Bầu cử 2020 và cuộc chiến pháp lý khốc liệt nhất lịch sử Mỹ
Trong trường hợp Tổng thống Donald Trump lẫn ứng viên tổng thống Joe Biden không giành được 270 phiếu đại cử tri cần thiết (trên tổng số 538 phiếu đại cử tri), số phận của cuộc bầu cử tổng thống 2020 sẽ vào tay các nghị sĩ Hạ viện theo quy định của Tu chính án 12.
Cuộc chiến tại Hạ viện
Ở kịch bản này, Hạ viện sẽ phải bầu chọn tổng thống từ 3 ứng viên có nhiều phiếu đại cử tri nhất. Phái đoàn hạ nghị sĩ đại diện mỗi bang sẽ được trao một phiếu bầu. Thành phần đảng phái của phái đoàn sẽ quyết định lá phiếu này thuộc về ứng viên nào. Một ứng viên cần 26 phiếu để giành chiến thắng.
Điều này đồng nghĩa chức tổng thống có thể không được quyết định bởi đảng đang kiểm soát Hạ viện, mà bởi đảng đang chiếm đa số phái đoàn nghị sĩ bang. Mặc dù phe Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện, phe Cộng hòa hiện kiểm soát 26 phái đoàn nghị sĩ bang, nhiều hơn 4 so với đảng Dân chủ.
Trong khi đó, Thượng viện sẽ bầu chọn phó tổng thống từ 2 ứng viên có nhiều phiếu đại cử tri nhất. Mỗi thượng nghị sĩ được trao một phiếu bầu. Một ứng viên cần 51 phiếu để giành chiến thắng.
Tổng thống Donald Trump nhiều lần bày tỏ lo ngại về gian lận bầu cử 2020, đồng thời từ chối chuyển giao quyền lực trong hòa bình nếu ông thua cuộc. Ảnh: Reuters
Điều gì sẽ xảy ra nếu Hạ viện không chọn được tổng thống trước ngày tuyên thệ vào tháng 1-2021? Khi đó, Tu chính án 20 sẽ “ra tay”. Phó tổng thống sẽ lên nắm quyền cho đến khi chọn được tổng thống. Trong trường hợp không bầu được cả tổng thống lẫn phó tổng thống trước ngày tuyên thệ, Đạo luật Kế vị Tổng thống (PSA) sẽ được áp dụng. Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện hoặc một viên chức nội các, theo trình tự này, sẽ lên nắm quyền cho đến khi bầu được tổng thống hoặc phó tổng thống.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và Tổng thống Donald Trump đều đã chuẩn bị cho kịch bản không ai giành được 270 phiếu đại cử tri cần thiết trong ngày bầu cử 3-11 tới. Đây là kịch bản "trăm năm có một", chưa xảy ra kể từ năm 1876.
"Hiến pháp Mỹ quy định ứng viên tổng thống phải giành được thế đa số phái đoàn hạ nghị sĩ đại diện mỗi bang để đắc cử (trong trường hợp Hạ viện Mỹ phải quyết định số phận của cuộc bầu cử). Chúng ta phải giành được thế đa số hoặc ngăn phe Cộng hòa làm được điều này" – bà Pelosi nhấn mạnh.
"Tôi không muốn cuộc bầu cử được định đoạt ở Tòa án Tối cao hay Quốc hội mặc dù chúng ta có lợi thế tại Quốc hội. Hình như số lượng phái đoàn hạ nghị sĩ bang tại Hạ viện giữa chúng ta và họ hiện là 26-22. Chúng ta thực sự có lợi thế" – ông Trump khẳng định tại một sự kiện vận động tranh cử ở bang Pennsylvania hồi cuối tháng 9.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi kêu gọi Đảng Dân chủ chuẩn bị cho kịch bản không ứng viên nào giành được 270 phiếu đại cử tri cần thiết để trở thành chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng. Ảnh: Reuters
Nguy cơ bùng nổ cuộc chiến pháp lý cấp bang
Trong trường hợp Tổng thống Trump hoặc đối thủ Biden từ chối chấp nhận kết quả bầu cử, một cuộc chiến pháp lý sẽ nổ ra. Nhiều vụ kiện có thể được tiến hành để yêu cầu ngưng đếm phiếu, tiếp tục đếm phiếu hoặc đếm phiếu lại.
Ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt, bầu cử do các bang tổ chức. Theo Điều 1, Khoản 4 của Hiến pháp Mỹ, luật bang chi phối gần như mọi khía cạnh của quy trình bầu cử, bao gồm vị trí và thời điểm bỏ phiếu. Do đó, những khiếu nại bầu cử phải bắt đầu và thường kết thúc tại tòa án bang, nơi luật bang đó được áp dụng.
Muốn phản đối kết quả bầu cử của một bang, ứng viên trước tiên phải xác định điều khoản nào trong luật bầu cử của bang đó bị vi phạm. Trong một cuộc bầu cử cạnh tranh khốc liệt, khi mà kết quả ở nhiều bang bị nghi ngờ, ứng viên của 2 đảng có thể cùng lúc trình đơn kiện phản đối kết quả tại các bang này.
Theo quy định của quốc hội, mỗi bang phải có cơ chế giải quyết tranh chấp bầu cử và quyết định của bang "phải có tính thuyết phục". Trong phần lớn trường hợp, điều này đồng nghĩa luật bang sẽ quyết định ứng viên giành chiến thắng tại bang đó.
Thông thường, quyết định từ tòa án cao nhất của một bang liên quan đến cách áp dụng luật bang đó không thể bị kháng cáo lên tòa án liên bang. Tuy nhiên, cũng có những lúc vụ việc bị đưa lên tòa án liên bang, như trường hợp của ông George W. Bush và ông Al Gore vào năm 2000.
Ông George W. Bush (trái) và ông Al Gore. Ảnh: USA Today
Tòa án liên bang và Tòa án Tối cao nhập cuộc
Để một trường hợp tranh chấp kết quả bầu cử được đưa lên tòa án liên bang, phải có dấu hiệu cho thấy các quyền hiến pháp liên bang, chẳng hạn như Tu chính án 14 bảo đảm các quyền lợi bình đẳng cho công dân, bị vi phạm. Tương tự, nếu một cá nhân khiếu nại rằng quyền bầu cử của họ không được đảm bảo đầy đủ vì màu da hoặc sắc tộc của họ, vụ việc sẽ bị đưa lên tòa án liên bang theo các quy định của Đạo luật về quyền bầu cử 1965, vốn dựa trên Tu chính án 15.
Vụ kiện giữa 2 ứng viên George W. Bush của đảng Cộng hòa và ông Al Gore của đảng Dân chủ vào năm 2000 là đỉnh điểm của hàng loạt đơn kiện xuất phát từ cuộc bỏ phiếu kín ở bang Florida. Sau khi chiến dịch tranh cử của 2 ứng viên trình đơn kiện lên nhiều tòa án bang, tòa án bang Florida quyết định gia hạn thời gian đếm phiếu đến ngày 26-11-2000, tức 8 ngày sau hạn chót để xác nhận kết quả bầu cử lên Quốc hội. Quyết định này bị chiến dịch tranh cử của ông Bush phản đối lên Tòa án Tối cao Mỹ.
Với phán quyết 5-4, Tòa án Tối cao Mỹ tuyên bố quyết định của Tòa án Tối cao Flordia vi phạm các quyền lợi nêu trong Tu chính án 14 về quy trình hợp pháp và bảo vệ bình đẳng. Phán quyết của Tòa án Tối cao khi đó đã giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả chỉ vì cả 2 phe lẫn người dân chọn phương án chấp thuận phán quyết, hay nói chính xác hơn, họ chấp thuận thẩm quyền ra quyết định của Tòa án Tối cao.
Các cuộc thăm dò cho thấy ông Joe Biden đang có lợi thế trong cuộc đua vào Nhà Trắng 2020. Ảnh: Reuters
Theo giới chuyên gia, những diễn biến tương tự có thể xảy ra trong cuộc bầu cử 2020. Trong khi cuộc chiến pháp lý của ông Bush và ông Gore xuất phát từ Florida, tranh chấp bầu cử năm nay có thể bùng phát từ nhiều bang, đặc biệt là khi lượng cử tri bỏ phiếu qua thư đang ở mức cao chưa từng có vì Covid-19.
Như điều từng xảy ra trong cuộc bầu cử 2020, một vài phán quyết của tòa án bang có thể bị khiếu nại lên Tòa án Tối cao. 20 năm sau vụ kiện giữa ông Bush và ông Gore, trong một kỷ nguyên "siêu đảng phái", không ai có thể tự tin khẳng định rằng công chúng sẽ chấp thuận phán quyết của Tòa án Tối cao.
Nói cách khác, tranh chấp bầu cử 2020, nếu xảy ra, sẽ phức tạp và rắc rối hơn nhiều so với trường hợp của ông Bush và ông Gore. Như Thẩm phán Tòa án Tối cao Stephen Breyer từng nói: "Nguyện vọng của công chúng chính là yếu tố quan trọng nhất của một cuộc bầu cử".
Ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden và cựu Tổng thống Barack Obama lần đầu tiên vận động tranh cử cùng nhau tại...
Nguồn: [Link nguồn]