Bật mí chiến thuật giúp Nga biến UAV Lancet thành ác mộng ở Ukraine

Ngoài các biện pháp cải thiện đặc tính kỹ thuật trên Lancet, Nga cũng đang sử dụng các chiến thuật mới khiến lực lượng Ukraine gặp rất nhiều khó khăn trước mẫu UAV tự sát.

Hơn 20 tháng kể từ khi chiến sự nổ ra, máy bay không người lái (UAV) hay đạn tuần kích Lancet của Nga thực sự trở thành cơn ác mộng của lực lượng Ukraine khi nó liên tiếp phá hủy hàng trăm mục tiêu quân sự đắt giá trên mặt trận hoặc nằm sâu phía sau tiền tuyến.

Thiết kế khí động học độc đáo của UAV Lancet. Ảnh: KyivPost

Thiết kế khí động học độc đáo của UAV Lancet. Ảnh: KyivPost

KyivPost ngày 13/11 tiết lộ, quân đội Ukraine coi UAV Lancet là mối đe dọa lớn và đang tìm cách tự bảo vệ mình trên chiến tuyến kéo dài khoảng 1.000km, nhưng chưa có giải pháp thực sự hiệu quả nào do Nga liên tiếp cải tiến cả đặc tính kĩ thuật lẫn cách thức vận hành Lancet.

Những hình ảnh đầu tiên về hoạt động chiến đấu của UAV Lancet được công bố hồi tháng 7/2022. KyivPost đánh giá, Nga đang sử dụng chủ yếu 2 phiên bản Lancet trên chiến trường, trong đó phiên bản đầu tiên có phần đầu đạn nặng khoảng 1kg, phiên bản còn lại có đầu đạn nặng 3kg.

Phiên bản mang đầu đạn nhỏ hơn không đủ sức phá hủy xe bọc thép hạng nặng như xe tăng, nhưng lại rất hiệu quả khi tấn công các mục tiêu bọc thép hạng nhẹ, phương tiện không bọc thép, nhóm binh sĩ hoặc pháo kéo, lựu pháo, vốn không có lớp giáp dày bảo vệ.

Thân của UAV được chế tạo từ nhựa, khiến nó khó bị phát hiện khi đang bay. UAV Lancet sở hữu thiết kế khí động học khác thường với các cánh hình chữ Х mang lại khả năng cơ động cao.

Khoảnh khắc Lancet đánh trúng một chiếc MiG-29 của Ukraine nằm phía sau tiền tuyến. Video: ITN

Nhờ đầu nổ lớn hơn, phiên bản còn lại của UAV Lancet đủ sức gây hư hại nghiêm trọng cho phương tiện bọc thép hạng nặng như xe tăng, bởi nó thường lao vào mục tiêu từ hướng nóc, nơi giáp mỏng hơn thân. Mẫu Lancet này còn có năng lực phá hủy các phương tiện chiến đấu bộ binh hay xe kháng mìn, dù đó là mẫu MaxxPro hiện do Mỹ sản xuất.

Cả hai mẫu đều được phóng từ máy phóng mặt đất. Sau khi triển khai, nhóm tác chiến của Nga có thể rời địa điểm nhanh chóng, khiến họ hầu như không thể bị phát hiện. UAV Lancet có tốc độ hành trình khoảng 110km/h, nhưng trước khi lao vào mục tiêu, nó có thể tăng tốc lên 3 lần.

Để ứng phó với Lancet, lực lượng Ukraine tìm cách tăng cường năng lực tác chiến điện tử trên chiến trường và áp dụng các biện pháp hạn chế sức công phá bằng cách lắp lồng thép lên thiết giáp. Biện pháp này sẽ khiến đầu đạn đi chệch hướng nếu Lancet mắc kẹt vào lồng thép khi lao vào mục tiêu.

