Bên trong bộ máy của Mỹ giúp đảm bảo dòng chảy vũ khí đến Ukraine
Hàng nghìn nhân viên hậu cần, đến từ các nhánh của Lực lượng vũ trang Mỹ, chịu trách nhiệm làm việc để đảm bảo rằng viện trợ quân sự của Mỹ sẽ đến Ukraine, thông qua các phương tiện máy bay, tàu hỏa và tàu thủy.
Kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu từ hồi tháng 2, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chi hàng tỷ USD viện trợ quân sự cho chính phủ Ukraine. Các loại vũ khí bao gồm súng máy do Mỹ sản xuất, pháo và bệ phóng tên lửa pháo binh, cũng như vũ khí do Nga thiết kế mà quân đội nước này vẫn được sử dụng, như trực thăng Mi-17, New York Times đưa tin.
Lầu Năm Góc đã gửi nhiều vật phẩm từ kho vũ khí của mình để viện trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, để vận chuyển được đến Ukraine, họ cần sự phối hợp hậu cần của các đội ở căn cứ quân sự tại bang Illinois.
Tại Căn cứ Không quân Scott ở Illinois, các nhân viên thuộc Bộ Tư lệnh Giao thông vận tải Mỹ quyết định xem viện trợ quân sự cho Ukraine sẽ đi bằng đường hàng không hay đường biển. Ảnh: Michael B. Thomas/ New York Times
Tại Căn cứ Không quân Scott, nơi trưng bày khoảng 6 chiếc máy bay vận tải đã "nghỉ hưu" ngay bên ngoài cổng chính, hàng nghìn nhân viên hậu cần từ các nhánh của lực lượng vũ trang thực hiện các công việc tại bộ Tư lệnh Vận tải Mỹ (Transcom).
Transcom đã thiết lập quy trình vận chuyển hàng viện trợ quân sự từ Mỹ đến Ukraine, bắt đầu từ tháng 8/2021 và ở cường độ cao sau cuộc xâm lược của Nga bắt đầu từ ngày 24/2.
Quy trình này bắt đầu khi chính phủ ở Kyiv gửi yêu cầu đến một trung tâm hỗ trợ tại một căn cứ của Mỹ ở Stuttgart, Đức, nơi một liên minh gồm hơn 40 quốc gia điều phối viện trợ.
Một số đơn đặt hàng được thực hiện bởi đối tác hoặc đồng minh của Mỹ và phần còn lại do quốc gia này xử lý - được chuyển thông qua Bộ Chỉ huy Châu Âu của Mỹ, cũng ở Stuttgart, cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin III và Tổng Tham mưu quân đội Mỹ -Tướng Mark Milley, những người sẽ thảo luận về chúng trong các cuộc họp hàng tuần với các trưởng dịch vụ và chỉ huy tác chiến.
Nếu các mặt hàng mong muốn có sẵn và các chỉ huy chiến đấu quyết định rằng việc giao chúng cho Ukraine sẽ không gây hại quá nhiều cho kế hoạch của họ, Tướng Milley đưa ra đề xuất với ông Austin, sau đó sẽ trình đề xuất với Tổng thống Biden. Nếu tổng thống không phê duyệt, Transcom sẽ tìm cách chuyển viện trợ đến sân bay hoặc cảng gần Ukraine.
Binh sĩ Ukraine bắn một khẩu lựu pháo M777 do Mỹ cung cấp tại khu vực Donetsk vào tháng 6. Ảnh: Michael B. Thomas/ New York Times
Lệnh di chuyển một chiếc trực thăng được gửi từ trụ sở của Transcom ở căn cứ tại Illinois đến Trung tâm điều hành hàng không số 618, nơi lắp đặt các đồng hồ hiển thị giờ địa phương tại các căn cứ không quân lớn của Mỹ ở California, Alaska, Hawaii, Nhật, Qatar và Đức.
