Bên trong căn phòng báu vật của cựu quan chức chống tham nhũng Trung Quốc
Lợi dụng chức vụ là quan chức cấp cao làm việc trong cơ quan chống tham nhũng Trung Quốc, Ngụy Kiện đã lách luật và nhận hối lộ từ hàng trăm cá nhân, doanh nghiệp.
LỜI TÒA SOẠN: Biến nhà công vụ 800m2 trị giá hàng chục triệu Nhân dân tệ (NDT) làm biệt phủ riêng, nhận hối lộ hàng chục triệu NDT rồi cất vào kho trong nhà… Dưới đây là những câu chuyện về các khối tài sản bất chính mà cơ quan an ninh Trung Quốc tịch thu từ đám quan tham. |
Thông tin từ Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) cho hay, Ngụy Kiện từng là một trong những cán bộ mẫn cán của cơ quan này, khi ông ta được miêu tả là “siêng năng và chăm chỉ trong công tác chống tham nhũng”. Do vậy, việc quan chức này tra tay vào còng với tội danh nhận hối lộ đã khiến nhiều đồng nghiệp bị sốc.
Ngụy Kiện. Ảnh: CCTV
“Sau khi điều tra, chúng tôi phát hiện số tài sản bất chính liên quan tới vụ án của Ngụy Kiện lên tới hàng chục triệu Nhân dân tệ. Có hơn 100 đối tượng tham gia vào việc hối lộ cho Ngụy, gồm các quan chức dưới quyền, chủ doanh nghiệp, bạn học hay thậm chí là đồng hương”, điều tra viên Đỗ Bằng của CCDI kể.
Cơ quan an ninh Trung Quốc trong quá trình điều tra đã phát hiện Ngụy không chỉ lợi dụng quyền hạn trong tay để làm sai lệch tình tiết nhiều vụ án chống tham nhũng, mà còn nhúng tay vào nhiều vấn đề khác như thăng chức và sắp xếp vị trí công việc; xét xử bên tòa án; tham gia hạng mục công trình của doanh nghiệp…
Để tránh bị coi là lạm dụng chức vụ, Ngụy đôi khi nhờ vả một số quan chức cấp tỉnh thân quen thay ông ta xử lý mọi việc. Chẳng hạn như doanh nhân Tống Chí Viễn, người Tứ Xuyên muốn chính quyền tỉnh này hỗ trợ cho một dự án đã tìm tới Ngụy Kiện. Ngụy nhấc máy và gọi cho Phó bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên khi đó là Lý Xuân Thành để nhờ vị "chăm sóc" Tống.
Doanh nhân Tống Chí Viễn cũng sa lưới sau khi Ngụy bị bắt. Ảnh: CCTV
“Ở thời điểm ấy, tôi thấy việc đó đơn giản. Tôi chả buồn nghĩ ngợi nhiều, mà lập tức gọi cho Phó bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên. Việc đó giống như ‘thuận nước đẩy thuyền’, mà lại không vi phạm nguyên tắc làm việc”, Ngụy nói với ekip sản xuất phim tài liệu chống tham nhũng “Để rèn sắt thì bản thân cần rắn rỏi” của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV).
Vài ngày sau, dự án của Tống được lãnh đạo tỉnh Tứ Xuyên phê duyệt. Từ đó, Tống thường xuyên quà cáp cho Ngụy. Theo ước tính của cơ quan điều tra, số tiền hối lộ Ngụy nhận từ doanh nhân Tống lên tới hàng chục triệu Nhân dân tệ.
Theo CCDI, Ngụy sau mỗi lần nhận hối lộ tiền, ngọc quý hay các báu vật như tượng vàng, ngà voi đều mang vào cất trong một căn phòng. “Tôi thường không có thời gian để tiêu tới số tiền nhận hối lộ đó. Điều kiện của gia đình tôi cũng khá giả, nên tôi thường cất chúng vào một căn phòng và khóa lại”, Ngụy thừa nhận.
Vào tháng 1/2017, Ngụy bị đưa ra xét xử và bị kết án 6 năm tù do nhận hối lộ hơn 54,1 triệu Nhân dân tệ (hơn 189,3 tỷ VND) từ nhiều cá nhân và doanh nghiệp.
Nhiều xấp tiền USD và Euro tìm thấy trong nhà Ngụy. Ảnh: CCTV
Ảnh: CCTV
Miếng vàng 1kg tìm thấy trong nhà Ngụy. Ảnh: CCTV
Ngọc quý và đồng hồ đắt tiền được tìm thấy trong nhà Ngụy. Ảnh: CCTV
Ngà voi, tượng vàng trong nhà Ngụy. Ảnh: CCTV
Hàng chục thẻ ngân hàng trong nhà Ngụy. Ảnh: CCTV
Video: CCTV
Đầu tháng 5, Trung Quốc đã phát động một chiến dịch đặc biệt mới mang tên Sky Net 2024 nhắm vào các quan chức tham nhũng đã trốn ra nước ngoài. Thậm chí, các cơ quan chức năng của Trung Quốc còn đang thúc đẩy việc xây dựng cơ chế tích hợp truy đuổi kẻ bỏ trốn, ngăn chặn bỏ trốn, thu hồi tài sản và chống tham nhũng xuyên quốc gia.
Nguồn: [Link nguồn]