Bất ngờ về khả năng tồn tại của Covid-19 trên khẩu trang y tế
Nghiên cứu mới nhất đến từ các nhà nghiên cứu tại Đại học Hồng Kông (HKU) đã cho kết quả đáng kinh ngạc về khả năng tồn tại của Covid-19 trên bề mặt các chất liệu khác nhau.
Theo kết quả nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học đến từ HKU, Covid-19 có thể tồn tại trên nhựa và thép không gỉ trong tối đa 4 ngày. Đáng chú ý, loại virus này có thể tồn tại trên khẩu trang y tế trong suốt 7 ngày.
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các chất khử trùng thường được sử dụng trong gia đình, bao gồm cả nước tẩy rửa, có hiệu quả trong việc tiêu diệt Covid-19.
Kết quả nghiên cứu nói trên đã được đăng trên tại chí y khoa The Lancet.
Nhóm nghiên cứu đến từ HKU do ông Leo Poon Lit-man dẫn đầu cho biết, trên bề mặt giấy in và khăn giấy, Covid-19 tồn tại chưa đầy 3 giờ. Trên gỗ, một chiếc áo bông và mặt kính, Covid-19 tồn tại được 2 ngày.
Kết quả nghiên cứu sự tồn tại của Covid-19 trên các bề mặt vật liệu của nhóm chuyên gia Hồng Kông nhìn chung tương đối giống với phát hiện trước đây đã được công bố bởi Viện Y tế quốc gia Mỹ, điểm đáng chú ý là khả năng tồn tại của virus trên bề mặt khẩu trang y tế.
Một nhân viên y tế đang cố gắng thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng trong dịch Covid-19 tại Mỹ (ảnh: NY Times)
Theo nhóm nghiên cứu HKU, việc Covid-19 vẫn được phát hiện trên mặt ngoài của khẩu trang y tế sau 7 ngày là đáng kinh ngạc.
“Đây là lý do quan trọng cho việc vì sao bạn không nên chạm tay vào mặt ngoài của khẩu trang sau khi sử dụng”, Malik Peiris, một chuyên gia của nhóm nghiên cứu HKU cho biết.
Phát hiện của nhóm nghiên cứu đến từ HKU về khả năng tồn tại của Covid-19 trên khẩu trang là rất quan trọng. Trong nhiều trường hợp, người sử dụng thường sờ tay lên mặt khẩu trang, tháo khẩu trang sai quy cách và điều này có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus.
Theo ông Leo Poon Lit-man, việc rửa tay thường xuyên vẫn là một trong những biện pháp hiệu quả hàng đầu nhằm ngăn ngừa lây nhiễm virus.
“Mọi người cần cố gắng không đưa tay lên mặt, mũi và miệng trước khi chưa rửa tay sạch sẽ”, ông Leo Poon Lit-man khuyến cáo.
Hôm 23.3, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, họ đã phát hiện Covid-19 tồn tại tới 17 ngày trên bề mặt cabin của tàu du lịch Diamond Princess. Điều này cho thấy virus Covid-19 có thể sống trên bề mặt lâu hơn rất nhiều so với các nghiên cứu trước đây. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nghiên cứu thêm nào được thực hiện để xem xét kỹ hơn vấn đề này.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nguồn: [Link nguồn]
Cuộc chiến chống Covid-19 của Việt Nam đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận quốc tế. Nhiều tờ báo của...