“Bật đèn xanh” cho Thụy Điển vào NATO, Thổ Nhĩ Kỳ có ngay F-16?
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 24-1 gửi thư cho lãnh đạo các ủy ban chủ chốt tại quốc hội để khởi động quy trình bán máy bay F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ankara phê duyệt Thụy Điển vào NATO.
Một quan chức Mỹ cho biết trong thư gửi các thành viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và Hạ viện, ông Biden kêu gọi Quốc hội phê chuẩn "không chậm trễ" thương vụ với Thổ Nhĩ Kỳ.
Một máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ hạ cánh xuống căn cứ không quân Incirlik ở Adana. Ảnh: Reuters
4 nguồn thạo tin nói với hãng tin Reuters rằng trước đó, Nhà Trắng cũng đã gửi thư tới các thành viên Quốc hội kêu gọi phê duyệt việc bán máy bay F-16 và bộ thiết bị hiện đại hóa trị giá 20 tỉ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn đề nghị gia nhập NATO của Thụy Điển hôm 23-1, xóa bỏ rào cản lớn đối với việc mở rộng liên minh quân sự này sau 20 tháng trì hoãn.
Các nhà lập pháp Mỹ cho biết họ đang chờ sự chấp thuận của Thổ Nhĩ Kỳ về tư cách thành viên NATO của Thụy Điển - bao gồm việc Tổng thống Tayyip Erdogan ký phê duyệt - trước khi quyết định có thông qua thương vụ máy bay F-16 hay không.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 24-1 cũng kêu gọi Ankara chính thức hoàn tất việc phê chuẩn Thụy Điển gia nhập NATO. Để hoàn tất tiến trình này, Tổng thống Erdogan cần phải ký văn kiện và gửi tới Washington. Bộ Ngoại giao Mỹ hiện vẫn từ chối cho biết thời gian chính xác về quy trình chính thức bán F-16.
Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 10-2021 đã đề nghị mua máy bay chiến đấu F-16 của hãng Lockheed Martin trị giá 20 tỉ USD và gần 80 bộ công cụ hiện đại hóa cho các máy bay chiến đấu hiện có của nước này. Các nhà lãnh đạo thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và Hạ viện thường xem xét mọi giao dịch buôn bán vũ khí lớn cho nước ngoài.
Thụy Điển và Phần Lan nộp đơn xin gia nhập NATO sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2-2022. Trong khi tư cách thành viên của Phần Lan đã được thông qua vào năm ngoái, nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển đã bị Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary từ chối.
Trong diễn biến liên quan, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg rằng chính phủ của ông ủng hộ nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển.
Trong cuộc điện đàm với ông Stoltenberg, ông Orban, lãnh đạo tại Liên minh châu Âu có mối quan hệ gần gũi với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nói rằng ông sẽ thúc giục quốc hội Hungary bỏ phiếu ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO ngay khi có cơ hội đầu tiên.
Người đứng đầu NATO cho biết ông hoan nghênh sự ủng hộ rõ ràng của ông Orban đối với nỗ lực của Thụy Điển.
Nguồn: [Link nguồn]
Một ngày sau khi quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Thủ tướng Hungary - ông Viktor Orban tuyên bố rằng ông và chính phủ Hungary ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO.