“Bắt chước” Anh rời EU, dân California muốn tách khỏi Mỹ

Cuộc bỏ phiếu lịch sử Anh chọn rời EU không chỉ tác động tới khu vực châu Âu mà thậm chí ở Mỹ, cuộc vận động tách bang California khỏi Mỹ cũng đang được khởi động rầm rộ.

“Bắt chước” Anh rời EU, dân California muốn tách khỏi Mỹ - 1

Dân California đang muốn độc lập khỏi Mỹ, như Anh rời khỏi EU.

Tới năm 2020, Louis Marinelli hy vọng có thể trở thành Alex Salmond của bang California, Mỹ. Salmond là người dẫn đầu phong trào đòi tự do cho Scotland trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2014. Marinelli hiện đang nỗ lực để tách bang California khỏi Mỹ.

Khát vọng của Marinelli càng có thêm cơ sở khi ngày 23.6 vừa qua, Anh đã bỏ phiếu chọn rời EU. Marinelli hiện là chủ tịch của phong trào mang tên “Yes California”, lấy cảm hứng từ cuộc vận động Brexit của nước Anh và phong trào muốn tách Scotland ra khỏi mẫu quốc.

“Đây là lần đầu tiên một phong trào li khai ở châu Âu thành công và tôi nghĩ rằng triển vọng với California là rất lớn”, Marinelli nói. “Liệu có ổn không khi nói rằng người dân ở quốc gia tự do nhất thế giới như Mỹ không có quyền tự quyết?”

“Bắt chước” Anh rời EU, dân California muốn tách khỏi Mỹ - 2

Marinelli cho rằng California và London của Anh rất giống nhau vì ở quá xa thủ đô hành chính. Với Anh, trụ sở của EU đặt ở Brussels trong khi California phải di chuyển quãng đường rất dài mới tới được Washington. Ông cho rằng California bị kiểm soát quá chặt về thương mại và không được hưởng giá trị đúng với từng đồng thuế bỏ ra cho chính phủ.

Số liệu năm 2014 cho thấy California chỉ nhận về 94% đầu tư của chính phủ so với số thuế nộp ngân sách. Quan điểm này trùng với lập luận mỗi tuần Anh phải nộp 350 triệu bảng cho EU trong khi có thể dùng số tiền trên để chi tiêu trong nước.

Trong quan điểm của Marinelli, bang California sẽ vẫn thuộc về nước Mỹ nhưng cần có một thủ đô và hệ thống tiểu bang riêng. Thủ phủ sẽ là thành phố Sacramento và hiến pháp sẽ tuân theo Điều lệ Liên bang thay vì Hiến pháp chung toàn quốc. Marinelli muốn California có nhiều quyền tự quyết hơn, nhất là với thung lũng công nghệ Sillicon.

Nếu California được tách rời khỏi Mỹ, Marinelli nói rằng ông sẽ thương thuyết để những bang còn lại đồng ý cho người và hàng hóa qua lại California. Ngoài ra, California cũng sẽ phải đàm phán với bang New Mexico láng giềng.

Gần đây, phong trào “Yes California” mới chỉ có 6.700 lượt yêu thích trên Facebook và 650 người theo dõi trên Twitter. Dù vậy, Marinelli tin rằng sự ủng hộ là rất lớn. Trong một khảo sát không chính thức trên Twitter hồi tháng 2, 41% trong tổng số 9.000 người được hỏi đồng ý li khai California khỏi Mỹ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Minh - Newsweek (Dân Việt)
Nước Anh rời Liên minh châu Âu EU Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN