Báo Trung Quốc nêu quan điểm về thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân mới giữa Mỹ, Anh và Úc

Các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh và Úc hôm 12/3 đã công bố chi tiết kế hoạch trong chương trình tàu ngầm hạt nhân. Động thái được các chuyên gia Trung Quốc nhận định là nỗ lực bao vây dưới biển của Mỹ và đồng minh nhằm đối phó Bắc Kinh, theo tờ Thời báo Hoàn Cầu.

Tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio của Mỹ trên đường trở về căn cứ.

Tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio của Mỹ trên đường trở về căn cứ.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 14/3 nói thỏa thuận thúc đẩy hợp tác quân sự và công nghệ, bao gồm chương trình đóng tàu ngầm hạt nhân giữa 3 nước chỉ càng làm gia tăng cuộc chạy đua vũ trang, hủy hoại nguyên tắc không phổ biến vũ khí hạt nhân và làm tổn hại hòa bình và ổn định khu vực,

Kế hoạch của Mỹ, Anh và Úc được chia làm ba giai đoạn. Trong giai đoạn một, 4 tàu ngầm hạt nhân của Mỹ và 1 tàu ngầm hạt nhân của Anh sẽ thường xuyên được điều động tới căn cứ ở Úc kể từ năm 2027. Úc sẽ trở thành căn cứ tiền phương của Mỹ trong nỗ lực đối phó Trung Quốc, theo tờ Hoàn Cầu.

Trong giai đoạn hai, Úc sẽ mua 3 tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của Mỹ. Quá trình bàn giao tàu ngầm sẽ diễn ra trong giai đoạn năm 2030. Úc cũng có thể mua thêm 2 chiếc nữa của Mỹ và đây là các tàu ngầm uy lực nhất mà Úc từng sở hữu.

Trong giai đoạn 3, Anh sẽ thiết kế cho Úc một loại tàu ngầm hạt nhân hoàn toàn mới. Quá trình đóng tàu ngầm hạt nhân mới sẽ bắt đầu từ những năm 2040. Đến giai đoạn năm 2060, Úc sẽ vận hành 6 tàu ngầm hạt nhân mới. Anh cũng sẽ sử dụng loại tàu ngầm này để thay thế hạm đội hiện nay.

Dự án tàu ngầm hạt nhân với 3 giai đoạn trên ước tính tiêu tốn của Úc khoảng 268 - 368 tỉ USD trong 30 năm. Úc cũng sẽ đóng góp tiền vào dây chuyền sản xuất tàu ngầm của Mỹ và Anh.

Wei Dongxu, chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh, nói trên tờ Hoàn Cầu rằng Úc giống như chuột bạch để Mỹ thử nghiệm dự án tàu ngầm hạt nhân mới. Úc cũng phải chi trả một khoản tiền vô cùng lớn để phục vụ lợi ích của Mỹ, trong khi các rủi ro hoàn toàn do nước này gánh chịu.

Nếu quá trình thiết kế và chế tạo tàu ngầm có vấn đề, hoặc có rủi ro khi vận hành tàu ngầm hạt nhân, Mỹ và Anh có thể đổ lỗi lẫn nhau, nhưng Úc mới là bên "ngậm trái đắng" vì đã chi khoản tiền lớn, ông Wei nói.

Một chuyên gia Trung Quốc khác cho rằng, Mỹ đang đẩy Úc lên tuyến đầu trong việc hình thành thế trận bao vây dưới nước nhằm đối phó Trung Quốc.

Tờ Hoàn Cầu đề cập đến việc các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ và đồng minh sẽ tăng cường sự hiện diện ở châu Á - Thái Bình Dương nhờ biến Úc thành căn cứ tiền phương.

Nhật Bản, một đồng minh của Mỹ, hiện đang sở hữu hạm đội tàu ngầm thông thường, trong khi đảo Đài Loan cũng đang phát triển tàu ngầm thông qua sự hỗ trợ của phương Tây.

Trước các thách thức mới, Trung Quốc cần xây dựng năng lực chống ngầm đa phương diện, ông Wei nhận định. Đó là chống tàu ngầm thông qua máy bay, trực thăng, tàu chiến và từ chính hạm đội tàu ngầm mà Trung Quốc sở hữu.

Khảo sát địa chất dưới nước thường xuyên cũng như thiết lập chuỗi các cảm biến cũng là một phần của mạng lưới chống tàu ngầm, theo Hoàn Cầu.

Báo Trung Quốc cũng nêu rủi ro về nguy cơ phổ biến hạt nhân. Chương trình đóng tàu ngầm hạt nhân AUKUS có thể dẫn đến việc chuyển giao hàng tấn vật liệu hạt nhân ở cấp độ chế tạo vũ khí, đủ để sản xuất khoảng 100 vũ khí hạt nhân, Li Chijiang, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị Trung Quốc, nói trên tờ Hoàn Cầu.

Theo thỏa thuận mới, nhiên liệu sử dụng trong các lò phản ứng hạt nhân trên tàu ngầm sẽ do Mỹ cung cấp, nhưng Úc sẽ phải tự xử lý chất thải hạt nhân, bao gồm nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.

Thỏa thuận mới của Mỹ, Anh và Úc có thể làm tổn hại đến cân bằng và ổn định chiến lược toàn cầu, khuyến khích các nước khác tham gia chạy đua vũ trang hạt nhân, làm leo thang căng thẳng địa chính trị và đưa khu vực châu Á - Thái Bình Dương đi vào con đường sai lầm là đối đầu và chia rẽ, hoàn toàn đi ngược lại lời kêu gọi chung cho phát triển và thịnh vượng của các quốc gia trong khu vực, ông Li nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Trung Quốc, Nga lên tiếng về thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân AUKUS

Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Điện Kremlin cảnh báo rằng thỏa thuận mua bán tàu ngầm giữa Mỹ và Úc trong khuôn khổ AUKUS đe dọa nguyên tắc không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Hoàn Cầu ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN