Bất ngờ yếu tố Trung Quốc ở Belarus

Sự kiện: Tin tức Trung Quốc

Ngoài Nga, Trung Quốc cũng có lợi ích gắn chặt ở Belarus ở cả kinh tế lẫn chính trị - vốn đang có nguy cơ bị làn sóng biểu tình ở nước này xóa sạch.

Kể từ khi kết quả bầu cử tổng thống Belarus được công bố hôm 9-8 đến nay, quốc gia Đông Âu này liên tục chìm trong bất ổn khi mỗi ngày luôn có hàng chục ngàn người dân xuống đường biểu tình phản đối kết quả với chiến thắng thuộc về Tổng thống Alexander Lukashenko với hơn 80% phiếu ủng hộ.

Là nước láng giềng có chung đường biên giới, Nga đang theo dõi sát diễn biến biểu tình, bởi nếu chính quyền Minsk bị lật đổ thì rất có thể Belarus sẽ rơi vào quỹ đạo của phương Tây, mở rộng vùng ảnh hưởng của NATO ra sát thủ đô Moscow. Dù vậy, Nga không phải là nước duy nhất lo ngại vì Trung Quốc (TQ) cũng đang đứng ngồi không yên.

Điều này được học giả Brian Carlson, Trung tâm Nghiên cứu an ninh (Thụy Sĩ), đề cập trong bài viết mới đây cho tạp chí The Diplomat. Theo ông, mối quan tâm của Bắc Kinh về vấn đề Belarus chủ yếu liên quan đến số vốn đầu tư khổng lồ của nước này ở đây và vị thế chiến lược của Minsk trong quan hệ Trung - Nga.

Belarus - đường vào châu Âu của Trung Quốc

Đầu tiên, Belarus là một trong những nước đầu tiên gia nhập sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng Vành đai - Con đường (BRI) của TQ, đồng thời cũng là thành viên lâu năm của tổ chức Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) đã ký với TQ thỏa thuận thương mại tự do vào tháng 12-2019. Nhờ các mối liên kết này, TQ từ đầu những năm 2000 đến nay đã đổ vào Belarus ít nhất 7,6 tỉ USD trải khắp hơn 10 dự án kinh tế.

Trong số này, Khu công nghiệp Great Stone đang thi công cách thủ đô Minsk 25 km về phía nam được xem là dự án thành công trong khuôn khổ BRI, nhận được hơn 1 tỉ USD vốn đầu tư của gần 56 công ty, tập đoàn trên toàn cầu.

Theo ông Carlson, sở dĩ TQ quan tâm đặc biệt đến Belarus bởi Bắc Kinh sẽ dùng nước này làm bàn đạp để tiến vào thị trường châu Âu, cụ thể là các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Dù một số nước thuộc EU (Ý, Hy Lạp) đã gia nhập BRI nhưng phần đông thành viên còn lại vẫn còn e dè hoặc phản đối ra mặt do các lo ngại về an ninh và sức ảnh hưởng lan dần của TQ.

Thông qua các thành tựu đạt được ở Belarus, Bắc Kinh muốn chứng minh cho các nước châu Âu thấy TQ là một đối tác đáng tin cậy và nếu hợp tác thì hai bên sẽ cùng có lợi. Trên thực tế, Belarus đã và đang là một trong những trạm trung chuyển chiến lược giữa TQ và EU khi hơn 80% lượng hàng hóa qua lại của hai bên đều chạy ngang qua quốc gia này, theo thống kê của tổ chức EU-China Observer.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko (trái) tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm thủ đô Minsk vào tháng 5-2015. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko (trái) tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm thủ đô Minsk vào tháng 5-2015. Ảnh: REUTERS

Minsk trong quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh

Kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine bùng nổ vào tháng 2-2014, chính quyền Minsk đã nhận thức rõ bài học ở đây là phải giảm sự phụ thuộc vào Moscow và có một chính sách đối ngoại cho riêng mình. Do đó, Belarus đã lập tức đẩy mạnh quan hệ với EU và mời TQ sang đầu tư nhằm tạo thế cân bằng với Nga. Dĩ nhiên, việc chọn TQ là sự tính toán rõ ràng của Minsk, vì Nga cũng hưởng lợi từ các dự án BRI ở Belarus, làm giảm nguy cơ Moscow sẽ gây sức ép trước một Minsk ngày càng độc lập hơn.

Đơn cử, TQ sẽ cần mở một tuyến giao thông vận tải để tiến vào các nước ở khu vực Bắc Âu và học giả Brian Carlson dự đoán tuyến đường này sẽ chạy dọc lãnh thổ của Nga. TQ cũng đang đầu tư một số dự án BRI ở Nga và các dự án này sẽ có thể liên kết với các dự án ở Belarus tạo thành một hành lang kinh tế vững chắc.

Ngoài ra, trong bối cảnh quan hệ giữa TQ, Nga với phương Tây trở nên căng thẳng, hai nước đã phản ứng bằng cách siết chặt quan hệ song phương, tìm kiếm sự ủng hộ các quốc gia trung lập khác để tránh bị cô lập mà Belarus hiện là ứng viên sáng giá. Quan điểm muốn độc lập hơn so với Nga của Belarus cũng được giới lãnh đạo TQ hưởng ứng vì có thể lợi dụng để mặc cả với Moscow trong trường hợp xảy ra mâu thuẫn. Dù đều chống phương Tây, hai cường quốc này không phải là không có bất đồng.

Vì vậy, việc để chính quyền Tổng thống Lukashenko bị làn sóng biểu tình nhấn chìm là một tổn thất to lớn mà Bắc Kinh lẫn Moscow đều không thể chấp nhận được.

Có một thực tế khá buồn cười là dù Tổng thống Alexander Lukashenko luôn muốn Belarus trở nên độc lập hơn so với cường quốc khác trên thế giới thì giờ đây, vào thời điểm quyết định nhất của cuộc đời ông, số phận của Minsk đều nằm cả vào quyết định của Moscow và Bắc Kinh.

Học giả BRIAN CARLSON, Trung tâm Nghiên cứu an ninh (Thụy Sĩ) 

Dự đoán hành động của Trung Quốc

Theo ông Carlson, kịch bản phe đối lập Belarus thắng thế sẽ diễn ra theo hai trường hợp: (1) Nga thuyết phục ông Lukashenko từ chức thành công; (2) Ông Lukashenko bị lật đổ hoàn toàn và chính quyền mới lên thay.

Ở trường hợp thứ nhất, nhiều khả năng sau khi ông Lukashenko từ chức thì Moscow sẽ thay thế bằng một nhân vật khác được tín nhiệm nhưng cũng sẽ thân Nga. Bắc Kinh sẽ ủng hộ hướng đi này, vì các dự án của nước này tại Belarus sẽ được bảo đảm an toàn. Dù vậy, sự hiện diện của TQ ở đây có thể sẽ không thể giữ nguyên như ban đầu, vì chính quyền mới sẽ ưu tiên mối quan hệ của Nga hơn. Bắc Kinh qua đó sẽ bị buộc vào thế yếu hơn trong quan hệ Trung - Nga.

Ở trường hợp thứ hai, nếu phe đối lập thắng thế hoàn toàn thì TQ có thể sẽ chọn giải pháp thực dụng là đàm phán và thiết lập quan hệ ngoại giao với chính quyền mới. Tuy nhiên, xác suất giữ lại được ảnh hưởng sẽ không cao như trường hợp đầu, vì chắc chắn phe đối lập sẽ giữ khoảng cách với Bắc Kinh do từng ủng hộ ông Lukashenko. Các dự án đầu tư của TQ nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục được thực hiện nhưng quy mô có giữ được như ban đầu hay không lại là một câu hỏi khác.

Có thể thấy chỉ khi Tổng thống Lukashenko còn tại vị thì lợi ích của TQ mới được bảo đảm toàn vẹn. Do đó, nếu Nga quyết định đổ quân can thiệp Belarus như đã nhiều lần lấp lửng thì Bắc Kinh sẽ không phản đối, thậm chí sẽ còn ủng hộ gián tiếp hoặc trực tiếp. Tuy nhiên, học giả Carlson cũng lưu ý rằng tình hình ở Belarus phải thật sự không thể cứu vãn được nữa thì Bắc Kinh mới xem xét đến các giải pháp quân sự, vì không muốn bị xem là một quốc gia hiếu chiến trong lúc hình ảnh của TQ trên trường quốc tế hiện nay đang dần xấu đi.

Mỹ yêu cầu Nga tôn trọng chủ quyền Belarus

Trong cuộc họp báo hôm 31-8, thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany nhắc lại lập trường của Mỹ về làn sóng biểu tình ở Belarus là ủng hộ quyền tự quyết và độc lập của người dân nơi đây, theo hãng tin Reuters. Do đó, Mỹ yêu cầu Nga cũng phải làm điều tương tự và đừng can thiệp vào Belarus.

Ngoài thông điệp gửi đến Nga, Nhà Trắng cũng khẳng định sẽ “ủng hộ các nỗ lực quốc tế điều tra độc lập về các bất thường trong bầu cử, lạm dụng quyền con người và việc chính quyền Minsk đàn áp người biểu tình”. 

Ông Putin tuyên bố chuẩn bị xong lực lượng Nga, sẵn sàng can thiệp vào Belarus

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 27.8 tuyên bố Nga đã xây dựng xong lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ, sẵn sàng can thiệp vào...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN