Bầu cử tổng thống Mỹ tác động nhiều nước: Ai ủng hộ ai?

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Dù ông Donald Trump về đích trong cuộc đua vào Nhà Trắng ngày 5/11, trở thành tổng thống đầu tiên của Mỹ trong 132 năm qua phục vụ 2 nhiệm kỳ không liên tiếp, hay bà Kamala Harris giữ ngôi vị nữ tổng thống đầu tiên của xứ cờ hoa, thì nhiều nước trên thế giới đều quan tâm đến chính sách đối nội, đối ngoại của họ.

Đến nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không công khai ủng hộ ứng viên tổng thống Mỹ nào; trong khi nhiều học giả Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh có lẽ hơi nghiêng về bà Kamala Harris. Cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều có quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc. Chính trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Donald Trump đã khơi mào cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, áp thuế với 250 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc (khiến nước này trả đũa áp thuế với 110 tỷ USD hàng Mỹ).

Nếu tái đắc cử, ông Trump nhiều khả năng sẽ không nhẹ tay với Trung Quốc, trong khi đảng Cộng hòa có thể muốn gia tăng kiềm chế ảnh hưởng đang tăng của nước này. Nếu trở thành chủ nhân Nhà Trắng, bà Harris có thể giữ nguyên chính sách thời ông Joe Biden đối với Bắc Kinh. Khi trở thành tổng thống, ông Biden giữ nguyên mức thuế thời chính quyền Trump, rồi ngày 13/9 vừa qua, ông tuyên bố tăng thuế với một số sản phẩm Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump gặp nhau tại Bắc Kinh ngày 9/11/2017. Ảnh: Getty Images.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump gặp nhau tại Bắc Kinh ngày 9/11/2017. Ảnh: Getty Images.

Đợt bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng không công khai thể hiện yêu thích ứng viên nào, dù có nhiều chỉ dấu cho thấy ông mong sự tái đắc cử của ông Trump. Hai ông từng thể hiện là dành tình cảm tốt đẹp cho nhau và nhiều động thái, ngụ ý của ông Trump được xem là có lợi cho người Nga như gây sức ép hoặc chia rẽ trong NATO, EU, đồng minh Đông Á; khả năng cắt giảm hỗ trợ quân sự cho Ukraine, giảm nhẹ trừng phạt Nga…

Cuối tháng 10/2024, trong buổi bế mạc hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nga, Tổng thống Putin cho biết, ông Trump “đã nói về mong muốn làm mọi thứ để chấm dứt xung đột ở Ukraine, và tôi nghĩ ông ấy nói rất chân thành”. Ông Trump từng nói sẽ lập tức chấm dứt xung đột Nga-Ukraine nếu tái đắc cử.

Ngày 9/7/2024, một quan chức tình báo Mỹ nói với báo giới ngụ ý rằng, Nga ủng hộ ông Trump trong đợt bầu cử năm nay. Trước đợt bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, tại cuộc họp báo hằng năm, Tổng thống Nga nói: “Không nghi ngờ gì nữa, ông ấy (Donald Trump) là một người sáng láng và tài năng”.

Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay nhau tại Phần Lan ngày 16/7/2018. Ảnh: Al Jazeera.

Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay nhau tại Phần Lan ngày 16/7/2018. Ảnh: Al Jazeera.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng có mối quan hệ hữu hảo với ông Trump giai đoạn ông làm việc tại Nhà Trắng. Năm 2019, tại Hội đồng Người Mỹ gốc Israel, ông Trump phát biểu: “Nhà nước Do Thái chưa bao giờ có một người bạn nào tốt hơn tổng thống của các bạn ở Nhà Trắng”.

Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Trump gia tăng sức ép lên Iran, công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, giúp bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Israel và các quốc gia Ảrập… Năm 2020, Thủ tướng Netanyahu tuyên bố, ông Trump là “người bạn tuyệt vời nhất mà Israel từng có tại Nhà Trắng”.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Mỹ tháng 7/2024. Ảnh: The New York Times.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Mỹ tháng 7/2024. Ảnh: The New York Times.

“Ông Trump không thích các cơ chế đa phương nên đã rút khỏi hiệp định TPP, vậy thì ông ấy sẽ không thúc đẩy IPEF, thậm chí khai tử luôn. Khả năng kết nối kinh tế - thương mại của Mỹ với khu vực theo khuôn khổ đa phương sẽ không còn nữa. Tuy nhiên, một số cơ chế tiểu đa phương như Bộ tứ vẫn sẽ tồn tại, vì chính ông Trump là người đã tái khởi động khuôn khổ này” - Đại sứ Phạm Quang Vinh , nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ.

