Bất ngờ về đầu tượng Phật ẩn trong bức tường của hang đá nổi tiếng ở Trung Quốc

Lần đầu tiên, các nhà khảo cổ tìm thấy hơn 80 đồ điêu khắc bằng đá tinh xảo, bao gồm đầu tượng Phật, bên trong các bức tường ở miền trung Trung Quốc.

Nhiều đồ điêu khắc được tìm thấy bên trong bức tường tại hang động ở miền trung Trung Quốc. Ảnh: Peole's Daily

Nhiều đồ điêu khắc được tìm thấy bên trong bức tường tại hang động ở miền trung Trung Quốc. Ảnh: Peole's Daily

Trang China Daily của Trung Quốc ngày 12/4 đưa tin, các nhà khảo cổ nước này đã có một phát hiện đáng kinh ngạc khi tìm thấy hơn 80 đồ điêu khắc bằng đá có niên đại khoảng 1.300 năm tại hang Leigutai, thuộc quần thể hang đá Long Môn, ở thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam.

"Đây là lần đầu tiên các nhà khảo cổ tìm thấy đồ điêu khắc bên trong bức tường thuộc quần thể hang đá Long Môn", Lu Wei, giám đốc Trung tâm nghiên cứu lịch sử và nhân loại, thuộc Viện nghiên cứu Hang đá Long Môn, chia sẻ với China Daily.

Hang Leigutai, gồm 3 hang động lớn song song và hàng chục hang động nhỏ hơn, được xây dựng dưới thời nhà Đường (618-907) của hoàng đế Võ Tắc Thiên (690-705).

Trong những năm gần đây, các vết nứt xuất hiện trên tường và phần mái ở phía nam của hang Leigutai. Gạch đá rơi xuống gây nguy hiểm cho du khách tham quan. Công việc cải tạo được thực hiện và hoàn tất vào tuần trước. 

Trong quá trình cải tạo, các công nhân phát hiện một chỗ phình ra ở bức tường phía tây của hang Leigutai. Khi phá bức tường, họ phát hiện hơn 80 đồ chạm khắc tinh xảo.

Bất ngờ về đầu tượng Phật ẩn trong bức tường của hang đá nổi tiếng ở Trung Quốc - 2

Đầu tượng Phật là một trong số những thứ được tìm thấy. Ảnh: Peole's Daily

Đầu tượng Phật là một trong số những thứ được tìm thấy. Ảnh: Peole's Daily

Một đầu tượng Phật bằng đá, gần như nguyên vẹn, cao 38cm và rộng 22cm là một trong số đó.

"Khuôn mặt tròn, bầu bĩnh và có nét đặc biệt thanh thoát. Phần tóc của tượng Phật giống như sóng biển. Phần đầu được chạm khắc tinh xảo", ông Wei nói.

"Đánh giá từ hình dáng tổng thể, đầu tượng Phật có phong cách nghệ thuật đặc biệt, gắn liền với thời kỳ đỉnh cao của nhà Đường. Nó dường như có từ cuối thế kỷ thứ 7, đầu thế kỷ thứ 8", ông Wei nói thêm.

Các đồ điêu khắc được xếp chồng lên nhau và ẩn bên trong bức tường. Ông Wei cho rằng, bức tường được xây không phải từ thời nhà Đường. Theo vị chuyên gia này, gạch dùng để xây tường có từ thời nhà Minh (1368-1644). 

Kết hợp các ghi chép lịch sử về trận động đất mạnh ở Hà Nam dưới thời Minh Thế Tông (1522-1566), tâm chấn cách Lạc Dương không xa, các nhà khảo cổ cho rằng, bức tường được xây lại sau trận động đất.

Ông Wei nhận định, hơn 80 đồ điêu khắc, gồm cả đầu tượng Phật, là những mảnh vỡ bên trong hang động sau trận động đất. Khi xây lại bức tường, người thời đó tận dụng các mảnh vỡ để tăng độ bền cho bức tường và tiết kiệm gạch.

Các nhà khảo cổ làm sạch đầu tượng Phật bằng đá được phát hiện tại hang Leigutai, thuộc quần thể hang Long Môn. Ảnh: China Daily

Các nhà khảo cổ làm sạch đầu tượng Phật bằng đá được phát hiện tại hang Leigutai, thuộc quần thể hang Long Môn. Ảnh: China Daily

Theo China Daily, Lạc Dương là kinh đô dưới thời nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên trị vì. Nhiều thành viên hoàng gia và quý tộc ở thời đó đã xây dựng hang động mà họ tin là sẽ mang lại may mắn. Từ đó, hang Long Môn dần hình thành.

Trong thời kỳ Bắc Tống (960-1127), hoàng đế Tống Chân Tông đã đến thăm hang Long Môn và ra lệnh đại tu địa điểm này, sửa hơn 15.000 bức tượng. Thời nhà Thanh (1644-1911), hoàng đế Càn Long cũng từng tới đây.

Tháng 11/2000, quần thể hang động Long Môn được đưa vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO. 

Nguồn: [Link nguồn]

Trong một nghi thức được cho là để tạ ơn, dân làng ở khu vực hẻo lánh đã vô tình phá hỏng bộ tượng Phật quý giá có niên đại hơn 1.400 năm tuổi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lâm Nhã Du - China Daily ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN