Báo Trung Quốc nhận định về cuộc điện đàm giữa ông Tập và Tổng thống Ukraine Zelensky
Các nhà phân tích Trung Quốc nhận định, nội dung cuộc điện đàm cho thấy Ukraine có quan điểm tích cực với nỗ lực làm trung gian hòa giải của Trung Quốc để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn một năm qua.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) ngày 26/4 có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 26/4 đã có cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022.
Hai nhà lãnh đạo đã chia sẻ quan điểm về mối quan hệ Trung Quốc - Ukraine, cũng như cuộc khủng hoảng Ukraine đang diễn ra hiện nay.
Trong cuộc điện đàm, ông Tập nói rằng Trung Quốc sẽ gửi đại diện đặc biệt của chính phủ tới Ukraine và các quốc gia khác để trao đổi sâu sắc với tất cả các bên về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine.
Ông Tập nhấn mạnh rằng, Trung Quốc với tư cách là thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, không chọn đứng ngoài cuộc khủng hoảng, cũng như không "đổ thêm dầu vào lửa" hay lợi dụng cuộc khủng hoảng để thu lợi nhuận.
"Trong cuộc xung đột ở Ukraine, Trung Quốc luôn đứng về phía hòa bình, thúc đẩy hòa bình thông qua đối thoại", ông Tập nói, theo Tân Hoa Xã.
Về phần mình, ông Zelensky cũng đưa ra các tuyên bố tích cực, cam kết tôn trọng chính sách Một Trung Quốc, hi vọng thúc đẩy hợp tác song phương với Trung Quốc, mở ra chương mới trong quan hệ giữa hai nước.
Ông Zelensky đã nêu quan điểm với ông Tập về tình hình khủng hoảng ở Ukraine, cảm ơn Trung Quốc vì đã tham gia hỗ trợ nhân đạo, hoan nghênh vai trò quan trọng của Trung Quốc trong nỗ lực khôi phục hòa bình và tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng.
Theo nhận định của các nhà phân tích Trung Quốc, nội dung cuộc điện đàm cho thấy Ukraine có quan điểm tích cực với nỗ lực làm trung gian hòa giải của Trung Quốc, khác với quan điểm của Mỹ, theo tờ Thời báo Hoàn Cầu.
Hôm 21/3, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia thuộc Nhà Trắng, John Kirby nói với các phóng viên rằng Mỹ không coi Trung Quốc là nhà trung gian hòa giải tin cậy trong cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine.
Mặc dù nhận vũ khí và hỗ trợ từ Mỹ và NATO, nhưng Ukraine cũng muốn tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột từ Trung Quốc, theo giới phân tích. Hôm 26/4, ông Zelensky cũng bổ nhiệm cựu bộ trưởng các ngành công nghiệp chiến lược Pavlo Ryabikin làm Đại sứ Ukraine tại Trung Quốc.
Wang Xiaoquan, chuyên gia đến từ Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói trên tờ Thời báo Hoàn Cầu rằng, cuộc điện đàm theo lời mời của Ukraine chứng tỏ rằng nước này rất coi trọng mối quan hệ với Trung Quốc và công nhận vai trò của Trung Quốc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
"Trung Quốc là nhà trung gian hòa giải có ảnh hưởng được Ukraine và Nga cũng như Pháp và Đức công nhận, có nghĩa là lập trường của Trung Quốc đối với cuộc khủng hoảng là công bằng và khách quan.Trung Quốc là một cường quốc có trách nhiệm, không tìm kiếm lợi ích riêng", ông Wang nói.
Cuộc điện đàm giữa ông Tập và ông Zelensky là cách để mở ra phương hướng mới, tạo ra bầu không khí và từ đó tháo gỡ các vướng mắc cụ thể ở các cấp, Cui Hongjian, giám đốc Khoa Nghiên cứu Châu Âu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, nói.
Đại diện đặc biệt của Trung Quốc sẽ giải quyết vấn đề theo phương hướng này, giúp Bắc Kinh hiểu rõ tình hình hơn để thúc đẩy một giải pháp chính trị tốt hơn, ông Cui nhận định. "Tôi nghĩ sẽ có những biện pháp cụ thể được đưa ra trong tương lai", ông Cui nói.
Trung Quốc gần đây đã ghi dấu ấn trên trường quốc tế khi làm trung gian hòa giải thành công, giúp Ả Rập Saudi và Iran khôi phục quan hệ ngoại giao.
Zhang Hong chuyên gia đến từ Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói Bắc Kinh có đủ điều kiện để làm trung gian hòa giải, tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Nhưng vai trò trung gian cho vấn đề Ukraine khó hơn nhiều vì Moscow và Kiev đang có xung đột quân sự trực tiếp, cũng như Kiev chịu những tác động nhất định từ phía Washington. Chuyên gia Zhang nói chưa thể có giải pháp hòa bình ngay lập tức và quá trình này cần thời gian.
Nhìn chung, Kiev có thể đã nhận ra rằng sự hỗ trợ của Mỹ và NATO không thể giúp sớm chấm dứt xung đột mà chỉ kéo dài. Điều này có thể đem lại hi vọng về việc Kiev hành động một cách độc lập hơn và đưa ra các quyết định tự chủ hơn, các chuyên gia Trung Quốc nhận định, theo tờ Hoàn Cầu.
Oleksii Antypovych, người đứng đầu một nhóm chuyên tổ chức cuộc khảo sát xã hội học ở Ukraine, hôm 24/4 đã đưa ra nhận định về những khả năng có thể xảy ra nếu Tổng thống...
Nguồn: [Link nguồn]