Phần lớn lãnh đạo các nước châu Âu, NATO mong muốn bà Harris trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói với các phóng viên: “Tôi biết bà ấy (Kamala Harris) rất rõ. Bà ấy chắc chắn sẽ là một tổng thống tốt”. Bà có khả năng sẽ tiếp tục cho thực hiện Đạo luật Giảm lạm phát của chính quyền Biden và các kế hoạch chuyển đổi năng lượng sạch, tạo cơ hội hợp tác với EU.

Trong khi đó, ông Trump vận động sản xuất nhiều nhiên liệu hóa thạch hơn để giúp Mỹ giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng nước ngoài, đồng nghĩa giảm hợp tác với EU trong các sáng kiến ​​năng lượng tái tạo. Ngoài ra, ông Trump nhiều lần đe dọa rút Mỹ khỏi NATO. Ông muốn các đồng minh NATO tăng chi tiêu quốc phòng của họ để giảm gánh nặng cho Mỹ. Ông từng ám chỉ rằng, ông sẽ nói Nga tấn công các đồng minh NATO mà ông coi là “trễ hạn”.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Euronews.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Euronews.

Khi ông Trump làm tổng thống, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có mối quan hệ thân thiết với ông. Chính phủ Ấn Độ hiện nay có thể an tâm rằng, các vấn đề nội bộ của nước này, bao gồm vấn đề nhân quyền, sẽ không bị soi xét nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng.

Nhưng dù ông Trump hay bà Harris thắng cử, Mỹ vẫn sẽ tăng cường quan hệ với Ấn Độ, coi nước này là đối tác chiến lược lâu dài, nhất là trong phát triển kinh tế, cạnh tranh với Trung Quốc.

Hàn Quốc là đồng minh chủ chốt của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương. Dưới thời chính quyền Trump, nhiều người Hàn Quốc thất vọng trước cáo buộc rằng họ không đóng góp đủ cho quốc phòng và duy trì lực lượng Mỹ. Dưới thời chính quyền Biden, phía Hàn Quốc cho rằng, Mỹ làm không đủ nhiều, đủ mạnh để xử lý mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên.

Vì vậy, dù ông Trump hay bà Harris trở thành chủ nhân Nhà Trắng, Seoul muốn Washington duy trì sự ủng hộ dưới thời tổng thống tiếp theo trong bối cảnh Hàn Quốc vẫn lo lắng trước một Triều Tiên hạt nhân và một Trung Quốc quyết liệt hơn.

Bà Kamala Harris đang có cơ hội trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ. Ảnh: Vanity Fair.

Bà Kamala Harris đang có cơ hội trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ. Ảnh: Vanity Fair.

Trong khi đó, Nhật Bản lo rằng, nếu tái đắc cử, ông Trump sẽ ưu tiên các chính sách trong nước và giảm hợp tác với Tokyo, tăng thuế quan, kỳ vọng Tokyo sẽ tăng chi tiêu quân sự.

Các thành viên nội các Nhật Bản đã hình thành mối quan hệ với các quan chức từ chính quyền Trump trước đây, bao gồm cựu Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Bill Hagerty. Ông Hagerty (đại sứ tại Tokyo giai đoạn 2017-2019 dưới thời Trump) được coi là ứng viên sáng giá cho chức ngoại trưởng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe năm 2019. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe năm 2019. Ảnh: Reuters.

Nhiều người Úc có thể ủng hộ bà Harris hơn là ông Trump vì hai lý do chính. Úc có quan hệ thương mại đáng kể với Trung Quốc và chiến thắng của ông Trump có nghĩa tiếp tục cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, và điều này có thể gây bất lợi cho nền kinh tế Úc.

Ngoài ra, nếu tái đắc cử, ông Trump có khả năng sẽ rút khỏi Thỏa thuận Paris và điều này có thể làm suy yếu ảnh hưởng của Umbrella Group - liên minh khí hậu không chính thức mà Úc là thành viên.

“Nếu ông Trump chiến thắng, ông ấy chắc chắn sẽ ủng hộ Israel mạnh hơn… Về quan hệ với Trung Quốc, có lẽ đây là điểm chung hiếm hoi giữa bà Harris và ông Trump, vì họ đều coi Trung Quốc là đối thủ, là mối đe dọa của nước Mỹ. Tuy nhiên, cách làm của họ sẽ khác nhau. Bà Harris có thể sẽ tiếp tục phương pháp của Tổng thống Biden là sử dụng nhiều đối tác và đồng minh của mình” - Thạc sĩ Hoàng Việt , giảng viên Trường Ðại học Luật TPHCM.

Nguồn: [Link nguồn]

Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa tỏ ra “rất tự tin” về cơ hội của mình trong cuộc bầu cử.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái An ([Tên nguồn])
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN