Bầu cử tổng thống Mỹ: Những yếu tố quyết định cuộc đua kịch tính ở 7 bang chiến trường

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Các bang chiến trường thay đổi theo thời gian, khi xu hướng kinh tế và nhân khẩu học của nước Mỹ thay đổi.

Bầu cử tổng thống Mỹ: Những yếu tố quyết định cuộc đua kịch tính ở 7 bang chiến trường - 1

Các bang xanh là thành trì của đảng Dân chủ, bang đỏ ủng hộ đảng Cộng hoà, còn 7 bang dao động (màu vàng) sẽ quyết định kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024. Các bang dao động gồm: Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, North Carolina, Pennsylvania và Wisconsin

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ là sự kiện lớn, với quy trình bỏ phiếu qua thư bắt đầu vài tuần trước khi cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 5/11.

Bỏ phiếu trực tiếp diễn ra từ ngày 5/11 tại thị trấn nhỏ Dixville Notch của bang New Hampshire và tiếp tục cho đến khi kết thúc vào 7h tối theo múi giờ Hawaii-Aleutian (chậm hơn 10 giờ so với giờ chuẩn Greenwich), tức là vào ngày hôm sau ở miền đông.

Tuy nhiên, trong hệ thống của Mỹ, số phiếu phổ thông không quyết định kết quả bầu cử. Mỗi bang nhận được một số phiếu nhất định dựa trên quy mô của từng bang, gọi là đại cử tri đoàn. Những phiếu đại cử tri được chia cho từng bang và ở tất cả các bang ngoại trừ Maine và Nebraska – nơi người chiến thắng phiếu phổ thông sẽ được tất cả phiếu đại cử tri.

Vì nhiều tiểu bang trung thành bỏ phiếu cho đảng Dân chủ hoặc Cộng hòa trong các cuộc bầu cử tổng thống trước đây, nên kết quả cuối cùng thường phụ thuộc vào một số ít nơi có sự cạnh tranh, gọi là các bang chiến trường. Năm nay, 7 bang được coi là chiến trường.

Nhóm đó bao gồm những nơi từng là thủ phủ sản xuất lâu đời nhưng gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thế kỷ 21, các bang ở phía nam đang phát triển nhanh chóng, nơi từng là thành trì của đảng Cộng hòa nhưng ngày càng trở nên đa dạng.

Cả 7 bang đều có những thay đổi về nhân khẩu học liên tục, từ đó có thể ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng. Năm 2020, trong số 538 phiếu bầu đại cử tri đoàn, các bang chiến trường chiếm 94 phiếu, tức là chưa đến 20%.

Nhờ chiến thắng sít sao ở Arizona, Nevada và Georgia, ứng viên Joe Biden năm đó giành được 302 phiếu đại cử tri đoàn.

Các bang chiến trường cũng thay đổi theo thời gian, khi xu hướng kinh tế và nhân khẩu học của đất nước thay đổi.

Ví dụ, Florida và Ohio từng là nơi cạnh tranh quyết liệt trong các cuộc bầu cử trước đây, nhưng hiện nay nghiêng về đảng Cộng hòa. Thay đổi về nhân khẩu học cũng đưa các phía nam như Bắc Carolina và Georgia vào tay đảng Dân chủ.

Các cuộc thăm dò cho thấy cuộc đua sít sao giữa Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump ở những bang chiến trường năm nay.

Bầu cử tổng thống Mỹ: Những yếu tố quyết định cuộc đua kịch tính ở 7 bang chiến trường - 2

Kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có thể được quyết định chỉ bởi vài chục nghìn phiếu bầu rải rác trên khắp các bang chiến trường. (Đồ hoạ: Reuters)

Mô hình bỏ phiếu

Mô hình bỏ phiếu từ các cuộc bầu cử trước đây cho thấy lý do nhóm bang chiến trường được các ứng viên cực kỳ coi trọng và đầu tư để vận động.

Đảng Dân chủ có thể dựa vào nhóm ủng hộ các giá trị tiến bộ ở New England và Bờ Tây để giành chiến thắng ở đó, trong khi đảng Cộng hòa nhận được sự ủng hộ vững chắc trên khắp các bang bảo thủ hơn ở miền nam.

Ông Biden giành chiến thắng ở 6 trong số 7 bang chiến trường trong cuộc bầu cử năm 2020. Các cuộc bầu cử trước đây cũng cho thấy cách biệt giữa hai đảng đã thu hẹp, khiến cuộc cạnh tranh ở các bang chiến trường càng gay cấn.

Chiến thắng của ông Trump ở Michigan và Wisconsin năm 2016 đặc biệt gây ngạc nhiên đối với phe Dân chủ, vì họ tin tưởng vào thành tích đáng kể của họ ở những khu vực mà họ có sự hiện diện mạnh mẽ trong các nghiệp đoàn. Cả hai bang đều chuyển sang ủng hộ ông Biden trong cuộc bầu cử năm 2020 và sẽ đóng vai trò trung tâm trong cuộc bầu cử năm nay.

Bài học cay đắng

Dù cả hai phe đều đầu tư tổ chức sự kiện trên thực địa và điều chỉnh thông điệp của họ ở các bang chiến trường, nhưng xu hướng thay đổi ở mỗi bang khiến thông điệp của hai ứng viên được chấp nhận ở mức độ khác nhau.

Đó là điều mà ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton đã rút ra theo cách khó khăn vào năm 2016, khi bà không hiểu sức mạnh ngày càng lớn của ông Trump ở Michigan và Wisconsin, nơi độ tuổi trung bình của cử tri tăng dần và các ngành công nghiệp chủ chốt ở đó chật vật cạnh tranh trong nền thương mại toàn cầu và ông Trump đã nắm bắt được tâm lý đó.

Biến động nhân khẩu

Lần này, những thay đổi về nhân khẩu học có thể tạo ra bối cảnh dễ dàng hơn với bà Harris. Dân số da trắng đã giảm ở cả 7 chiến trường, trong khi dân số người châu Á, da đen và gốc Tây Ban Nha hầu như đều tăng. Bản thân bà Harris có bố mẹ là người da đen và người châu Á.

Ông Trump gây bất ngờ trong cuộc bầu cử năm 2016 một phần nhờ thông điệp của ông với nhóm cử tri lao động chân tay, cử tri ở những vùng thưa dân hơn hoặc phụ thuộc kinh tế nhiều vào ngành sản xuất. Ông làm kém hơn ở những khu vực với tỷ lệ dân số có trình độ đại học cao hơn.

Tỷ lệ người có bằng cấp đã tăng ở tất cả các bang chiến trường kể từ khi ông Trump giành chiến thắng cách đây 8 năm.

Cuộc thăm dò gần đây do Reuters/IPSOS thực hiện cho thấy bà Harris đang dẫn đầu mạnh mẽ trong nhóm cử tri đó. Số người trong độ tuổi bỏ phiếu cũng đang tăng lên. Điều đó khiến cuộc đua giành giật nhóm cử tri trẻ tuổi trở nên khốc liệt ở các bang dao động. Ông Trump có xu hướng được ủng hộ nhiều hơn trong nhóm cử tri lớn tuổi.

Mặc dù hàng chục triệu phiếu bầu sẽ được bỏ vào thùng, nhưng kết quả cuối cùng có thể được quyết định bởi vài chục nghìn phiếu bầu rải rác trên khắp các chiến trường. Mức chênh số phiếu của hai ứng viên ở các bang đó trong cuộc bầu cử năm 2020 chỉ chiếm khoảng 1/4 phần trăm số phiếu bầu.

Ông Donald Trump và phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đang tranh thủ những ngày cuối cùng để thu hút thêm cử tri trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Loan ([Tên nguồn])
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN