Bầu cử tổng thống Mỹ: Xu thế năm 2016 đang tái lập

Năm 2016, ứng viên Hillary Clinton thất bại có nguyên nhân từ sự ủng hộ của phe Dân chủ, đặc biệt là thiếu chuẩn xác trong việc ra đòn để “đánh hội đồng” đối thủ Donald Trump. Năm nay, mọi việc dường như đang lặp lại...

Sự dẫn trước của ứng viên Joe Biden đang liên tục bị rút ngắn

Ngay trước thềm đại hội đảng Dân chủ, sự kiện chính trị diễn ra để chính thức đề cử đại diện của đảng tham gia cuộc chay đua vào Nhà Trắng - mà đương nhiên là cựu Phó Tổng thống Joe Biden, thuộc đảng Dân chủ, đã nhận tin không vui.

Đó là theo khảo sát mới nhất của CNN/SSRS, thực hiện từ ngày 12-15/8, sự dẫn trước của ứng viên Biden so với ứng viên đảng Cộng hòa – đương kim Tổng thống Donald Trump - trong số các cử tri đã đăng ký bị thu hẹp đáng kể, nếu lấy kết quả khảo sát từ tháng 6 để so sánh.

Đặc biệt là cuộc khảo sát được thực hiện ngay sau khi ông Biden chính thức đề cử Thượng nghị sĩ Kamala Harris của bang California tham gia liên danh tranh cử trong vai trò phó tổng thống - sự kiện được đánh giá là có tác động tích cực tới phe Dân chủ.

Mặc dù cựu phó tổng thống Mỹ duy trì lợi thế trước đương kim tổng thống trong một số vấn đề ưu tiên hàng đầu, nhưng trong số cử tri "cực kỳ nhiệt tình" với việc bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm nay - khoảng 53% - tỉ lệ dẫn trước đã rút ngắn đáng kể.

Cuộc đua Donald Trump - Joe Biden đã vào hồi gay cấn. Ảnh: THE INDEPENDENT

Cuộc đua Donald Trump - Joe Biden đã vào hồi gay cấn. Ảnh: THE INDEPENDENT

Khoảng 50% cử tri đã đăng ký được thăm dò cho biết sẽ bỏ phiếu cho liên danh Biden-Harris, trong khi 46% cho biết sẽ bỏ phiếu cho liên danh Trump-Pence, biên độ sai số là +- 4 %.

Trong khi ở tháng 7, tỷ lệ này là 55% dành cho ông Biden và 40% dành cho ông Trump, và trước đó trong tháng 6 là 55% dành cho ứng viên đảng Dân chủ và 41% dành cho ứng viên đảng Cộng hòa. Nghĩa là tỉ lệ dẫn trước luôn ở hai con số. 

Trong số 72% cử tri cực kỳ và rất nhiệt tình với việc bỏ phiếu vào mùa thu này, lợi thế của ông Biden so với ông Trump là 53% và 46%. Tuy nhiên, đáng chú ý là tỉ lệ đó tại các bang chiến địa, vốn có tác động quyết định đến cuộc bầu cử, lại hẹp hơn nhiều.

Trong khi đó, khảo sát của   ở 15 bang chiến địa, gồm Florida, Arizona, Bắc Carolina, Michigan Pennsylvania, Wisconsin, Georgia, Nevada, Iowa, Colorado, Ohio, Utah, Maine, Virginia và New Hampshire, cho thấy đã có sự thay đổi lớn.

Theo đó ứng viên Biden có sự ủng hộ của 49% số cử tri đã đăng ký đi bỏ phiếu, trong khi ứng viên Trump có sự ủng hộ của 48% số cử tri.

Tuy nhiên, cụ thể thì ông Trump có sự ủng hộ của 10 bang, còn ông Biden thì có sự ủng hộ tại năm bang. Vì vậy, nếu xét về khả năng giành phiếu đại cử tri thì tại "sân chơi chiến địa" phần thắng nghiêng về ứng viên đảng Cộng hòa.

Trên toàn quốc, tỉ lệ ủng hộ ông Trump vẫn ở mức khá xa so với ông Biden, khi chỉ 43% cử tri nhìn nhận tích cực, 55% nhìn nhận không tích cực với đương kim tổng thống, trong tỷ lệ dành cho cựu phó tổng thống Mỹ là 46% tích cực và 47% không tích cực.

Tuy nhiên, tại các bang chiến địa, quan điểm của cử tri với hai ứng cử viên gần như đồng đều: 52% có quan điểm không tích cực với ông Biden, 54% với ông Trump. Cả hai ứng cử viên đều được 45% cử tri đánh giá tích cực ở các bang đó.

Đáng lưu ý, có 50% cử tri được khảo sát đánh giá ứng viên Biden có khả năng giữ cho người Mỹ an toàn, trong khi chỉ có 47% đánh giá cao ứng viên Trump trong khả năng này, mà lý do là xuất phát từ việc xử lý công việc.

Cụ thể, 49% cử tri coi ứng viên Biden có "kế hoạch rõ ràng để giải quyết các vấn đề của đất nước, trong khi chỉ 43% đánh giá tích cực với ông Trump. 52% cử tri đánh giá ông Biden có khả năng "quản lý chính phủ hiệu quả" so với 44% dành cho ông Trump.

Nhìn chung, theo kết quả khảo sát của CNN/SSRS, cựu Phó Tổng thống Biden nắm giữ lợi thế trước Tổng thống Trump về một loạt đặc điểm tích cực thường được coi là có giá trị trong quá trình chạy đua vào Nhà Trắng.

Tuy nhiên, trong vấn đề được xem là ảnh hưởng quyết định nhất đối với sự lựa chọn của cử tri hiện nay là sức chịu đựng và sự sắc bén để trở thành tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, thì 48% cử tri tin ông Trump, trong khi chỉ có 46% tin ông Biden.

Cuộc khảo sát CNN/SSRS thực hiện qua chọn mẫu ngẫu nhiên, gồm 1.108 người trưởng thành được người phỏng vấn trực tiếp hay qua điện thoại cố định hoặc điện thoại di động, trong đó có 987 cử tri đã đăng ký.

Đặc biệt cuộc khảo sát tiến hành với số lượng lớn cư dân của 15 bang chiến đại với 636/1.108 tổng số mẫu và 569/987 cử tri đã đăng ký đến từ các bang đó. Tập hợp con được tính theo tỷ lệ thích hợp trong tổng dân số trưởng thành của Mỹ.

Xu thế của cuộc bẩu cử tổng thống năm 2016 đang tái lập?

Với kết quả thăm dò mới nhất của CNN/SSRS, dường như những gì xảy ra trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 đang lặp lại trong năm 2020, thậm chí sự tiệm cận giữa hai đường biểu thị ủng hộ của cử tri dành cho hai ứng viên còn nhanh hơn.

Bởi theo kết quả khảo sát của Reuters/Ipsos tháng 6-2016, 46% cử tri đã đăng ký ủng hộ cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton - ứng viên của đảng Dân chủ, trong khi chỉ 34,8% ủng hộ ông Trump. Tức là khi đó, bà Clinton dẫn trước ông Trump 11 điểm phần trăm trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Xu thế cuộc đua Donald Trump - Hillary Clinton dường như đang lặp lại. Ảnh : ABC NEWS

Xu thế cuộc đua Donald Trump - Hillary Clinton dường như đang lặp lại. Ảnh : ABC NEWS

Kết quả khảo sát của Reuters/Ipsos tháng 7-2016 cho thấy 43% số cử tri đăng ký ủng hộ bà Clinton trở thành vị tổng thống thứ 45 của Mỹ, trong khi chỉ 36% hy vọng ông Trump sẽ là chủ nhân mới của Nhà Trắng.

Vào tháng 8-2016, theo khảo sát của CNN/SSRS trên toàn nước Mỹ, ứng viên Clinton vẫn chỉ dẫn trước ứng viên Trump có 8 điểm phần trăm, cụ thể là bà Clinton được 48% cử tri đăng ký ủng hộ, còn ông Trump chỉ được 40%.

Đặc biệt ở các bang chiến địa, tỉ lệ ủng hộ đại diện của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng gần như ngang ngửa. Lúc đó vị tỉ phú bất động sản chỉ dẫn trước cựu nữ ngoại trưởng ở hai bang Ohio và Iowa.

Báo Los Angeles Times ngày 15-9-2016 từng nhận định rằng dù sự dẫn trước của ứng viên Clinton so với ứng viên Trump đã bị thu hẹp khi cuộc bầu cử tổng thống đã cận kề, nhưng đảng Dân chủ không có gì phải hoảng sợ vì bà Clinton sẽ thắng cử.

Tuy nhiên, hãng tin CNN ngày 17-9-2016, đã bình luận rằng sẽ có thay đổi lớn trong giai đoạn nước rút của cuộc đua vào chiếc ghế tổng thống Mỹ lần thứ 57 và điều này không thể không đáng lo lắng với phe Dân chủ.

