Bất ngờ nguyên nhân khiến người mắc bệnh tim "mất tích" trong dịch Covid-19 ở Mỹ
Những bệnh nhân tim đã đi đâu? Với nhiều bác sĩ Mỹ, đây là điều rất không bình thường.
Bishnu Virachan là một nhân viên giao hàng bằng xe đạp cho một cửa hàng tạp hóa tại New York. Trong thời điểm mọi người ở trong nhà vì dịch bệnh, công việc của anh ngày càng bận rộn hơn.
Hồi đầu tháng 4, trong lúc đang xem TV, Virachan đột nhiên cảm thấy đau nhức ở vùng tim. Tuy nhiên, Virachan – người đàn ông 43 tuổi, nhất định không chịu đến bệnh viện. Nguyên nhân chỉ có một: Sợ Covid-19.
“Tôi có thể làm gì bây giờ? Covid-19 ở khắp nơi”, Virachan kể lại.
Vài ngày sau, vì quá đau đớn, Virachan đánh liều đến Bệnh viện Mount Sinai ở khu Manhattan (New York) thăm khám. Các bác sĩ phát hiện anh bị nghẽn gần như hoàn toàn động mạch tim.
Bác sĩ đã làm phẫu thuật mở động mạch tim cho Virachan. Nhưng người đàn ông này phải sống phần đời còn lại với một trái tim yếu ớt.
“Nếu còn đợi lâu hơn một chút nữa, anh ta sẽ chết”, bác sĩ phẫu thuật cho Virachan kể lại.
Một nhân viên y tế đứng trước quan tài của một cựu quân nhân Mỹ tử vong vì Covid-19 (ảnh: Reuters)
Nỗi sợ Covid-19 đang khiến nhiều người mắc những căn bệnh nguy hiểm như tim mạch tại Mỹ không dám đến bệnh viện. Theo New York Times, nhiều bệnh nhân tim như anh Virachan đã tử vong hoặc tim bị tổn thương vĩnh viễn do không chịu đến bệnh viện thăm khám vì sợ nhiễm Covid-19.
Nhiều bác sĩ lo ngại rằng, nhiều người Mỹ đang tử vong vì gặp phải các trường hợp khẩn cấp như đau tim, tai biến, nhưng không chịu đến bệnh viện do sợ Covid-19 hơn là sợ chính căn bệnh của họ.
Một báo cáo gần đây của các bác sĩ tim mạch tại 9 trung tâm y tế lớn tại Mỹ cho biết, từ ngày 1.3, số bệnh nhân bị đau tim tới bệnh viện đã giảm 38% so với bình thường.
Theo ghi nhận của New York Times, tại Phòng khám tim mạch Cleveland (New York), chỉ có 7 bệnh nhân đang điều trị bệnh tim trong tổng số 24 giường tại đơn vị này.
“Các bệnh nhân đâu hết rồi? Điều này thật không bình thường”, Steven Nissen, bác sĩ tại Phòng khám tim mạch Cleveland, thắc mắc.
Nhiều người bị bệnh tim tại Mỹ không chịu đến bệnh viện điều trị vì lo sẽ bị nhiễm Covid-19 (ảnh: BBC)
Bác sĩ Steven Nissen kể lại, mới đây ông đã điều trị cho một bệnh nhân bị đau tim khi đang tập chống đẩy. Người đàn ông cảm thấy tim ngày càng đau nhưng vẫn cố chịu đựng suốt 1 tuần như vậy cho đến khi sức khỏe suy kiệt. Ngày 16.4, người này mới chịu đến phòng khám gặp bác sĩ, lý do của sự chậm trễ vẫn là sợ nhiễm Covid-19.
“Một cơn đau tim có thể được điều trị tương đối dễ dàng trước khi tình trạng trở nên nguy kịch. Người đàn ông đó đã sống sót sau một ca phẫu thuật và nằm 1 tuần trong phòng chăm sóc đặc biệt với máy thở”, bác sĩ Nissen cho biết.
Trung tâm Y tế Đại học Stanford ở California (Mỹ) thường điều trị cho khoảng 12 – 15 bệnh nhân tim. Tuy nhiên, thời gian gần đây, chẳng có bệnh nhân nào nhập viện cả, theo ông Gregory Albers, giám đốc điều hành Trung tâm.
“Tình huống này khá kỳ lạ. Chúng tôi tiếp nhận rất ít bệnh nhân Covid-19 nhưng những người khác có vẻ là đang sợ hãi. Chúng tôi thậm chí còn chuẩn bị cho tình huống có nhiều bệnh nhân gặp các triệu chứng tim nghiêm trọng nhập viện trong dịch bệnh. Tuy nhiên điều này chưa xảy ra”, ông Gregory Albers nhận xét.
Bác sĩ Samin Sharma, trưởng khoa tim mạch tại Bệnh viện Mount Sinai (New York) cho biết, số người bị bệnh tim nhập viện tại đây ngày càng giảm theo thời gian. Hồi tháng 2, có 7 bệnh nhân gặp vấn đề về tim mạch phải nhập viện. Sang tháng 3 thì chỉ còn 3 bệnh nhân và đến tháng 4 thì chỉ có 2.
Các y bác sĩ Mỹ trong dịch Covid-19 (ảnh: NY Times)
Ông Valentin Fuster, biên tập viên của Tạp chí Tim mạch Mỹ cho biết, tình trạng bệnh nhân tim không chịu đến bệnh viện vì sợ nhiễm Covid-19 không chỉ xuất hiện ở Mỹ mà còn được ghi nhận tại nhiều nơi khác trên thế giới.
“Một bệnh viện ở thành phố Jaipur, Ấn Độ đã điều trị cho 45 bệnh nhân đau tim vào tháng 1, tháng 2 có 32 bệnh nhân, tháng 3 có 12 và tháng 4 thì chỉ có 6 trường hợp”, ông Valentin Fuster lấy ví dụ.
Các bác sĩ tại Áo ước tính, trong tháng 3, đã có 110 công dân nước này tử vong vì các cơn đau tim do không chịu đến bệnh viện.
“Các bệnh nhân sẽ sợ hãi đến chết mất thôi”, bác sĩ Nissen đề cập đến vấn đề người bệnh tim không chịu đến bệnh viện điều trị vì lo nhiễm Covid-19.
Ngày 18.4, Kaplana Jain, 60 tuổi, sống tại bang New Jersey (Mỹ), sau khi xem TV lúc tối muộn và đi tới phòng tắm thì bất ngờ ngã gục xuống sàn nhà. Gia đình gọi ngay cho 911 nhưng Jain kiên quyết từ chối nhập viện khi các nhân viên y tế đến, lý do là sợ Covid-19.
“Tôi quá sợ hãi vì những gì đang diễn ra”, cô Jain kể lại.
Ngày hôm sau, khi sức khỏe diễn biến ngày càng tệ, Jain gọi điện cho bác sĩ Sharma, một người bạn. Bác sĩ yêu cầu Jain nhập viện ngay lập tức. Kaplana Jain được xác nhận là bị tắc nghẽn động mạch tim.
“Cô ấy là một trong số ít người may mắn khi gặp triệu chứng này. Nếu chậm đến bệnh viện một chút nữa, rất có thể Jain đã tử vong tại nhà”, bác sĩ Sharma cho biết.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nguồn: [Link nguồn]
Khối Liên minh châu Âu (EU) đã xóa bỏ một phần trong báo cáo Covid-19 về chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc vì lo sợ...