Báo Trung Quốc nhận định về phản ứng của Mỹ với cách Bắc Kinh tiếp đón ông Kissinger

Trong khi Trung Quốc dành cho "người bạn cũ" Henry Kissinger sự đón tiếp nồng hậu và trọng đại tại Bắc Kinh, thể hiện dấu hiệu tích cực cho thấy sự chân thành và mong muốn gắn kết, ổn định quan hệ, Nhà Trắng lại “lấy làm tiếc” khi cựu Ngoại trưởng Mỹ có thể gặp nhiều quan chức ở Trung Quốc hơn một số lãnh đạo Mỹ đương nhiệm.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger vào ngày 20/7. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger vào ngày 20/7. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, các quan chức Mỹ đương nhiệm có tâm lý chê bai khi ông Kissinger với Trung Quốc và không nhìn nhận vấn đề này một cách khách quan và hợp lý.

Báo Trung Quốc cho rằng, chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc hiện nay không dựa trên lập trường đôi bên đều có lợi mà chỉ nhằm theo đuổi lợi thế tuyệt đối về sức mạnh.

Các chuyên gia Trung Quốc kỳ vọng rằng, mức độ tương tác giữa hai nước dự kiến sẽ tăng cường vào nửa cuối năm 2023 và không loại trừ khả năng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden. Nhưng nếu Mỹ tiếp tục theo đuổi quan điểm đối đầu trong chính sách với Trung Quốc, bầu không khí và điều kiện cho cuộc gặp mặt có thể biến mất.

Gặp cựu Ngoại trưởng Mỹ Kissinger vào ngày 20/7 ở Bắc Kinh, ông Tập gọi ông Kissinger là “người bạn cũ” của Trung Quốc, và rằng người Trung Quốc sẽ không bao giờ quên những đóng góp lịch sử của ông Kissinger nhằm thúc đẩy quan hệ Mỹ - Trung. Ông Tập cũng bày tỏ hi vọng rằng ông Kissinger có thể đóng vai trò xây dựng trong việc khôi phục và đưa mối quan hệ Mỹ - Trung quay trở lại đúng hướng, theo tờ Hoàn Cầu.

Trung Quốc cũng mở tiệc chiêu đãi ông Kissinger với ẩm thực và họa tiết trang trí mang đậm ý nghĩa văn hóa. Các món được chuẩn bị tượng trưng cho sự trường thọ và khỏe mạnh. Các hình ảnh trang trí với núi và sông đại diện cho tình hữu nghị lâu dài, truyền đạt hi vọng về hòa bình và thịnh vượng giữa Mỹ và Trung Quốc

Ở Mỹ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Matthew Miller nói ông Kissinger tới Trung Quốc vơi tư cách cá nhân, không đại diện cho chính phủ Mỹ. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nói về việc “ông Kissinger có thể gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc còn các quan chức Mỹ thì không”.

Li Haidong, giáo sư Đại học Ngoại giao Trung Quốc, nói trên tờ Hoàn Cầu rằng, Nhà Trắng một mặt lạnh nhạt với chuyến thăm của ông Kissinger tới Trung Quốc, mặt khác thừa nhận vai trò không thể thay thế của ông Kissinger, thúc đẩy một kênh liên lạc không thể thay thế trong bối cảnh quan hệ hai nước căng thẳng.

Tuy vậy, Shen Yi, giáo sư Đại học Phúc Đán ở Trung Quốc, nói rằng “một mình ông Kissinger không thể giải quyết vấn đề hiện tại trong mối quan hệ Mỹ - Trung. Tiếp đón ông Kissinger một cách nồng hậu phản ánh thái độ tích cực và chân thành của Trung Quốc trong việc duy trì quan hệ Mỹ - Trung. Nhưng điều này khác với tư duy đối đầu của một số chính trị gia và quan chức Mỹ hiện nay”, ông Shen nói.

Diao Daming, phó giáo sư tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, nói trên tờ Hoàn Cầu rằng, chính phủ Mỹ nên học hỏi sự nhạy bén trong ngoại giao của ông Kissinger.

Về vấn đề ông Kissinger có thể gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc mà các quan chức Mỹ thì không, các chuyên gia nói vấn đề nằm ở phía Mỹ, khi chính phủ Mỹ đã áp đặt trừng phạt đối với ông Lý.

“Hoàn toàn phi logic nếu Mỹ nghĩ rằng đối thoại quân sự giữa hai nước có thể được thực hiện trong điều kiện như hiện nay. Mỹ nên tự xem xét lại trong vấn đề hàn gắn quan hệ song phương”, ông Daio nói.

Tờ Hoàn Cầu đề cập đến việc Mỹ gần đây “tiếp tục bôi nhọ Trung Quốc" với thông tin tin tặc có liên hệ với Bắc Kinh đã xâm phạm tài khoản email của Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns, cũng như tài khoản email của Daniel Kritenbrink, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á.

Ngược lại, ông Kissinger năm nay 100 tuổi đã tới thăm Trung Quốc hơn 100 lần và điều này phản ánh tầm quan trọng của sự trao đổi Mỹ - Trung.

Trao đổi giữa hai nước càng thường xuyên sẽ càng giúp hai bên, đặc biệt là Mỹ, giữ được lý trí và thực dụng trong xử lý quan hệ với Trung Quốc. Nếu không có sự liên lạc, những tin đồn sẽ được sử dụng làm vũ khí đối với một số chính trị gia cực đoan ở Mỹ, những người đang cố tình phá hoại mối quan hệ Mỹ - Trung, ông Li nói, theo tờ Hoàn Cầu.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhật Bản phản ứng sau khi Trung Quốc gây sức ép về kế hoạch xả nước phóng xạ

Nhật bản đã đề xuất với Trung Quốc về việc đối thoại với sự tham gia của các chuyên gia hạt nhân hai nước nhằm tìm kiếm giải pháp cho vấn đề xả nước phóng xạ từ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Hoàn Cầu ([Tên nguồn])
Quan hệ Mỹ - Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN