Báo Washington Times (Mỹ): Việt Nam là đối tác đáng tin cậy thúc đẩy hòa bình, phát triển và đảm bảo quyền con người
Việt Nam xứng đáng được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) bởi kể từ khi chính thức trở thành thành viên LHQ vào tháng 9-1977, Việt Nam đã đóng góp hiệu quả vào hoạt động của LHQ trong xây dựng hòa bình, phát triển và đảm bảo quyền con người, là thành viên tích cực trong các cuộc đàm phán nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững ưu tiên của LHQ.
Các chiến sĩ Việt Nam làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan.
Đây là nội dung bài viết đăng trên báo Washington Times của Mỹ mới đây, trong đó nhấn mạnh Việt Nam trong tâm thế sẵn sàng để có được tiếng nói và vị thế nổi bật hơn trên trường quốc tế. Theo bài viết, Việt Nam đã giành được sự tin tưởng rất lớn của cộng đồng quốc tế, thể hiện qua hai lần được tín nhiệm bầu làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA) nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021, với số phiếu rất cao, gần như tuyệt đối. Các thành viên LHQ đều công nhận vai trò quan trọng của Việt Nam trong việc thúc đẩy đấu tranh vì độc lập dân tộc, chủ quyền và tự quyết.
Trong các nhiệm kỳ ủy viên không thường trực, Việt Nam đã tập trung thành công thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, hợp tác giữa HĐBA và các tổ chức khu vực, tái thiết hậu xung đột, xây dựng hòa bình… Bên cạnh đó, Việt Nam còn đóng góp tích cực vào quá trình thảo luận, thông qua nhiều nghị quyết, tuyên bố quan trọng của LHQ về hợp tác phát triển, giải trừ quân bị, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, bảo đảm quyền con người.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh: “Việt Nam cho thấy những cam kết mạnh mẽ của một quốc gia luôn tích cực nỗ lực xây dựng lòng tin và đối thoại, làm cầu nối tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột trên thế giới”. Đơn cử như trong nhiệm kỳ ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam được đánh giá cao khi luôn thúc đẩy các nội dung thảo luận về tăng cường đối thoại và giải quyết xung đột thông qua các giải pháp hòa bình, đặt con người ở vị trí trung tâm, ưu tiên các chính sách nhân đạo. Những chủ đề Việt Nam đưa ra thảo luận tại các phiên điểm nhấn của HĐBA như bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu của người dân, vai trò của phụ nữ đối với hòa bình và an ninh, giải pháp cho vấn đề bom mìn... đều có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với hòa bình và an ninh thế giới mà cả trong việc bảo vệ người dân, thúc đẩy quyền con người.
Trong nhiệm kỳ 2014-2016 tại Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam đã đề xuất và tham gia nhiều sáng kiến được bạn bè quốc tế ủng hộ, trong đó có nghị quyết về tác động của biến đổi khí hậu với quyền trẻ em, vấn đề bảo vệ quyền lao động của người khuyết tật, bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người lao động trên biển, tăng cường giáo dục, phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em gái...
Đặc biệt, kể từ năm 2014, Việt Nam cùng Bangladesh và Philippines đã thúc đẩy các phiên thảo luận chuyên đề về đảm bảo quyền của các nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đồng thời giới thiệu các dự thảo nghị quyết thường niên về biến đổi khí hậu và quyền con người. Mỗi năm, nghị quyết tập trung vào từng chủ đề cụ thể (như quyền trẻ em, quyền sức khoẻ, quyền của người di cư, quyền phụ nữ… trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Tại Khóa họp lần thứ 50 diễn ra cuối tháng 6 vừa qua, Hội đồng Nhân quyền LHQ đã thông qua Nghị quyết năm 2022 về biến đổi khí hậu và quyền con người do Việt Nam đồng chủ trì, tập trung vào quyền lương thực.
Đánh giá về vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ, Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền LHQ Federico Villegas cho rằng với Hội đồng Nhân quyền, việc có những nước đã thể hiện và sẵn sàng làm cầu nối cho hợp tác và đối thoại như Việt Nam là rất cần thiết, trong bối cảnh tình hình thế giới đang diễn biến rất phức tạp, còn nhiều khác biệt giữa các nước và các nhóm nước. Ông cũng đánh giá cao thông điệp ứng cử của Việt Nam: “Tôn trọng và Hiểu biết - Đối thoại và Hợp tác - Tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người”, nêu rõ đây chính là tinh thần các nước cần theo đuổi khi tham gia Hội đồng Nhân quyền.
Cộng đồng quốc tế còn hết sức ấn tượng khi Việt Nam tham gia tích cực trong lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ. Sau gần 9 năm chính thức tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, đến nay, Việt Nam đã cử hơn 500 lượt cán bộ đi thực hiện nhiệm vụ tại các phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ. Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các hoạt động hòa bình Jean-Pierre Lacroix đã cảm ơn Việt Nam về sự ủng hộ mạnh mẽ cũng và những đóng góp tích cực đối với các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, đồng thời đánh giá cao tính chuyên nghiệp, sự tận tụy, nỗ lực, hy sinh của các binh sĩ Việt Nam khi phải thực hiện nhiệm vụ trong những môi trường khó khăn.
Như đánh giá của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres “Việt Nam là đối tác tin cậy vững chắc của LHQ”, chính sự tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam. Việc Việt Nam một lần nữa ứng cử trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ thể hiện thiện chí và trách nhiệm của Việt Nam chủ động đóng góp nhiều hơn nữa vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong thúc đẩy hòa bình, phát triển và bảo đảm quyền con người trên thế giới.
Nguồn: [Link nguồn]
Việc trúng cử trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền, cơ quan có vai trò quan trọng hàng đầu trong hệ thống Liên Hợp Quốc (LHQ) trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người,...