Đại tá Buente điều hành các hoạt động hàng ngày tại Trung tâm Điều hành Hàng không 618, nơi có khoảng 850 phi công, nhân viên dự bị và người dân, dành cả ngày để lập kế hoạch cho các nhiệm vụ như bàn giao trực thăng cho Ukraine. Để đảm bảo những kế hoạch đó được thực hiện là trách nhiệm của một nhóm nhỏ hơn, làm việc theo ca gồm 60 người, 24 giờ một ngày suốt cả năm, tuân theo bảng phân công nhiệm vụ được đăng tải trên một màn hình cập nhật liên tục, treo trên tường.
Trung tâm cũng là nơi đã tổ chức cuộc di tản hàng loạt người Mỹ và Afghanistan khỏi thủ đô Kabul vào tháng 8/2021. Các quan chức tiết lộ, vào ngày bận rộn nhất thời điểm đó, 21.000 hành khách đã được sơ tán khỏi sân bay Kabul, với các chuyến bay cất cánh hoặc hạ cánh sau mỗi 90 phút.
Đó là khoảng thời gian bận rộn đối với Transcom, trung bình một ngày không chỉ lập kế hoạch và điều phối khoảng 450 chuyến bay chở hàng mà còn giám sát khoảng 20 tàu chở hàng, cùng với mạng lưới đường sắt xuyên lục địa và hơn một nghìn xe tải.
Các chuyến bay cũng vận chuyển hỗ trợ nhân đạo và các nguồn cung cấp khác khi cần thiết, bao gồm cả các chuyến hàng sữa bột trẻ em vào tháng 5 để giảm bớt tình trạng thiếu hụt ở Mỹ.
Chỉ huy tất cả công việc này là Tướng Jacqueline D. Van Ovost của Lực lượng Không quân Mỹ, nữ sĩ quan thứ 2 từng nắm quyền lãnh đạo một trong 11 bộ tư lệnh tác chiến của Lầu Năm Góc.
Đối với các chuyến vũ khí gửi cho Ukraine, kế hoạch bắt đầu từ lâu trước khi Nhà Trắng công bố gói viện trợ mới, bà Van Ovost nói.
Tướng Jacqueline D. Van Ovost, chỉ huy của Transcom. Ảnh: Michael B. Thomas/ New York Times
Ông Biden đã phê duyệt gói tài trợ quân sự đầu tiên cho Kiev, trị giá 60 triệu USD vào ngày 27/8. Thời điểm đó, mất khoảng một tháng để đưa các khí tài và trang thiết bị lên máy bay sau quyết định phê duyệt, theo Tướng Van Ovost.
Nhà Trắng đã công bố 13 gói viện trợ tiếp theo cho Ukraine và quá trình lập kế hoạch đã tiến triển đến mức, hiện chỉ mất chưa đầy 1 ngày kể từ khi tổng thống phê duyệt đến khi lô hàng đầu tiên được chất lên máy bay vận tải.
Trung bình mỗi ngày, Transcom không chỉ lập kế hoạch và điều phối khoảng 450 chuyến bay chở hàng mà còn giám sát khoảng 20 tàu chở hàng, cùng với mạng lưới đường sắt xuyên lục địa và hơn một nghìn xe tải. Ảnh: Michael B. Thomas/ New York Times
Trung tâm hoạt động của Transcom quyết định gửi viện trợ vũ khí đến Ukraine qua máy bay chở hàng hay bằng tàu thủy dựa trên mức độ nhanh chóng của Bộ Tư lệnh Châu Âu. Mặc dù các máy bay chở hàng quân sự như C-17 cung cấp tùy chọn giao hàng nhanh nhất nhưng chúng cũng có chi phí cao nhất. Khoảng một nửa các hoạt động vận tải đường không của Transcom do một đội máy bay thuê ngoài, bao gồm cả máy bay Boeing 747, mỗi chiếc có thể chở gấp đôi trọng lượng của một chiếc C-17.
Tuy nhiên, bất cứ khi nào có thể, các nhà hoạch định quân sự gửi hàng hóa trên tàu chở hàng, một lựa chọn ít tốn kém hơn.
Nguồn: [Link nguồn]
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine – ông Oleksii Reznikov – tuyên bố, quân đội nước này đã “vượt qua bài kiểm tra” trong việc sử dụng các vũ khí tầm xa do phương Tây viện trợ,...