Bất mãn vì chính sách của Mỹ với Israel lan khắp các bộ, ngành

Các nhân viên Chính phủ Mỹ, từ Bộ Ngoại giao đến NASA, đang lưu hành những lá thư ngỏ kêu gọi Tổng thống Joe Biden phải thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza. Các nhân viên Quốc hội lên tiếng ngay trước Đồi Capitol để chỉ trích điều họ cho là sự im lặng của các nghị sĩ khi hàng ngàn người Palestine thiệt mạng.

Người dân Palestine tìm kiếm người mất tích trong đống đổ nát sau trận ném bom của Israel vào Dải Gaza ngày 17/11. (Ảnh: AP)

Người dân Palestine tìm kiếm người mất tích trong đống đổ nát sau trận ném bom của Israel vào Dải Gaza ngày 17/11. (Ảnh: AP)

Khi số người chết ở Dải Gaza tăng vọt, ông Biden và Quốc hội Mỹ vấp phải sự phản đối công khai ngay từ những người làm việc cho chính quyền. Vài trăm nhân viên của chính quyền và Quốc hội Mỹ ký vào những lá thư ngỏ, trả lời với báo chí và tổ chức thắp nến tưởng niệm, để cố gắng thay đổi chính sách của Mỹ đối với đồng minh Israel.

“Hầu hết các nghị sĩ trong Đồi Capitol đều không lắng nghe những người mà họ đại diện”, một nhân viên làm việc trong trụ sở Quốc hội Mỹ tham gia cuộc biểu tình trong tháng này cho biết. Đeo khẩu trang để che khuôn mặt, khoảng 100 trợ lý trong Quốc hội Mỹ đặt hoa ngay trước trụ sở Quốc hội để tưởng niệm những người dân Palestine thiệt mạng trong cuộc xung đột.

Phản đối từ các nhân viên liên bang về sự hỗ trợ quân sự và chính trị mà Mỹ dành cho Israel trong chiến dịch tấn công Dải Gaza phản ánh những thay đổi đang diễn ra trong xã hội Mỹ. Khi nước Mỹ trở nên đa dạng hơn, lực lượng nhân viên liên bang cũng đa dạng hơn, trong đó có nhiều người mang theo di sản Hồi giáo và Ả-rập. Các cuộc khảo sát ý kiến dư luận về Israel cho thấy, ngày càng nhiều người Mỹ không ủng hộ chính phủ cực hữu của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Sau nhiều tuần ngập tràn những hình trẻ em và phụ nữ mặt mũi đầy máu ở Dải Gaza, một số lượng đáng kể người Mỹ, trong đó có cả những thành viên của đảng Dân chủ, bất đồng với việc Tổng thống Joe Biden ủng hộ chiến dịch quân sự của Israel.

Đến cuối tuần qua, một bức thư ngỏ tập hợp được chữ ký của 650 nhân viên có xuất thân khác nhau đang làm việc trên khắp 30 cơ quan liên bang. Họ làm việc trong nhiều cơ quan, từ Văn phòng của Cục Điều tra dân số, Bộ Ngoại giao, Cơ quan phát triển quốc tế đến Bộ Quốc phòng.

Một người tham gia tổ chức phong trào vận động ký thư ngỏ cho biết, việc Tổng thống Biden từ chối thúc giục ông Netanyahu ngừng bắn lâu dài khiến một số nhân viên liên bang cảm thấy “bị sa thải, theo một cách nào đó”.

Bức thư kêu gọi Mỹ thúc đẩy lệnh ngừng bắn và thả các con tin mà Hamas và các nhóm Palestine khác bắt giữ.

Theo một số quan chức nghỉ hưu và đương nhiệm, việc nhân viên liên bang thể hiện thái độ phản đối công khai như vậy là điều bất thường. Nó khiến một số người lo lắng, vì điều này có thể trở thành mối đe dọa tiềm tàng đối với chức năng của chính phủ và sự gắn kết giữa các cơ quan.

Bộ Ngoại giao Mỹ có truyền thống cho phép thể hiện quan điểm bất đồng với chính sách của Mỹ. Điều này bắt đầu từ năm 1970, khi các nhà ngoại giao Mỹ chống lại yêu cầu của Tổng thống Richard Nixon về việc phải sa thải các quan chức và nhân viên ngoại giao đã ký một lá thư nội bộ phản đối việc Mỹ ném bom rải thảm ở Campuchia. Cách này cũng được sử dụng dưới thời các chính quyền George W. Bush, Obama, và Trump. Tuy nhiên, đó đều là những lá thư nội bộ, không được công khai.

Một số thể hiện bất đồng chính kiến đã được chuyển qua các kênh chính thức tới Ngoại trưởng Antony Blinken. Josh Paul, một quan chức có thâm niên 11 năm trong Bộ Ngoại giao, nghỉ việc từ cuối tháng trước để phản đối việc chính quyền vội vàng cung cấp vũ khí cho Israel.

Tuần trước, ông Blinken gửi một email nội bộ đến toàn bộ nhân viên để nói về cách chính quyền xử lý cuộc khủng hoảng Dải Gaza. “Chúng tôi đang lắng nghe những gì các bạn chia sẻ cung cấp thông tin về chính sách và thông điệp của chúng tôi”, ông viết.

Bức thư ngỏ của nhiều cơ quan và một bức thư khác được hơn 1.000 nhân viên của USAID đã được công bố nhưng không nêu tên của những người ủng hộ, trong đó kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức.

Nội bộ Bộ Ngoại giao Mỹ bất đồng về xung đột Israel - Hamas

Vấn đề lục đục nội bộ trong Bộ Ngoại giao Mỹ liên quan đến xung đột ở Trung Đông phần nào được phản ánh qua một email của Ngoại trưởng Mỹ gửi tới các nhân viên trong...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang - AP ([Tên nguồn])
Xung đột Israel - Hamas Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN