Bão tuyết khắc nghiệt ở Mỹ: Cá sấu có hành động lạ khiến nhiều người lo lắng
Thời tiết xấu bất thường đã ảnh hưởng tới khu vực Trung Tây và miền Nam nước Mỹ, nơi cư trú của 150 triệu dân. Bão tuyết cùng nhiệt độ thấp bất thường không chỉ ảnh hưởng tới con người mà còn tác động xấu lên các loài động vật hoang dã, vốn sống ở khu vực ấm áp này.
Cá sấu thò mõm khỏi mặt nước đóng băng ở bang Oklahoma, Mỹ. Ảnh: USFS
Để tồn tại được trong mùa đông khắc nghiệt ở bang Oklahoma (giáp bang Texas), Mỹ, những con cá sấu tại đây đã buộc phải sử dụng một trong những bản năng tự nhiên của chúng: Ngoi lên để thở.
Nhiều bức ảnh, do Cơ quan bảo tồn động vật hoang dã Oklahoma công bố hôm 19/2, chụp lại cảnh những con cá sấu ở khu vực miền nam bang Oklahoma thò mõm lên khỏi mặt nước đóng băng để thở.
Dù các bức ảnh khiến không ít cư dân mạng lo lắng về tình trạng của loài bò sát máu lạnh này, nhưng các chuyên gia cho rằng, hành động "rất lạ" này của cá sấu lại hoàn toàn bình thường. Hành động này còn được gọi là "brumation" - một dạng ngủ đông. Nó giúp cá sấu giảm nhịp tim và trao đổi chất, trong khi vẫn có thể thở.
Ảnh: ODWC
"Phản ứng thông thường của hầu hết cá sấu khi thời tiết trở lạnh là ra khỏi nước trong chốc lát rồi sau đó ngâm mình trở lại để ấm hơn. Khi nhiệt độ không khí thấp hơn nhiệt độ của nước, loài máu lạnh này có thể bị đóng băng đến chết nếu ra khỏi nước", James Perran Ross, nhà khoa học đã nghỉ hưu - chuyên nghiên cứu về sinh thái và bảo tồn động vật hoang dã tại đại học Florida (Mỹ), cho biết.
Một số cư dân mạng còn nghi ngờ về môi trường sống của loài cá sấu tại bang Oklahoma, khi số lượng loài này tăng mạnh trong vài thập kỷ qua.
Những con cá sấu, được chụp ảnh, sống trong một dự án đất ngập nước, có diện tích 23,5 km vuông. Dự án này được lập ra nhằm khôi phục thủy văn và tái thiết các khu rừng thuộc rừng quốc gia Ouachita.
Một người đàn ông sống ở bang Texas gần đây được phát hiện chết cóng trên ghế ngồi bên trong căn nhà của chính mình.
Nguồn: [Link nguồn]