Không chỉ những con số khảo sát thể hiện sự lặp lại cuộc bầu cử năm 2016, mà cả những động thái của hai ứng cử viên và hai đảng chính trị - nhất là đảng Dân chủ - cũng sự lặp lại những gì họ đã thể hiện cách đây bốn năm.

Với quyết tâm không để cho phe Cộng hòa tiếp tục "chiếm giữ" Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa, nên khi nhận diện đối thủ có những bất lợi, phe Dân chủ đã thực hiện chiến dịch "đánh hội đồng ông Trump" như từng làm bốn năm trước.

Nếu như năm 2016, ông Barack Obama đi tiên phong trong chiến dịch "đánh hội đồng ông Trump" với vai trò là đương kim tổng thống, thì năm 2020, ông Obama vẫn đóng vai trò tiên phong trong chiến dịch này, dù đã là cựu nguyên thủ quốc gia.

Cũng như bốn năm trước, vị tổng thống thứ 44 của nước Mỹ và phe Dân chủ đã tận dụng bất cứ diễn đàn nào, trong bất cứ sự kiện gì nhận thấy có thể tạo lợi điểm cho ứng viên của đảng mình là sẵn sàng tung đòn tấn công đối thủ.

Nếu năm 2016, để ủng hộ ứng viên Clinton, phe Dân chủ cho rằng vị tỉ phú bất động sản "không có khả năng làm tổng thống", thì năm 2020, để ủng hộ ứng viên Biden, phe Dân chủ chỉ rõ vị tổng thống doanh nhân là "sai lầm của lịch sử".

Nếu năm 2016, để ủng hộ liên danh giữa bà Clinton với Thượng nghị sĩ Tim Kaine, phe Dân chủ đã nhận định ông Trump "không thể làm tổng thống", thì năm 2020, để ủng hộ liên danh Biden-Harris, phe Dân chủ khẳng định ông Trump "không biết làm tổng thống".

Cũng như bốn năm trước, để tăng hiệu quả cho chiến dịch "đánh hội đồng ông Trump", phe Dân chủ đã tranh thủ cả sự ủng hộ từ những nhân vật chính trị nổi tiếng và uy tín bên phía đảng Cộng hoà vốn “ghét bỏ” ông Trump.

Nếu như năm 2016, các cựu ngoại trưởng Colin Powell và Condoleezza Rice đã đi tiên phong trong việc "vặt lông gà nhà", thì năm 2020, cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cũng “lĩnh ấn tiên phong” trong việc tiếp tay cho đối thủ.

Nếu như năm 2016, nữ cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Rice khẳng định không bỏ phiếu cho ông Trump, thì năm 2020, cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Powell cho biết sẽ bỏ phiếu cho ông Biden.

Ngược lại, cũng như bốn năm trước, vị tỉ phú bất động sản Trump của năm 2016, vị tổng thống doanh nhân Trump của năm 2020, đã lặp lại cách phản đòn quen thuộc và dường như hiệu quả cũng đang lặp lại sau những cú phản đòn.

Giới phân tích cho rằng với tốc độ tiệm cận giữa hai đường biểu thị ủng hộ của cử tri ông Trump và ông Biden và hiệu quả phản đòn của ứng viên phe Cộng hòa, cho thấy việc ra đòn của phe Dân chủ dường như thiếu chuẩn xác.

Có thể thấy năm 2016, ứng viên Clinton thất bại cay đắng có nguyên nhân từ chiến dịch ủng hộ của phe Dân chủ, mà trong đó đặc biệt thiếu chuẩn xác trong việc ra đòn để "đánh hội đồng ông Trump", từ bài - miếng đến cách thức và thời điểm ra đòn.

Bởi sau mỗi lần phe Dân chủ ra đòn thì kết quả khảo sát lại cho thấy tỉ lệ ủng hộ của cử tri dành cho "gà nhà" bị tụt giảm một ít, rút ngắn tỉ lệ dẫn trước đối thủ, để rồi đến trước thềm bầu cử thì hai đường biểu thị ủng hộ của cử trị gần như trùng nhau. 

Phe Dân chủ được cho là quyết tránh lặp lại sai lầm của bốn năm trước, song thực tế cho thấy xu thế ấy đang lặp lại. Đi vào cụ thể từng vấn đề sẽ nhận thấy phe Dân chủ dường như đang đi vào vết xe đổ.

Nguồn: [Link nguồn]

Ông Trump bị tòa yêu cầu bồi thường cho sao phim khiêu dâm

Một tòa án ở bang California đã yêu cầu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tuần này phải trả 44.100 USD chi phí thuê luật sư...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGỌC VIỆT ([Tên nguồn])
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN