Bất ngờ ở hòn đảo Đài Loan dựng lính mô hình dọa TQ, từng bị đại lục nã pháo tả tơi
Chỉ cách Hạ Môn (Phúc Kiến, Trung Quốc) 1,8 km, hòn đảo do Đài Loan kiểm soát này từng hứng hơn 470.000 quả pháo đến từ đại lục. Dù ký ức chiến tranh còn nguyên vẹn, nhiều người Đài Loan sống trên đảo nói rằng họ đang ở nơi “an toàn nhất thế giới”.
Bắn hơn 45 vạn quả pháo, Trung Quốc vẫn không thể chiếm đảo Kim Môn nhỏ bé (ảnh: Reuters)
Nằm giữa Đài Loan và Trung Quốc, đảo Kim Môn sẽ là nơi đầu tiên hứng đạn nếu Bắc Kinh phát lệnh thống nhất Đài Loan bằng vũ lực.
Từ ngày 23.8 – 5.10.1958, Kim Môn đã bị Trung Quốc bắn phá tơi bời với hơn 47 vạn quả đạn pháo trong sự kiện “khủng hoảng eo biển Đài Loan lần hai”. Nơi này cũng chứng kiến 20 trận hải chiến giữa Đài Loan và đại lục.
Xung quanh hòn đảo, nhiều mô hình binh sĩ cầm súng, đứng trong boogke ngắm bắn về phía Trung Quốc vẫn được giữ nguyên.
“Chúng tôi dựng chúng để dọa người đại lục, nhưng có vẻ họ không sợ lắm. Từ Kim Môn đến Hạ Môn rất gần, họ có thể nhìn rõ chúng”, Chen Ing-wen – cựu binh từng phục vụ lực lượng phòng vệ Kim Môn từ năm 1991 đến 1993 – kể.
Mô hình binh lính chĩa súng về phía Trung Quốc ở Kim Môn (ảnh: Reuters)
Ngày 5.10.1958, Trung Quốc đại lục tuyên bố giảm dần cường độ pháo kích vào Kim Môn, đổi thành “ngày lẻ bắn, ngày chẵn nghỉ”. Sự kiện pháo kích Kim Môn kéo dài đến tận ngày 1.1.1979, khi Trung Quốc và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao. Với số vỏ đạn khổng lồ có được từ những vụ pháo kích, người dân Kim Môn chế tác ra nhiều công cụ phục vụ đời sống, trong đó nổi tiếng nhất là dao phay.
“Chúng tôi đang ở nơi an toàn nhất thế giới. Từ kinh tế đến cuộc sống hàng ngày, chúng tôi không cảm thấy bất kỳ áp lực nào từ tình trạng căng thẳng giữa Đài Loan và Trung Quốc. Trải qua trận pháo kích đó, người dân Kim Môn ngày càng mạnh mẽ”, Ting Chien-kang – hướng dẫn viên du lịch Kim Môn – nói với Reuters.
“Nhiều người cho rằng tình hình hai bên eo biển đang trở nên căng thẳng, nhưng chúng tôi đã quá quen với điều đó”, Jessica Chen – chủ một quán trà ở Kim Môn – chia sẻ.
Nhiều boongke vẫn tồn tại ở Kim Môn (ảnh: Reuters)
Thời điểm xảy ra sự kiện pháo kích, Kim Môn xây dựng hơn 100.000 hầm trú ẩn chiến đấu. Hiện tại số lượng hầm đã giảm nhiều, nhưng thỉnh thoảng người ta vẫn bắt gặp vài chiếc xe tăng chạy vào các sở chỉ hủy được xây dựng kiên cố bằng đá dày.
Tuy nhiên, với nhiều loại vũ khí mới, bao gồm cả tên lửa, bất kỳ cuộc đổ bộ nào của quân đội Trung Quốc đều có thể dễ dàng vượt qua Kim Môn và tiến thẳng về Đài Loan, theo Reuters. Nguồn nước ngọt phụ thuộc chặt chẽ vào đại lục khiến hòn đảo trở nên dễ bị cô lập.
Hiểu rõ những bất lợi này, chính quyền Kim Môn hiện nỗ lực quảng bá hòn đảo như điểm đến du lịch nghỉ dưỡng hơn là một di tích chiến tranh. Du khách đến với hòn đảo đặc biệt sẽ được ngắm rái cá, cảnh đẹp, ở trong những khách sạn thiết kế lạ mắt và thường thức món hàu địa phương tuyệt vời.
Nhiều người dân Kim Môn vẫn giữ nghề làm dao phay từ vỏ đạn pháo “gia truyền”. Tuy nhiên, chiến tranh là điều không ai mong muốn.
Với nhiều người Kim Môn, ký ức về trận pháo kích vẫn chưa thể xóa nhòa (ảnh: Reuters)
“Không ai muốn sống trong những căn hầm trú ẩn dù chúng được xây dựng khắp hòn đảo. Chúng tôi thấy những mô hình người lính Kim Môn. Chúng được giữ lại để nhắc nhở thế hệ sau về tinh thần kiên cường của hòn đảo từng vững vàng trước hàng trăm ngàn quả đạn pháo.
Nhiều khẩu hiệu công kích Trung Quốc vẫn còn. Tưởng Giới Thạch vẫn được nhiều người kính trọng. Nhưng với tình hình hiện tại, hợp nhất là tốt nhất, không phải giết chóc, bắn phá nữa. Chung sống hòa bình không tốt hơn sao?”, Lin You-hsin, 60 tuổi – thợ làm dao phay từ vỏ pháo ở Kim Môn – nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Dân số giảm hơn 31% chỉ sau một năm - báo cáo của thị trấn thuộc tỉnh Cát Lâm lập tức gây chấn động dư luận Trung...