UAV Lancet tấn công thiết giáp Ukraine trong video công bố hôm 9/11. Video: Telegram/RVvoenkor

Hình ảnh được binh sĩ Nga công bố hôm 9/11 cho thấy, Lancet được cải tiến bằng hệ thống LIDAR, có khả năng đo khoảng cách chính xác đến mục tiêu để kích nổ đầu đạn cách mục tiêu vài mét, thay vì lao vào mục tiêu mới phát nổ như các phiên bản cũ hơn.

Sau khi kích hoạt, một đầu nổ xuyên tự định hình (EFP) sẽ lao thẳng về phía mục tiêu theo hướng định sẵn, xuyên quá lớp giáp dày và phá hủy mọi thứ bên trong thiết giáp. Cải tiến này khiến việc lắp lồng thép lên thiết giáp của Ukraine trở nên kém hiệu quả.

Theo KyivPost, thông thường, Nga sử dụng Lancet kết hợp với UAV trinh sát Orlan-10. Orlan-10 có nhiệm vụ xác định mục tiêu, thu thập các thông tin liên quan về tọa độ hay môi trường xung quanh. Sau đó, Lancet được triển khai để tấn công mục tiêu.

Phía Ukraine đánh giá, Nga gần đây có thể đã áp dụng chiến thuật mới biến UAV Orlan-10 thành trạm thu phát tín hiệu thứ cấp trên bầu trời để điều khiển UAV Lancet, giúp nó hoạt động xa hơn. Orlan-10 theo đó nhận tín hiệu từ sở chỉ huy rồi truyền tín hiệu đến Lancet.

Truyền thông Nga cho hay, Lancet đạt tầm bắn từ 40-70km, thời gian bay 40 phút. Ngoài chỉ thị mục tiêu qua UAV trinh sát, Lancet cũng có thể hoạt động độc lập nhờ ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), giúp nó tự bay đến vùng chỉ định trên chiến trường, lượn lờ phân biệt các mục tiêu rồi lao vào mục tiêu giá trị cao nhất.

UAV Lancet có thể hoạt động độc lập và tự tìm mục tiêu đắt giá trên chiến trường để tấn công. Ảnh: Rossiya1

UAV Lancet có thể hoạt động độc lập và tự tìm mục tiêu đắt giá trên chiến trường để tấn công. Ảnh: Rossiya1

Khi hoạt động bởi AI hoặc được nạp thông tin mục tiêu tĩnh trước khi triển khai, Lancet gần như không thể bị ngăn chặn bởi các hệ thống tác chiến điện tử của Ukraine, vốn có cơ chế hoạt động chủ yếu là chèn tín hiệu vô tuyến để ngắt tín hiệu điều khiển.

Tháng 10 vừa qua, truyền thông khu vực đăng tải video ghi cảnh Lancet đánh trúng một chiếc Su-25 đang đậu tại căn cứ Dolgintsevo cách tiền tuyến hơn 70km. Một video khác trước đó cho thấy Lancet phá hủy chiếc MiG-29 quý giá của Ukraine ở cùng căn cứ. Các đoạn video nêu trên đều do UAV khác của Nga ghi lại, cho thấy khả năng hoạt động hiệp đồng hiệu quả.

Hai sự việc còn được xem là những ví dụ cho thấy Lancet không chỉ còn là ác mộng với thiết giáp Ukraine mà còn là sát thủ với các mục tiêu phía sâu tiền tuyến nhờ năng lực tác chiến độc đáo. Mỗi chiếc Lancet chỉ có giá từ 30.000 đến 35.000 USD nhưng lại vô hiệu hóa được những khí tài đắt giá gấp chúng hàng trăm lần.

UAV Lancet - vũ khí hiệu quả nhất của Nga trên chiến trường Ukraine

(PLO)- UAV cảm tử Lancet được coi là vũ khí hiệu quả nhất của Nga trên chiến trường Ukraine, và giới quan sát cho rằng UAV này ngày càng nguy hiểm hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Hà ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN