháo phóng loạt dẫn đường (GMLRS) cũng như chế tạo tối thiểu 60 quả tên lửa phòng không Stinger mỗi tháng.

Binh sĩ Ukraine bắn đạn pháo tại vùng Zaporizhzhia hôm 5-1. Ảnh: Stringer/REUTERS

Binh sĩ Ukraine bắn đạn pháo tại vùng Zaporizhzhia hôm 5-1. Ảnh: Stringer/REUTERS

Nhưng liệu có sản xuất kịp?

Chủ đề nguồn cung vũ khí cạn kiệt đã trở thành tâm điểm tại một cuộc họp quan trọng ở Brussels trong tuần này. 54 thành viên thuộc Nhóm Liên lạc quốc phòng Ukraine do Mỹ dẫn đầu hôm 14-2 đã thảo luận trực tiếp về những thách thức trong việc tiếp tục duy trì nguồn viện trợ vũ khí và thiết bị quân sự cho quân đội Ukraine.

Trước đó, hôm 13-2, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - ông Jens Stoltenberg cũng gióng hồi chuông cảnh báo về tình trạng căng thẳng của ngành công nghiệp quốc phòng khi tỉ lệ sử dụng đạn dược hiện tại của Ukraine cao gấp nhiều lần so với tỉ lệ mà các thành viên liên minh có thể sản xuất ra.

Đa phần gánh nặng trên đều đè lên vai nước Mỹ. Dù vậy, ngay cả khi Washington bắt tay tiến hành những kế hoạch mở rộng quy mô và tăng cường sản xuất vũ khí nêu trên thì vẫn không điều gì đảm bảo số lượng đó là đủ và đáp ứng kịp thời, nhất là khi Ukraine đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công mùa xuân trong vài tuần tới. Mỹ có lẽ phải mất rất nhiều năm mới đạt được mức sản lượng như dự kiến. Theo trợ lý bộ trưởng lục quân Bush, phải mất 12 đến 18 tháng để Mỹ có thể đạt được tốc độ sản xuất “tối đa” 70.000 quả đạn pháo mỗi tháng.

Chuyên gia về Nga Michael Kofman của tổ chức nghiên cứu CNA có trụ sở tại Mỹ nhận định đối với Ukraine, nước này đang đối mặt với những thách thức trước mắt và trung hạn trong khi đó, phần lớn năng lực sản xuất bổ sung của Mỹ phải mất tới hai năm mới đạt được.

Giá đỡ đạn pháo 155 mm bên trong nhà máy đạn dược lục quân Scranton. Ảnh: CNN

Giá đỡ đạn pháo 155 mm bên trong nhà máy đạn dược lục quân Scranton. Ảnh: CNN

Không chỉ cho Ukraine

Không chỉ đảm bảo cho quân đội Ukraine có những vũ khí và thiết bị quân sự họ cần, Mỹ còn phải đáp ứng các đơn đặt hàng đang tăng vọt từ các đồng minh do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Những nước này cũng đã gửi nhiều vũ khí trong kho dự trữ cho Ukraine.

Trên tất cả, Lầu Năm Góc cũng đang chạy đua để bổ sung nhanh chóng cho các kho dự trữ vũ khí mà nhiều chuyên gia đánh giá là đang ở mức thấp một cách nguy hiểm. Ông Seth Jones - thành viên Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) nói với CNN rằng sự viện trợ của Washington cho Kiev đã "làm cạn kiệt các kho dự trữ của Mỹ đối với một số loại hệ thống vũ khí và đạn dược như tên lửa phòng không Stinger, tên lửa Javelin, và đạn pháo 155 mm". Chuyên gia này cũng cảnh báo nếu một cuộc xung đột nổ ra ở Thái Bình Dương thì Mỹ sẽ nhanh chóng thiếu hụt các loại vũ khí tầm xa quan trọng trong vòng “chưa đầy một tuần của cuộc chiến”.

Để đối phó tình trạng khẩn cấp trên, CNN cho biết Lầu Năm Góc đang nỗ lực hết sức có thể. Một trong những nỗ lực đó là thay đổi cấu trúc hoạt động đối với các nhà thầu quốc phòng lớn của nước này, từ hợp đồng theo năm với những tập đoàn này thành các hợp đồng dài hạn giúp cung cấp "cơ sở nguồn cung hiệu quả hơn”.

Chuyên gia nêu điểm bất lợi của xe tăng Nga khi đối đầu xe tăng Abrams của Mỹ ở Ukraine

Các xe tăng Nga gặp bất lợi so với xe tăng M1A2 Abrams mà Mỹ cam kết cung cấp cho Ukraine, một chuyên gia quốc phòng Nga gần đây nhận định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨNH KHANG ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN