Bắt được rắn độc, vì sao không nên giết mà nên thả?

Khi thấy rắn, nhất là rắn độc như hổ mang chúa, hổ đất..., nhiều người sẽ bắt đem bán hoặc giết chết. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng đây là điều không nên làm. Vì sao lại như vậy? Mời độc giả cùng trả lời câu hỏi này bằng cách bấm vào phần màu xanh lá dưới ảnh. Câu trả lời chính thức sẽ được công bố vào 15h hôm nay.

CÂU TRẢ LỜI CHÍNH XÁC

Theo trang WSED, việc cố đuổi giết rắn độc như hổ mang chúa, hổ đất, rắn lục... khiến con người dễ gặp nguy hiểm hơn vì lúc này con rắn sẽ phản ứng theo bản năng để sống sót và phương thức tự vệ cuối cùng của nó là "tung ra" những cú cắn chết người với nọc độc.

Ngoài ra, theo National Geographic, rắn độc nói riêng và loài rắn nói chung đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái và bản thân chúng cũng là loài cung cấp nhiều bộ phận để làm thuốc, chữa bệnh cho con người.

Trong hệ sinh thái, loài rắn vừa là kẻ săn mồi (kiểm soát dịch hại tự nhiên), vừa là con mồi. Các loài rắn nhỏ giúp kiểm soát số lượng giun đất, thằn lằn nhỏ, ếch..., trong khi những con lớn hơn giúp kiểm soát quần thể các loài gặm nhấm mang mầm bệnh như chuột, sóc.

Bên cạnh đó, rắn còn đóng vai trò làm "con mồi" cho các loài săn mồi nhanh nhẹn khác như đại bàng, diều hâu, lửng mật, cáo, chồn, sóc... Việc bắt và giết hại rắn, kể cả rắn độc sẽ khiến số lượng quần thể động vật gặm nhấm gây bệnh gia tăng, đồng thời giảm nguồn dinh dưỡng của các loài động vật ăn thịt khác, làm mất cân bằng sinh thái.

Ngoài khả năng giúp giữ cân bằng hệ sinh thái, các loài rắn độc còn giữ vai trò quan trọng trong việc điều chế thuốc giúp các bệnh nhân bị rắn độc cắn, đau tim, người mắc bệnh miễn dịch, tiểu đường hoặc bị những cơn đau mãn tính. Nọc độc của nhiều loài rắn còn được nghiên cứu để chế thuốc trị ung thư.

Nhiều loại rắn độc còn nằm trong sách đỏ, cần được bảo vệ vì nguy cơ tuyệt chủng do nạn săn bắt, buôn bán trái phép. Tại Việt Nam, một số loại rắn độc có trong sách đỏ như hổ mang chúa (nhóm 1B), rắn hổ trâu, rắn cạp nong, rắn lục đầu đen... 

Theo điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015 của Việt Nam, người có hành vi săn bắt, buôn bán vận chuyển trái phép động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm 1B hoặc phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp sẽ bị xử phạt hành chính hoặc phạt tù tùy theo mức độ nghiêm trọng. Ở nước ngoài (một số nước như Thái Lan, Ấn Độ hay nhiều nước phương Tây), mỗi khi bắt được rắn, người ta thường thả chúng về môi trường tự nhiên ở xa khu dân cư.

Theo National Geographic, hầu hết loài rắn, nhất là hổ mang chúa, là loài nhút nhát. Chúng không chủ động cắn người, chỉ tấn công khi chúng cảm thấy nguy hiểm hoặc vô tình bị con người giẫm phải. Cách tốt nhất để không bị rắn độc cắn là giảm khả năng giẫm phải chúng. Hạn chế tới các khu vực có thể thu hút rắn như (nơi có thức ăn, nguồn nước, bụi rậm, đống củi, bãi cỏ). Nếu bắt buộc phải tới, chúng ta cần quan sát kỹ trước khi bước đi và sẽ tốt hơn nếu có một cây gậy để đánh động ở khu vực bạn chuẩn bị bước tới.

Mời độc giả bấm vào đây để trả lời câu hỏi

TRẢ LỜI CỦA BẠN ĐỌC 103
Vũ Ngọc Thắng

Nghe mấy cái comment bảo vệ động vật mà toàn thấy dân công sở, chẳng hiểu cái gì về cuộc sống thực tại cả. Xin các vị xuống mặt đất cho mọi người nhờ... các vị không thể đại diện cho một số người mài nói là nên hay không nên. Hỏi thử các vị có bao giờ làm ở những chỗ nguy hiểm chưa, người thân các vị có ai bị rắn độc cắn chưa???

Thái Đức

Bây giờ ở vùng quê tôi thì hiếm lắm, có khi bao nhiêu năm ko gặp 1 con rắn độc, vì con người đã khai hoang, sản xuất ko còn chỗ nào hoang dã, hoang vu cho rắn ở nữa, và cũng bắt hết rắn rồi. Vì thế nếu bây giờ có rắn độc vào nhà thì tốt nhất là đánh chết nó cho an toàn, vì xua đuổi nó thì nó sang nhà hàng xóm, hoặc nó ra vườn, ra ruộng nhà mình, nhà ng khác, thì lúc khác mình có thể lại gặp, hoặc ng khác gặp, có thể bị cắn. Còn cơ quan bảo vệ động vật thì cả huyện, cả tỉnh không có, không biết ở đâu, ở chỗ nào mà gọi, mà cũng chả ai có thời gian mà chờ đợi để gọi hoặc bắt con rắn mang đi báo, đi thả, chưa kể việc bắt rắn còn nguy hiểm, có khi bị nó cắn.

Vu Quy Truong

Theo quan điểm của tôi thì:

1. Sự phát triển mạnh mẽ của con người đã lấn chiếm nơi ở của rất nhiều loài sinh vật, trong đó có môi trường sống của rắn nói chung và rắn độc nói riêng. Cũng vì lí do này nên loài rắn mới xuất hiện gần nơi sinh sống của con người nhiều hơn.

2. Về đa dạng sinh vật và cân bằng hệ sinh thái, mỗi loài sinh vật đều nằm trong một hoặc nhiều chuỗi thức ăn nào đó, số lượng rắn ít đi thì các loại sinh vật trong chuỗi thức ăn của rắn sẽ tăng lên như chuột, ếch nhái,... có sinh vật có hại và sinh vật có lợi, nhìn chung đều ảnh hưởng tới môi trường sống.

3. Về giá trị ứng dụng trong nghiên cứu khoa học.

4. Biết đâu đó là loài đang có nguy cơ tuyệt chủng, cần sự hiểu biết của pháp luật, có thể nuôi và nhân giống góp phần phát triển kinh tế... Chúng ta khi nhìn thấy rắn nếu biết đó là loài rắn không gây hại thì có thể để chúng đi hoặc đưa chúng ra đúng môi trường sống của chúng, nếu là rắn độc gần nơi sinh sống nếu đủ kinh nghiệm và dụng cụ bảo hộ thì nên bắt.

Nguyễn Mạnh Chung

Tại sao không nên bắt rắn độc? Tôi nghĩ câu trả lời nó nằm ngay ở câu hỏi. Thứ 1: rắn độc là loại rắn có nọc độc, khi cảm thấy bị nguy hiểm, rắn sẽ tấn công và phun nọc độc vào con mồi, với chỉ 1 lượng độc nhỏ, tính mạng của chúng ta sẽ bị nguy hiểm. Thứ 2: khi thiên nhiên ngày càng bị xâm lấn, các con vật cũng rơi vào thế có nguy cơ tuyệt chủng, bảo tồn cũng như bảo vệ các loài động vật quý hiếm cũng là điều con người cần quan tâm hơn nữa.

Nếu có câu hỏi cần giải đáp, mời độc giả gửi tại đây

Nguồn: [Link nguồn]

Dịch Covid-19: Chuyên gia TQ chỉ ra ”lỗ hổng” lớn có thể gây thảm họa cho người Mỹ

Theo các chuyên gia, có một biện pháp hiệu quả được biết đến trên toàn cầu giúp hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Hỏi - Đáp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN